Đất anh hùng giàu nhân nghĩa

Ngày 20-12 vừa qua, xã Phổ Cường (Đức Phổ, Quảng Ngãi - nơi bác sĩ-liệt sĩ Đặng Thùy Trâm từng một thời gắn bó) đã tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày được Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Những ngày này, đường quê Phổ Cường như sáng hơn, nhà nhà vui hơn, những người con từng chiến đấu, gắn bó mảnh đất này cũng lũ lượt tìm về khiến làng quê thêm rộn ràng, náo nức.

Đất anh hùng giàu nhân nghĩa ảnh 1

Một góc làng quê Phổ Cường. Ảnh: VQ

Hồi ức anh hùng

Ông Phạm Xuân Hùng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ, Bí thư Đảng ủy kiêm Xã đội trưởng Phổ Cường, xúc động nói: “Nghe tụi trẻ hát, tui nhớ về thời chiến tranh quá. Cái ngày đó sao mà thiêng liêng, oanh liệt quá. Làng quê thành chiến trường. Các thế hệ nối tiếp nhau cầm súng”.

Ông Hùng kể một chiều mưa cuối năm 1972, trong khi anh em xã đội du kích tập trung bám địch thì liên lạc thông báo: Huyện ủy Đức Phổ triệu tập Đảng ủy, xã đội khẩn cấp. Ông Hùng cùng xã đội phó Bùi Văn Rê cấp tốc băng qua vùng hồ Liệt Sơn, Hố Sâu lên vùng Đồng Phường giáp ranh giữa xã Phổ Cường với xã Ba Khâm, huyện Ba Tơ - nơi cơ quan Huyện đội Đức Phổ trú chân. Tới nơi, ông Hùng đã thấy các anh ở Huyện ủy, Huyện đội Đức Phổ đều có mặt đầy đủ nên lo. Nhưng các anh cười vui, bắt tay rồi trịnh trọng thông báo thay mặt cấp trên trao cờ và quyết định của Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam công nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho cán bộ, nhân dân xã Phổ Cường.

“Hai anh em tui nhận lá cờ Quyết thắng và quyết định công nhận danh hiệu anh hùng mà rưng rưng nước mắt. Chính phủ đã hiểu rõ tấm lòng son sắt thủy chung của cán bộ và nhân dân Phổ Cường. Nhưng sau niềm vui, tui liền nhớ đến những người đã ngã xuống mà rưng rưng nước mắt. Hồi đó, được cấp trên ghi nhận thành tích lòng vui lắm. Nhưng anh em trong Đảng ủy, xã đội đều biết cuộc chiến khốc liệt nên không thể tổ chức lễ mừng công, chỉ báo tin cho cán bộ, du kích biết mà động viên nhau cố gắng chiến đấu xứng đáng với danh hiệu anh hùng…” - ông Hùng nhớ lại.

Phó Chủ tịch UBND xã Võ Cương đưa chúng tôi ghé thăm nhà bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Trọng ở xóm 1, thôn Xuân Thành. Năm nay mẹ Trọng đã 89 tuổi, mẹ đang vui với bầy cháu nhỏ. Hỏi chuyện, mắt mẹ bỗng rưng rưng: “Hồi đó ông nhà đi tập kết rồi hy sinh ở Đắk Lắk. Ở nhà tui một nách bốn con lo cấy cày trồng lúa, trồng khoai nuôi con. Rồi con Hạnh vào TNXP, hai đứa tiếp vào du kích, thằng Út được cấp trên cho ra Bắc học. Chúng đi rồi, nhà trống trơn”. Nhớ chồng, nhớ con, mẹ càng tích cực tham gia hội phụ nữ làm công tác địch vận ở xã. Rồi từ các mặt trận tin đưa về: từng đứa con của mẹ ngã xuống. “Nhưng hồi đó nước mắt cũng lặn vào trong, chứ nếu mình yếu mềm thì làm sao hoàn thành nhiệm vụ được” - mẹ Trọng đưa tay quệt nước mắt.

Đứng lên từ đổ nát

Đất anh hùng giàu nhân nghĩa ảnh 2

Phụ nữ Phổ Cường diễu hành tại lễ kỷ niệm 40 năm đón nhận danh hiệu anh hùng. Ảnh: VQ

Cụ Trần Nguyên Trạng, 80 tuổi, ở thôn Nga Mân, nguyên là cán bộ huyện Đức Phổ thời chống Mỹ. Cụ kể: Sau chiến tranh, cả một dọc dài từ thôn Xuân Thành qua Thanh Sơn, Bàn Thạch, Nga Mân và phía nam thôn Mỹ Trang chẳng còn một nóc nhà. Còn đồng ruộng thì hoang hóa, cỏ mọc bời bời. Chao ôi, những mùa khô đồng càng khô khốc, đàn bò cứ trơ lưng đi đi lại lại vì chẳng thể tìm đâu ra búi cỏ xanh…

Và rồi những bàn tay cầm súng trong chiến tranh giờ lại cầm cuốc, cầm cày. Ai cũng hiểu những năm hậu chiến khó khăn nên đâu dám kể lể công lao. Anh Nguyễn Minh Niệm ở thôn Nga Mân nhớ lại: “Quê mình sau chiến tranh mất mát nhiều quá, mà ruộng đồng thì đất đai cằn cỗi. Biết vậy nên cha mẹ mình cố sức cày bừa gieo hạt cho con có bát cơm độn khoai sắn tạm no. Hết mẹ cha, đến mình vẫn thế, cứ cố công làm lụng để con cái có bát cơm đầy, tấm áo lành lặn đến trường với bạn với bè”. Bây giờ, trong số tám người con của anh Niệm đã có ba người tốt nghiệp đại học ra trường, một đứa đang học đại học, những đứa còn lại đang học phổ thông.

Nhiều người tranh thủ sau khi cấy cày gieo hạt đã xong thì rời quê đi các nơi làm lụng để kiếm thêm tiền cải thiện cuộc sống gia đình. Chính họ đã mở lối cho nhiều người quê Quảng Ngãi vào TP.HCM bán hủ tiếu, vé số, lượm ve chai. Một người đi trở về có thu nhập khá là nhiều người làng học cách làm theo. Phó Chủ tịch xã Võ Cương nói hiện có khoảng 1/3 số hộ có người rời quê trong lúc nông nhàn để kiếm sống, khi mùa lên họ lại tất tả trở về.

“Quê mình được tuyên dương anh hùng khá sớm trong tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng anh hùng thì phải cố gắng vươn lên chứ nghèo khó mãi coi sao được”. Từ suy nghĩ này mà người dân Phổ Cường đã cố gắng vượt khó để lo cho cuộc sống ngày càng khá hơn, con cái có điều kiện ăn học nên người. Đi dọc thôn Nga Mân, Xuân Thành, Mỹ Trang giờ có khá nhiều ngôi nhà khang trang. Người làng lớn lên trong nghèo khó, khi thành đạt càng nhớ đến quê, cùng nhau góp tiền cho quỹ khuyến học, làm đường giao thông nông thôn… Người làng cho hay con đường cấp phối của thôn Thủy Thạch và nhà mẫu giáo được xây dựng nên từ tiền đóng góp của gia đình ông Nguyễn Nhật Thu và thầy giáo Nguyễn Ngọc Liễn. Cả hai chưa phải là giàu nhưng đối với quê hương thì họ đúng là giàu tình giàu nghĩa.

Đất nhân nghĩa

Ở Quảng Ngãi, có lẽ xã Phổ Cường là nơi có nhiều nhà truyền thống nhất. Có đến 6/7 thôn dân tự đóng góp tiền của xây dựng nhà truyền thống để ghi nhớ công lao các bậc tiền hiền, liệt sĩ và những bà mẹ Việt Nam anh hùng đã khuất. Bí thư Đảng ủy xã Phổ Cường Trần Nguyên Giang kể sau 1975 có những gia đình hy sinh hết nên chẳng còn ai thờ cúng. Các bậc cao niên trong làng tâm tư rồi nghĩ cách vận động bà con xây dựng nhà truyền thống để thờ phụng. Các cụ bàn bạc với bà con rồi đề đạt nguyện vọng nhưng Đảng ủy, chính quyền rất phân vân. Bởi cuộc sống của bà con còn khó, giờ vận động đóng góp không khéo thành gánh nặng cho nhiều người. Nhưng rồi bà con nhiều lần đề đạt nên xã phải thuận theo, chỉ đề nghị miễn đóng góp cho những hộ nghèo.

Thôn Thanh Sơn làm đầu tiên, kế tiếp tới thôn Nga Mân, Bàn Thạch, Lâm Bình, Mỹ Trang, Xuân Thành với tổng số tiền lên đến 4,2 tỉ đồng. Cụ Trần Nguyên Trang ở thôn Nga Mân kể sau khi thôn Thanh Sơn xây dựng nhà truyền thống, bà con thôn Nga Mân chất vấn: Sao thấy việc đúng mà làng mình không học cách làm theo. Hiểu tấm lòng của bà con nhưng để rốt ráo, ông vặn lại: “Vậy chứ vận động thì bà con có đóng góp không?”. Người dân nói ngay: “Đất quê mình nghèo thiệt nhưng lòng người quê mình có nghèo đâu mà ông lo!”.

Những ngôi nhà truyền thống ở xã Phổ Cường không chỉ là nơi thờ phụng các bậc tiền hiền, liệt sĩ. Những ngày lễ, tết, nhà truyền thống lại rộn ràng đón tiếp những người con xa quê của làng ở khắp nơi trong cả nước về thăm. Các bậc cao niên thấy thế gật gù: “Con cháu về đây sẽ hiểu rõ hơn truyền thống của quê mình. Từ đó tự thân chúng phải biết sống, biết hành xử cho xứng đáng với quê hương, làng xã của mình”.

Máu xương đổ xuống dệt nên anh hùng

Trước khi được Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu anh hùng vào ngày 20-12-1972, xã Phổ Cường từng vinh dự được Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tặng thưởng chín huân chương các loại, một huân chương Quân công giải phóng hạng Ba. Ngoài ra, xã còn được Quân khu 5 tặng cờ Quyết thắng và Tỉnh ủy đã nhiều lần biểu dương là xã kiên cường đánh Mỹ.

Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Cường Võ Cương cho biết toàn xã có 873 liệt sĩ, 317 thương bệnh binh, 70 bà mẹ Việt Nam anh hùng, bốn cá nhân được tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang, 233 tù chính trị hoặc TNXP, 1.250 gia đình có công với cách mạng. Đa phần các nhà ở đây đều là gia đình có công với nước.

VÕ QUÝ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm