Án hành chính vẫn khó gặm

Phát sinh đầu tiên là tòa sẽ tuyên án thế nào cho hợp lý trong trường hợp bác yêu cầu người khởi kiện buộc hủy quyết định hành chính. Có phải là khi tuyên bác yêu cầu thì tòa đồng thời phải tuyên luôn nội dung “giữ nguyên quyết định hành chính là đối tượng khởi kiện trong vụ án đó” hay không.

Tuyên án không thống nhất

Một thẩm phán TAND Tối cao cho biết trong thực tiễn giảng dạy và xét xử giữa các cấp tòa đang có hai quan điểm khác nhau về vấn đề này.

Một bên cho rằng phải tuyên thêm nội dung trên mới đảm bảo tính đầy đủ của sự kiện.

Còn một bên thì bảo không cần thiết phải nói thêm bởi khi tòa đã tuyên bác yêu cầu đòi hủy quyết định bị khiếu kiện thì quyết định này vẫn mặc nhiên có hiệu lực mà không cần lệ thuộc vào nội dung của bản án.

Hơn nữa, thực tế có những trường hợp quyết định hành chính bị kiện có nội dung xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người khác ngoài người khởi kiện. Nếu bản án tuyên bác yêu cầu của người này rồi lại tuyên thêm nội dung “giữ nguyên quyết định hành chính” sẽ gây ảnh hưởng những người còn lại. Họ không phải là đương sự của vụ án sẽ bị mất quyền khiếu nại vì “việc khiếu nại đã có… bản án, quyết định của tòa án”. Đồng thời họ bị mất quyền khởi kiện nếu việc khiếu nại của họ vẫn còn thời hiệu theo quy định.

Án hành chính vẫn khó gặm ảnh 1

Thiếu giám sát

Một vấn đề khác mà các chuyên gia pháp lý cũng nhấn mạnh là cần phải quan tâm giám sát loại án này hơn. Trong buổi tổng kết năm 2009, một lãnh đạo ngành kiểm sát nhận định, pháp luật không quy định thời hạn giao bản án cho viện cùng cấp cũng như thời hạn chuyển hồ sơ vụ kiện khi bị cấp phúc thẩm tuyên hủy án để điều tra, xét xử lại. Điều này làm cho phía viện khó khăn khi phát hiện có vi phạm không có căn cứ để kiến nghị. Đồng thời, kẽ hở này dẫn đến chuyện hơn 13 năm nay vẫn chưa có một cơ quan nào thống kê, theo dõi các bản án hành chính được thi hành ra sao.

Mặt khác, án hành chính hiện chỉ mới có quy định giao cho cơ quan thi hành án thi hành các phán quyết của tòa về tài sản và quyền tài sản, còn việc thi hành các phán quyết khác như thu hồi, hủy bỏ quyết định sai pháp luật thì vẫn đang để trống. Do vậy khi đụng đến những chuyện này thì cơ quan thi hành án cũng… chẳng biết làm gì hơn.

Vướng xác định thẩm quyền

“Tòa đang rối trong việc xác định thẩm quyền của tòa với trường hợp đương sự khởi kiện vụ án hành chính sau khi nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần hai thuộc lĩnh vực quản lý đất đai” - Tòa Hành chính (TAND Tối cao) cho biết tại hội nghị tổng kết ngành năm 2009. Tòa này đề nghị TAND Tối cao nên có hướng thống nhất về việc này.

Theo tòa, hiện nay luật đang thiếu thống nhất, mâu thuẫn, chồng chéo… về thủ tục khiếu nại cũng như khởi kiện loại án này nên cũng đã xuất hiện hai quan điểm khác nhau.

Một phía cho rằng vẫn thuộc thẩm quyền thụ lý của tòa vì theo Điều 46 Luật Khiếu nại, tố cáo, đương sự có quyền khởi kiện.

Tuy nhiên, phía khác lại nói không thuộc thẩm quyền của tòa vì theo Điều 138 Luật Đất đai thì sau khi nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần hai của chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đương sự không có quyền kiện nữa.

Quan điểm của Tòa Hành chính thì lại hướng theo phía thứ nhất vì theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (có hiệu lực từ ngày 1-1-2009) thì trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau. Theo đó, Luật Khiếu nại, tố cáo được bổ sung năm 2005 sau Luật Đất đai (năm 2003)...

Cơ quan chây ì, không biết xử sao

Dư luận cũng rất bức xúc nhiều là sau khi thua kiện, các cơ quan công quyền vẫn chần chừ không chịu thi hành án. Điều này một phần là do đang thiếu cơ chế chế tài các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thi hành án. Do đó, nếu những cơ quan này cứ cương quyết “chống” bản án của tòa thì họ cũng không bị gì mà chỉ có người dân là phải chịu thiệt thòi. Trước đây báo Pháp Luật TP.HCMtừng phản ánh một vụ ở Bà Rịa-Vũng Tàu, ủy ban tỉnh này vẫn không chịu thi hành án khi bị tòa tuyên thua. Thậm chí Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã yêu cầu UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu báo cáo về việc thi hành bản án này nhưng UBND tỉnh vẫn tiếp tục im hơi lặng tiếng.

Các thẩm phán cần xử cẩn trọng

Mỗi quyết định chính xác của bản án hành chính sẽ tác động trực tiếp đến công việc quản lý và điều hành của những người có chức vụ trong cơ quan hành pháp. Điều đó không những tạo ra sự dân chủ trong một xã hội nhà nước pháp quyền mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy công cuộc cải cách hành chính của nước ta trong giai đoạn hiện nay. Do vậy các tòa cần phải cẩn trọng hơn khi xem xét xử lý.

Thẩm phán Phạm Công Hùng, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

Án hành chính là án khó

Án hành chính thụ lý không nhiều nhưng là loại án khó. Hai vụ mà Tòa án quận 4 (TP.HCM) thụ lý giải quyết đều liên quan đến lĩnh vực thuế. Các thẩm phán đã phải bỏ nhiều công sức nghiên cứu rất kỹ quy định của pháp luật để xét xử mà không vi phạm thời hạn luật định. Ngoài ra, tòa còn có hai vụ khác đang bị kháng cáo, kháng nghị nhưng chưa được xét xử phúc thẩm nên chưa đánh giá được chất lượng xét xử đối với loại án này.

(Trích tham luận của TAND quận 4 tại hội nghị tổng kết năm 2009 của ngành TAND TP.HCM)

Cơ quan hành chính phải thi hành án

Dù chưa có chế tài cụ thể về chuyện cơ quan hành chính khi thua kiện chây ì thi hành án nhưng không vì thế mà các cơ quan này được quyền làm như vậy. Ai bị thi hành án đều phải nghiêm túc thi hành. Chưa kể cơ quan hành chính thì càng phải làm gương để các đương sự khác noi theo. Nếu cơ quan không thi hành án, không làm gương thì ít nhiều gây mất lòng tin nơi người dân.

Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh, Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm