Dow Jones hồi phục toàn bộ số điểm đã mất kể từ đầu năm

Sau cú ngã ngựa bất ngờ vào cuối ngày thứ hai, chứng khoán Mỹ đã hồi sinh mạnh mẽ. Với việc đồng loạt chỉ báo nhóm ngành công nghiệp bật xanh và các hàn thử biểu lần lượt phá vỡ các ngưỡng cản kỹ thuật, giới đầu tư ào ạt đặt các lệnh mua trên giá tham chiếu với kỳ vọng đón đầu đợt sóng tăng điểm trở lại Phố Wall. Đáng chú ý, đà tăng mạnh của S&P đã nhấc bổng chỉ số này qua mốc trung bình 200 ngày sau nhiều lần chinh phục bất thành trong tháng trước. Lần cuối cùng chỉ số này đóng cửa trên đường trung bình 200 ngày là ngày 19/5.

Đối với nhà đầu tư, đây là một cột mốc cho thấy xu hướng tích cực của thị trường. Thông tin về lĩnh vực sản xuất New York giúp thị trường lạc quan rằng kinh tế Mỹ đang tăng trưởng tốt và tái khẳng định sức đề kháng của nền kinh tế lớn nhất thế giới trước đại dịch cúm nợ đang hoành hành tại châu Âu.

Chứng khoán Mỹ khép lại ngày giao dịch với mức điểm tăng cao nhất trong ngày. Chỉ số Dow Jones Industrial bứt tốc 213,88 điểm, tương ứng 2,1%, leo lên ngưỡng 10.404,77 điểm - cao nhất kể từ ngày 19/5, giai đoạn cuộc khủng hoảng nợ châu Âu bùng phát khiến các trung tâm tài chính toàn cầu chao đảo. Hàn thử biểu Standard & Poor 500 ghi 2,4%, đóng cửa ở 1.115,23 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite thăng hoa 2,8% với đầu tàu dẫn dắt là cổ phiếu sản xuất chip, hứng khởi chinh phục mốc 2.305,88 điểm. Dù khối lượng giao dịch vẫn còn khá khiêm tốn đạt 1,2 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng, nhưng số cổ phiếu tăng điểm luôn vượt xa nhóm cổ phiếu giảm với tỷ lệ 6:1.

Chứng khoán châu Âu ghi nhận đợt tăng điểm dài nhất trong 3 tháng. Chỉ số tổng hợp 18 hàn thử biểu khu vực Eurozone DJ Stoxx 600 tăng 0,7%, lên 254,28 điểm. Đây là phiên xanh màu ngày thứ năm liên tiếp của chỉ số này và đồng thời khôi phục toàn bộ số điểm đã mất trong năm do cơn bão khủng hoảng nợ gây ra. Phiên này, có 16 bảng điện tử các thị trường đóng cửa dương. Chứng khoán Anh nhích nhẹ 0,3% do quan ngại nỗi lo lạm phát có thể khiến chính phủ cân nhắc lại các biện pháp kích cầu kinh tế. Cơ quan thống kê Anh (ONS) công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 đã lên mức cao nhất trong 4 tháng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên ghi nhận bước tăng thấp nhất trong 3 tháng. Chứng khoán Đức và Pháp lần lượt ghi thêm 0,8% và 1%

Sắc xanh trải khắp các sàn chứng khoán châu Á phiên thứ tư liên tiếp. Áp lực bán chốt lời mạnh sau 3 phiên khởi sắc liên tiếp kìm hãm đà phục hồi của thị trường. Giới đầu tư đẩy mạnh giải ngân vào cuối ngày giúp hầu hết các thị trường giữ được đà tăng điểm nhẹ. Thị trường phản ứng khá dè dặt trước những dự báo lạc quan về triển vọng lợi nhuận của các ngân hàng. Với biên độ dao động giữa số mã tăng, giảm là 7:6, chỉ số tổng hợp 23 hàn thử biểu khu vực MSCI nhích nhẹ 0,1% vào chung cuộc, leo lên ngưỡng 114,23 điểm. Thống kê cho thấy, chỉ số này vẫn mất 5,1% kể từ đầu năm do những quan ngại xoay quanh đại dịch cúm nợ công châu Âu, cũng như chính phủ các nền kinh tế cắt giảm bớt các công cụ hỗ trợ tài chính.

Tại Tokyo, nhóm các cổ phiếu công ty sản xuất ôtô dẫn đầu đà tăng sau khi Citigroup khuyến cáo các nhà đầu tư nên mua vào các cổ phiếu các nhà chế tạo ôtô Nhật Bản. Phong vũ biểu Nikkei 225 tiến sát ngưỡng hỗ trợ tâm lý 9.900 điểm, khi đóng cửa tại 9.887,89 điểm, dương 0,1%. Chứng khoán Đài Loan là điểm sáng nổi bật nhất trong viễn cảnh giao dịch thận trọng của các thị trường. Hàn thử biểu Taiwan Taiex bật mạnh 0,9% với đầu tàu dẫn dắt là các cổ phiếu công ty linh kiện điện tử.

Các chỉ số gồm BSE của Ấn Độ và Shanghai Composite của Trung Quốc lần lượt ghi thêm 0,4% và 0,3% vào quỹ điểm. Hầu hết các thị trường trong khu vực đóng cửa trong sắc xanh với bước tăng hẹp. Chỉ số HangSeng của Hong Kong tăng 0,1%. Chứng khoán Australia, Singapore, Hàn Quốc không thay đổi so với lúc mở cửa.

Theo Nguyễn Hùng (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm