Hậu À Ra Thế kỳ 104

Đáp án của BTC cho rằng: Nhân viên bảo hiểm đúng, chị A sai. Vì theo pháp luật, bên mua bảo hiểm không có quyền đòi lại khoản phí bảo hiểm đã đóng nếu thời gian đã đóng phí bảo hiểm dưới hai năm (khoản 2 Điều 35 Luật Kinh doanh bảo hiểm)…

Cuộc chơi ngày càng sôi nổi! Số báo này BTC dành đất để hai bên cùng… bàn cãi với nhau. Chủ nhật tới BTC sẽ có lời gút cuối cùng.

Phải theo luật

Với đáp án của BTC, tôi cho như thế là đúng vì đáp án đã dựa theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, chúng ta sống và phải làm việc theo luật thôi.

ĐOÀN QUỐC VĂN (679-A3/8 Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM)

Luật chỉ hướng dẫn cho công bằng

Trên thực tế, phần đông người ta lựa chọn bảo hiểm là vì lợi nhuận cao hơn so với gửi tiết kiệm ngân hàng, bù lại phải chấp nhận quy định là không thể chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước hạn mà được bồi hoàn toàn bộ quyền lợi (ở đây là số tiền bảo hiểm đã góp). Quy định này thiết nghĩ cũng đảm bảo công bằng cho hai bên, vì nếu cứ đóng và rút trong một thời gian ngắn thì “tiền chưa kịp sinh lời đã phải phá sản”. Do đó, pháp luật đã quy định cho bên mua và bên bán một khoảng thời gian hợp lý là hai năm để bên bán bảo hiểm có một sự chuẩn bị tương đối có thể thực hiện nghĩa vụ hoàn trả và giảm rủi ro cho bên bán bảo hiểm. Tuy nhiên, bản chất việc mua bán bảo hiểm là một hợp đồng nên tùy thuộc hoàn toàn vào sự thỏa thuận của hai bên, quy định của pháp luật chỉ mang tính hướng dẫn, mọi quy định chi tiết hoàn toàn do hai bên tự quyết định.

TRƯƠNG MỸ THIỆN (160/10 Nguyễn Chí Thanh, phường 3, quận 10, TP.HCM)

Để hiểu rõ “giá trị hoàn lại”của người mua bảo hiểm nhân thọ, BTC giới thiệu ý kiến của Bà Nguyễn Thị Ái Xuân, Giám đốc Dịch vụ khách hàng Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam:

Sau khi khách hàng nộp hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và phí bảo hiểm, khách hàng có một thời gian cân nhắc là 21 ngày. Trong thời hạn 21 ngày này, nếu khách hàng không muốn tiếp tục tham gia bảo hiểm thì có quyền nhận lại toàn bộ phí bảo hiểm đã đóng sau khi trừ đi chi phí xét nghiệm y khoa và các chi phí khác, nếu có. Tuy 21 ngày là thời gian “cân nhắc” như vậy nhưng nếu xảy ra sự kiện bảo hiểm, công ty bảo hiểm vẫn phải bồi thường cho khách hàng theo đúng điều khoản hợp đồng.

Sau thời gian cân nhắc 21 ngày, nếu khách hàng buộc phải hủy ngang hợp đồng bảo hiểm trước khi đáo hạn thì có thể sẽ được nhận “giá trị hoàn lại” của hợp đồng. Giá trị hoàn lại chỉ hình thành sau hai năm đóng phí đầy đủ và sẽ tăng dần theo thời gian hiệu lực hợp đồng. Điều 35 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 quy định: “… bên mua bảo hiểm không có quyền đòi lại khoản phí bảo hiểm đã đóng nếu thời gian đóng phí bảo hiểm dưới hai năm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Như vậy, giá trị hoàn lại hình thành sau khi nộp đủ hai năm phí bảo hiểm và sẽ gia tăng nhanh dần theo thời gian hiệu lực hợp đồng. Trong những năm đầu, giá trị hoàn lại thường nhỏ hơn nhiều so với tổng số phí đã nộp vì phải bù đắp cho chi phí hành chính và phát hành hợp đồng ban đầu.

Với nguyên tắc “chia sẻ rủi ro” (rủi ro của một số ít người sẽ được chia sẻ cho số đông người tham gia bảo hiểm), ngay sau khi hợp đồng có hiệu lực, một phần số phí thu được từ hợp đồng bảo hiểm đã được góp phần vào quỹ bồi thường rủi ro chung. Do vậy, việc hủy hợp đồng trong những năm đầu không chỉ bất lợi cho chính bản thân khách hàng, mà công ty bảo hiểm cũng phải chịu thiệt thòi vì chưa thu hồi được chi phí đã bỏ ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm