Giám đốc thẩm vụ Tân Hoàng Phát: Giảm hình phạt là sai lầm nghiêm trọng

Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao vừa xem xét hủy cả án sơ và phúc thẩm vụ Tân Hoàng Phát. Như vậy, sau hơn một năm gây xôn xao dư luận về việc giảm án bất thường của tòa án cấp phúc thẩm, vụ bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản nêu trên đã được xem xét lại...

Giảm hình phạt không đúng

Theo Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, các bị cáo bắt giữ nhiều người trái pháp luật trong thời gian dài đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng về an ninh trật tự, ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối, chính sách… Hành vi phạm tội của các bị cáo gây hậu quả nghiêm trọng cần phải áp dụng khoản 3 Điều 123 BLHS (tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, bị phạt từ ba năm đến 10 năm tù) để xử phạt các bị cáo mới phù hợp với tính chất và mức độ phạm tội. Tòa sơ thẩm đánh giá không đúng tính chất, mức độ chỉ xử phạt ở khoản 2 (có hình phạt từ một năm đến năm năm tù) là không đúng. Sau đó, tòa án cấp phúc thẩm lại chỉ áp dụng khoản 1 (khung hình phạt nhẹ hơn tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng) và giảm hình phạt cho các bị cáo lại càng sai lầm nghiêm trọng hơn.

Giám đốc thẩm vụ Tân Hoàng Phát: Giảm hình phạt là sai lầm nghiêm trọng ảnh 1

Phan Cao Trí (giữa) và các đồng phạm. Ảnh: HY

Bao nhiêu người bị cưỡng đoạt?

Cũng theo Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, về tội cưỡng đoạt tài sản, cáo trạng cùng bản án sơ thẩm đều xác định có chín người bị hại. Bảy trường hợp đã được vợ chồng Trí và Yến bồi thường nên bãi nại và còn hai người là chị Nguyễn Thị Thùy Trang và Thạch Thị Linh Đa. Đối với chị Trang, hồ sơ vụ án ở giai đoạn điều tra thể hiện, ban đầu chị Trang làm việc ở Tân Hoàng Phát, sau đó được chuyển làm việc ở cơ sở Hoàng Vân III. Trong quá trình làm việc, chị có thai với khách nên bị buộc thôi việc và phạt 20 triệu đồng. Do tiền lương của chị bị Yến giữ chỉ còn 5 triệu đồng nên gia đình chị phải nộp thêm 15 triệu đồng mới được về. Tại hai phiên xử, chị Trang không có mặt. Sau đó, tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào lời khai của các bị cáo nói không biết chị Trang là ai, không rõ làm việc ở cơ sở nào… nên loại bỏ trường hợp của chị Trang, xác định số nạn nhân chỉ còn lại là tám là chưa đủ cơ sở.

Do đó, để xác định rõ thêm hành vi của các bị cáo và bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người bị hại, cần điều tra làm rõ trường hợp chị Trang có bị cưỡng đoạt tài sản hay không và đã được bồi thường chưa.

Với trường hợp chị Linh Đa, tòa án cấp sơ thẩm đã buộc vợ chồng hai bị cáo Trí, Yến bồi thường cho mẹ chị 25 triệu đồng và ba chỉ vàng. Sau đó, phía này không kháng cáo và VKS không kháng nghị nhưng tòa phúc thẩm lại tuyên hủy quyết định buộc Trí và Yến phải bồi thường khoản này là có sai sót. Hồ sơ vụ án không có tài liệu nào thể hiện nạn nhân và gia đình đã nhận số tiền bồi thường… Vì thế cần điều tra làm rõ trường hợp này.

Chưa rõ nạn nhân bị bắt giữ

Về việc bắt giữ người trái pháp luật, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nhận định số nạn nhân hai cấp tòa đưa ra đều chưa chính xác. Cáo trạng truy tố các bị cáo bắt giữ trái pháp luật 66 người nhưng tòa án cấp sơ thẩm xác định 93 người là vi phạm quy định về giới hạn xét xử. Khi xét xử phúc thẩm, HĐXX lại xác định chỉ có một nạn nhân là không đúng.

Ngoài các trường hợp được công an giải thoát, theo cáo trạng, sau này có 28 người tố giác bị các bị cáo bắt giữ nên cần điều tra làm rõ. Trong hồ sơ vụ án, nội dung đơn tố giác và lời khai của nạn nhân thể hiện bị Tân Hoàng Phát giam giữ nên cần xác định rõ nạn nhân là bao nhiêu người, có phải là 93 người như cấp sơ thẩm xác định hay không.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm