Án xử đi xử lại - Bài 2: Xử theo tòa cấp trên, có độc lập?

Tại phiên trả lời chất vấn của Quốc hội hồi tháng 6-2013, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho rằng có tình trạng án xử đi, xử lại và các tòa án cấp dưới không tuân theo đường lối của cấp trên: Cụ thể là đường lối thể hiện trong kháng nghị của viện trưởng VKSND Tối cao, chánh án TAND Tối cao và án giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao và các tòa chuyên trách.

Xét xử phải có điểm dừng?

Chánh án Trương Hòa Bình nói: “Báo cáo với Quốc hội, chúng ta theo một cơ chế có phá án. Tức là khi thấy bản án có những căn cứ vi phạm pháp luật, chánh án hoặc viện trưởng kháng nghị thì Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao sẽ xét xử lại một số bản án theo thẩm quyền và sau đó sẽ ban hành quyết định giám đốc thẩm. Nhưng cũng có một số trường hợp, tòa án cấp dưới xét xử lại nhưng không tuân theo đường lối giám đốc thẩm và xét xử lại có khi lại trở lại như bản án đã bị kháng nghị”.

Theo ông Bình, đây là một vấn đề lớn trong tố tụng liên quan đến việc quy định của pháp luật: “Chúng tôi đã kiến nghị với Quốc hội trong việc sửa đổi Hiến pháp và sắp tới đây sẽ đưa vào sửa đổi các luật theo hướng quy định tòa cấp dưới có nghĩa vụ phải tuân theo đường lối xét xử của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao”.

Án xử đi xử lại - Bài 2: Xử theo tòa cấp trên, có độc lập? ảnh 1

Vụ kiện của ông Phạm Thanh Tùng (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) phải kéo dài hơn bảy năm vì án xử đi xử lại. Ảnh: CTV

Kiến nghị của ông Bình được một số chuyên gia đồng tình vì cho rằng việc xét xử phải có điểm dừng, không thể kéo dài lê thê mãi.

Theo PGS-TS Đỗ Văn Đại (Trưởng khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM), nếu cùng một vụ việc mà luôn có sự khác nhau về nhận thức giữa các cấp tòa thì đến một thời điểm nào đó cũng nên theo đường lối xét xử của TAND Tối cao. Chẳng hạn, nếu TAND Tối cao đã xử giám đốc thẩm lần thứ hai mà các tòa sơ, phúc thẩm vẫn bảo vệ quan điểm ban đầu của mình thì đến lần xử giám đốc thẩm thứ ba, TAND Tối cao có quyền yêu cầu cấp dưới phải tuân theo đường lối xét xử của mình để đảm bảo tính ổn định của pháp luật.

Ông Đại cho rằng cơ chế trên phù hợp với hệ thống luật thành văn như ở Việt Nam. Thực tế đã chứng minh là nước Pháp - một nước theo hệ thống luật thành văn đã áp dụng thành công cơ chế này: Bộ luật Tổ chức tòa án của Pháp quy định nguyên tắc nếu Tòa án Tối cao đã hủy án một lần rồi mà tòa án địa phương vẫn không nghe theo quan điểm của Tòa án Tối cao thì Tòa án Tối cao sẽ triệu tập Hội đồng Thẩm phán. Hội đồng này sẽ ra một quyết định mang tính ràng buộc theo hướng ở lần xét xử thứ hai, tòa án địa phương phải tuân theo quyết định của Hội đồng Thẩm phán.

Vi phạm nguyên tắc xét xử độc lập?

Ngược lại, nhiều chuyên gia băn khoăn rằng nếu buộc tòa cấp dưới phải tuân thủ đường lối xét xử giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì sẽ triệt tiêu một nguyên tắc cơ bản là thẩm phán và hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Theo luật sư Nguyễn Thế Phong (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Long An), nước ta đang cải cách tư pháp theo hướng nâng cao tính chịu trách nhiệm của thẩm phán. Chuyện mỗi cấp tòa, mỗi thẩm phán bảo vệ quan điểm của mình, về bản chất cũng là tôn trọng quyền suy nghĩ của thẩm phán, không bị lệ thuộc trong tư duy nhận thức pháp luật. Nếu bắt họ phải theo đường lối xét xử của cấp trên thì sẽ tạo ra tình trạng xử án theo chỉ đạo, không ai chịu trách nhiệm cuối cùng về phán quyết của mình.

“Đây không phải là cách hay để khắc phục tình trạng án xử đi xử lại mà phải dùng biện pháp đúc kết kinh nghiệm xét xử hằng năm trong ngành để các thẩm phán hiểu và thống nhất chung về nhận thức. Lúc đó tự khắc các thẩm phán, các cấp tòa phải tự nhìn lại mình và có được tiếng nói chung” - luật sư Phong nói.

Đồng tình, luật sư Trần Công Ly Tao (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) khẳng định: “Nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật có thể coi là kim chỉ nam trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật. Do đó không thể sửa các luật tố tụng về vấn đề đã thuộc về nguyên tắc này mà phải tôn trọng nó. Thà chấp nhận việc án bị kéo dài vì xử đi xử lại chứ không thể vi phạm nguyên tắc”.

Nhiều nguyên nhân

Tình trạng án xử đi xử lại trên thực tế có nhiều nguyên nhân, có khi chỉ vì thiếu sót tố tụng chứ chưa hẳn là quan điểm khác nhau về chứng cứ, nội dung. Một hạn chế khác là trong án giám đốc thẩm, nhiều khi Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hủy án nhưng không định hướng cho cấp dưới, khiến họ phải quyết định theo nhận thức của mình. Đó là chưa kể vẫn còn tình trạng “án bỏ túi”, tức khi xử lại, mặc dù là hội đồng xét xử khác nhưng vẫn xử theo định hướng của lãnh đạo tòa. Lúc này thẩm phán cũng không thể độc lập trước pháp luật.

PGS-TS ĐỖ VĂN ĐẠI, Trưởng khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM

Hậu quả khó lường

Nếu cứ khác nhau về nhận thức và áp dụng pháp luật mà phải theo ý của tòa cấp trên thì còn gì là phiên tòa tranh tụng, còn gì là cải cách tư pháp? Vai trò của luật sư và quyền được bảo vệ của đương sự sẽ bị triệt tiêu. Đó là chưa kể nếu đường lối của tòa cấp trên không đúng, không chính xác, thiếu khách quan thì việc nghe theo này hậu quả sẽ rất khó gỡ. Ngay cả sau khi TAND Tối cao phát triển án lệ thì cũng chỉ để thẩm phán tham khảo chứ không mang tính bắt buộc bởi không gì có thể thay thế được quy định pháp luật.

Một kiểm sát viên cao cấp VKSND Tối cao

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm