Đính chính, cải chính

Mẫu "đính chính" có nội dung: xin đọc lại là "Em vợ đòi hưởng gia tài" (chứ không phải "Vợ đòi hưởng gia tài"... Nghiên cứu pháp luật của nhà nước ta từ trước đến nay tôi thấy chỉ có quy định nghĩa vụ "cải chính"; chứ không hề có nghĩa vụ "đính chính". Xin Anh Phó giải thích rõ hai từ "cải chính" và "đính chính" có gì khác nhau không?

ANH PHÓ trả lời:

Thưa ông Trần Văn Tư,

Thực tế lâu nay nhiều người hay dùng lẫn lộn hai chữ "cải chính" và "đính chính", nên nói ra thì ai cũng hiểu như nhau, đó là sửa lại cho đúng (démentir). Từ điển bách khoa Việt Nam (Hà Nội 1995) đã viết: "Cải chính thường đồng nghĩa với đính chính" (Quyển 1, trang 338). Nhưng về mặt pháp lý theo tôi nó cũng có "cự ly" chút đỉnh mà người "trong nghề" mới cần phân biệt cho... "ra ngô ra khoai".

Đúng là từ trước đến nay, trong các văn bản pháp luật của nhà nước ta chỉ dùng từ "cải chính" để chỉ nghĩa vụ của cơ quan báo chí phải sửa lại cho đúng sau khi đã thông tin sai sự thật, xúc phạm đến danh dự của người khác. Điều 10 Luật số 100-SL/L002 ngày 20-5-1957 quy định chế độ báo chí nêu rõ: "Báo nào đăng bài vu khống, xúc phạm đến danh dự của một tổ chức hay một cá nhân, thì đương sự có quyền yêu cầu báo ấy cải chính hoặc đăng bài cải chính của đương sự (...)".

Điều 9 Luật Báo chí (năm 1989, sửa đổi bổ sung năm 1999) cũng nêu rõ: "Báo chí khi thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải đăng, phát sóng lời cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả (...)". Như vậy, khi nói sai, xúc phạm đến tổ chức, cá nhân khác thì phải "cải chính" (rectifier). Đó là nghĩa vụ luật định phải làm.

Song chữ "đính chính" hay "hiệu đính" thì có nghĩa "bình dân", "đời thường" hơn. Mỗi khi lỡ nói ra, thông tin việc gì chưa "chuẩn" lắm mà người nói cần "nói lại cho rõ" để người khác hiểu đúng ý người nói và việc nói chưa đúng đó không gây ảnh hưởng, xúc phạm gì đến tổ chức, cá nhân nào thì dùng từ "đính chính" nghe nhẹ nhàng và phù hợp hơn.

Cụ thể như trong trường hợp bạn nêu, vì khâu kỹ thuật sửa bản in (mo-rát) vô ý làm mất chữ "em" thành thử "em vợ" trở thành "vợ", nên tòa soạn báo Pháp Luật TP.HCM kịp thời đính chính để người dự chơi trò chơi À Ra Thế hiểu đúng ý ban tổ chức ra đề. Việc này không xúc phạm, ảnh hưởng xấu tới ai, không bị ai khiếu nại mà tòa soạn tự động làm thôi. Về ngữ nghĩa, trong trường hợp này, người Pháp dùng chữ "reviser" với nghĩa đính chính, chứ không dùng từ "rectifier" với nghĩa cải chính như đã nói trên.

Kính chào ông.

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm