‘Bài học xương máu’ về án oan

Chiều 10-11, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Văn Thủy - Viện trưởng VKSND huyện Cần Giờ, TP.HCM xung quanh việc làm oan anh Trần Hoàng Minh.

. Phóng viên:Thưa ông, từ 30-12-2014, anh Trần Hoàng Minh đã nhiều lần khiếu nại lý do đình chỉ nhưng VKS huyện Cần Giờ trả lời đã hết thời hiệu. Vậy nguyên nhân nào khiến VKS huyện Cần Giờ nhìn nhận lại vụ án, thay đổi quan điểm và thừa nhận đã làm oan anh Minh?

+ Ông Huỳnh Văn Thủy: Cám ơn báo Pháp Luật TP.HCM đã thông tin. Sau khi báo đăng, chúng tôi đã kiểm tra hồ sơ lại ngay. Với tinh thần cầu thị, bảo đảm không để làm oan người vô tội, chúng tôi nhìn nhận quyết định đình chỉ “do chuyển biến của tình hình, người phạm tội không còn nguy hiểm nữa” là không đúng. Do đó sau khi được cấp trên chỉ đạo xem xét lại vụ án, chúng tôi đã họp và thống nhất hủy bỏ quyết định đình chỉ trước đây.

Trần Hoàng Minh ở tiệm sửa xe của anh tại Cần Giờ. Ảnh: PL

. VKSND huyện Cần Giờ đã từng gặp phải trường hợp như thế này bao giờ chưa?

+ 10 năm tôi làm viện trưởng, đây là vụ án oan đầu tiên. Qua đó chúng tôi cũng rút ra được bài học xương máu, cho bản thân và cho anh em trong ngành.

. Bài học xương máu đó là gì ạ?

+ Bài học về nghiệp vụ, có vấn đề cần làm rõ thì làm ngay, khi còn mảy may nghi ngờ thì không phê chuẩn. Trách nhiệm trong vụ án này thuộc về hai cơ quan, VKS và cơ quan điều tra. VKS đã phê chuẩn thì VKS phải chịu trách nhiệm chính. Cũng do quá tin tưởng vào hồ sơ, tin tưởng vào kiểm sát viên tham mưu.

. Trong vụ này, có lúc Minh nhận tội. Theo ông, có hay không hành vi cố ý làm sai lệch hồ sơ, ép người không thực hiện hành vi phạm tội phải nhận tội?

+ Chúng tôi không khẳng định vì hồ sơ không thể hiện.

. Hướng giải quyết hậu quả đối với người bị oan là gì, thưa ông?

+ Khi anh Minh có yêu cầu, chúng tôi sẽ tổ chức xin lỗi và bồi thường oan theo đúng quy định về Luật Trách nhiêm bồi thường của Nhà nước.

. Còn trách nhiệm của những người trực tiếp làm oan, tham mưu giải quyết trong vụ án này sẽ được xem xét thế nào?

+ Chúng tôi sẽ họp, xem xét, đánh giá mức độ và có hình thức phù hợp.

. Là người đứng đầu, ông nhìn nhận trách nhiệm của mình thế nào?

+ Với tư cách người đứng đầu, tôi nhìn nhận mình có trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ quan gây nên oan…

. Xin cám ơn ông.

Sửa sai sau khi Pháp Luật TP.HCM phản ánh

Ngày 15-10, báo Pháp Luật TP.HCM có bài “Vô tội rõ ràng vẫn né bồi thường oan”. Theo đó, ngày 2-10-2013, anh Trần Hoàng Minh (trú ấp Bình Phước, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TP.HCM) bị khởi tố và bắt tạm giam với cáo buộc trộm máy vi tính xách tay trị giá 6,8 triệu đồng của ông Nguyễn Văn Hoàng (ở ấp Bình Thuận).

Anh Minh liên tục kêu oan và đưa ra chứng cứ ngoại phạm, rằng khi xảy ra vụ trộm anh đang sửa xe cho khách. Nhiều khách sửa xe cũng khai thời điểm anh Minh bị quy buộc đi trộm thì anh đang lọ mọ sửa xe cho họ. Từ đó tòa tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Sau khi tòa trả hồ sơ, VKSND huyện Cần Giờ đã đình chỉ điều tra vụ án theo khoản 1 Điều 25 BLHS với lý do “do chuyển biến của tình hình, người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội”. Anh Minh khiếu nại thì được trả lời là đã hết thời hiệu. Sau khi Pháp Luật TP.HCM phản ánh, VKSND Tối cao và VKSND TP.HCM chỉ đạo phải xem xét lại hồ sơ vụ việc. Mới đây, VKSND huyện Cần Giờ đã hủy bỏ quyết định đình chỉ cũ và thay bằng quyết định đình chỉ mới với lý do “do quá trình điều tra, truy tố không chứng minh được anh Minh phạm tội”. Điều này đồng nghĩa với việc viện xác định anh Minh bị khởi tố, truy tố oan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều