Đề nghị 3 án tử hình, 7 án chung thân

3 bị cáo bị đề nghị mức án tử hình là Nguyễn Văn Đua (SN 1967 - bị cáo buộc mua bán 20 bánh hêrôin), Lê Đức May (SN 1972 - bị cáo buộc mua bán 21 bánh hêrôin) và Nguyễn Thị Hảo (SN 1973 - bị cáo buộc tham gia mua bán 29 bánh hêrôin).

Đề nghị 3 án tử hình, 7 án chung thân ảnh 1

Các bị cáo từ trái sang phải: Nguyễn Văn Đua; Nguyễn Văn Bình; Nguyễn Thị Thảo

Nếu các mức án đề nghị trên được HĐXX chấp nhận thì vụ án này sẽ có 4 án tử hình (gồm cả bị cáo Nguyễn Công Viễn, bị tổng hợp với bản án tử hình của TAND tỉnh Sơn Sa trước đây - đang chờ thi hành án).

Riêng bị cáo Đua còn bị đề nghị tuyên phạt 2-3 năm tù về tội “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”, 2-3 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị cáo May bị đề nghị mức án 1-2 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Các bị cáo bị đề nghị mức án chung thân gồm: Bùi Thị Bích Phượng (SN 1962, bị cáo buộc mua bán trái phép 18 bánh hêrôin); Nguyễn Thanh Bình (bị cáo buộc đã giúp vợ là bị cáo Phượng mua bán trái phép 18 bánh hêrôin), Vũ Thị Xuyến (SN 1950, mẹ bị cáo Hảo, bị cáo buộc đồng phạm mua bán 11 bánh hêrôin), Nguyễn Đăng Bình (em trai bị cáo Hảo - SN 1976, bị cáo buộc tham gia mua bán 8 bán và 7 cây hêrôin);  Lê Thị Mơ (SN 1968, bị cáo buộc mua bán 7 bánh hêrôin), Nguyễn Thị Thanh Thuỷ (SN 1961, bị cáo buộc mua bán 8 bánh và 1 cây hêrôin), Nguyễn Đăng Lập (SN 1959 - chồng bị cáo Thuỷ, bị cáo buộc mua bán 8 bánh và 8 cây hêrôin).

Trong nhóm tội phạm liên quan đến ma tuý, có 8 bị cáo bị đề nghị mức án 20 năm tù. Trong đó bị cáo Trần Thị Thanh Hà (SN 1968, trú tại Thái Nguyên) bị đề nghị mức án 22-23 năm tù vì tổng hợp hình phạt với tội “Tàng trữ trái phép chất ma tuý”. Bị đề nghị mức án thấp nhất là Phạm Minh Thuật (7-8 năm tù).
Đáng ngạc nhiên và gây chú ý nhất tại tòa có lẽ là bị cáo Nguyễn Thị Thảo (SN 1962, trú tại huyện Khoái Châu, Hưng Yên). Đại diện VKSND cho rằng bị cáo này do nể nang (không được hưởng lợi) mà đã cho các cháu ruột (bị cáo Huệ và bị can Hùng) mượn hòm gỗ để giấu hêrôin và phơi hêrôin ở cửa nhà. Với số lượng 8 bánh hêrôin, Thảo bị đề nghị mức án 20 năm tù. Trước toà, Thảo không chối tội nhưng bào chữa rằng: “bị cáo là nông dân, không hiểu biết, lại nể tình cô cháu nên phạm pháp”.

Ngoài hình phạt tù, mỗi bị cáo trong nhóm tội danh trên bị đề nghị phạt bổ sung từ 10 đến 300 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều bị cáo cũng xin miễn luôn việc phạt bổ sung này vì “gia đình khó khăn”, “để tiền nuôi các con” hoặc “việc mua bán herôin cũng chẳng lãi bao nhiêu vì hàng bị thiếu, bị kém chất lượng”…

Trong nhóm tội phạm liên quan đến hành vi đưa - nhận hối lộ, bị đề nghị mức án cao nhất là bị cáo Lê Trung Tiến (SN 1954 - nguyên Kiểm sát viên VKSND tỉnh Thái Nguyên), từ 7-8 năm tù. Bị cáo bị đề nghị mức án nhẹ nhất là Đinh Thị Hoà (SN 1955, nguyên Thẩm phán TAND tỉnh Thái Nguyên), từ  2-3 năm tù cho hưởng án treo.

Đáng chú ý là việc đại diện VKS đã chuyển khung hình phạt truy tố nhẹ hơn cho bị cáo Lương Tuấn Anh (từ Khoản 3 xuống Khoản 1 điều 279 BLHS), mức án đề nghị từ 4-5 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Cùng tội danh này, cấp trên của Tuấn Anh là Nguyễn Anh Dũng (SN 1958, nguyên Phó phòng PC 17, Công an Thái Nguyên) bị đề nghị mức án từ 3-4 năm tù vì nhận 1 cây vàng do Tuấn Anh đưa.

Dũng thừa nhận việc mình nhận tiền từ điều tra viên Lương Tuấn Anh nhưng lý giải chỉ nghĩ đó là tiền cấp dưới cho mình chứ không biết đó là tiền nhận hối lộ của đối tượng buôn ma tuý.

Nói về vụ nhận 40 triệu đồng “chạy án” cho bị can Dương Công Phúc (bị bắt về hành vi mua bán trái phép chất ma tuý), bị cáo Lê Trung Tiến khai: “Tôi rất ăn năn vì đã bị đồng tiền cám dỗ. Tôi rất hổ thẹn với gia đình, bạn bè. Tôi đã đánh đổi cả sự nghiệp, danh dự của mình chì vì 50 triệu”.

Hôm nay 17/3, phiên toà tiếp tục phần tranh luận với phần tội danh về đưa - nhận hối lộ.

Theo N. Tuấn - Q. Đô (Dân trí)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm