Hậu... À Ra Thế! Kỳ 56

Tới chiều hay tin anh B trúng năm vé mỗi vé 50 triệu đồng, chị A tìm đến đòi anh B trả 50 triệu đồng trúng thưởng tờ đưa dư. Anh B công nhận đúng là có dư một tờ nhưng chỉ chịu trả lại cho chị A năm ngàn đồng. Đề hỏi: Ai đúng? Ai sai? Tại sao? Đáp án nói: Chị A đúng; anh B sai. Vì việc mua bán đó là giao dịch dân sự vô hiệu từng phần do có sự nhầm lẫn; anh B phải hoàn trả tấm vé số trúng cho chị A; nếu không trả bằng hiện vật được thì trả bằng tiền trúng thưởng...

Kỳ 56 này tuy bận bịu liên hoan, song không khí HART vẫn âm thầm diễn ra sôi nổi! Số này BTC chọn đăng một vài ý kiến phản biện và ủng hộ đáp án. Số Chủ nhật tới sẽ có lời “gút” của BTC, gút hậu... Liên hoan ART luôn.

PHẢN BIÊN ĐÁP ÁN

B chỉ trả lại 5.000 đồng!

Giao dịch dân sự do nhầm lẫn là vô hiệu. “Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền...” (khoản 2 Điều 137 BLDS). Để khôi phục tình trạng ban đầu, anh B hoàn trả cho chị A 5.000 đồng theo khung giá giao dịch ban đầu thì đâu có gì là “sai”?

Thái Đoàn Trưởng (89 Thủ Khoa Nghĩa, thị xã Châu Đốc, An Giang)

A nên tự trách mình

Chị A bán vé số, nếu không ai mua nữa thì... lỗ vốn, phải đến mời (tất nhiên có năn nỉ) anh B mua giùm. Anh B mua và nhận vé do tự tay chị A đưa (nghĩa là B không có ý gian lận) còn chị A thấy anh B mua bốn tờ thì mừng nên không để ý đến việc dư một tờ. Ế hàng nên vừa bán vừa cho thêm, bán rẻ hơn là chuyện thường. Đó là lỗi tại chị A. Đến khi chị A tới đòi thì anh B vui lòng trả tiền một tờ (5.000 đồng) nghĩa là anh B không chối cãi số vé dư đó. Còn chị A không chịu nhận 5.000 đồng cũng không chịu “hạ mình năn nỉ” anh B như lúc mời mua để anh B chia bớt “chút lộc trời cho” lại bắt buộc anh B trả 50 triệu đồng. Theo tôi nếu không xét về tình mà chỉ xét về luật thì B đúng, A sai!

Nguyễn Thị Minh Hiền (GV Trường THCS Xuân Lập, Long Khánh, Đồng Nai)

Chị A không đếm nhầm!

Thói quen của hầu hết những người bán vé số dạo là vừa đi vừa đếm số vé hiện có của mình. Sắp đến giờ xổ số, để thu hồi vốn họ sẵn sàng bán vốn, lỗ chút ít cũng bán, thậm chí bán thiếu cho người quen. Rất khó có chuyện đếm nhầm. Chị A nài nỉ anh B mua hết mấy tờ ế giùm, anh B đưa trả chị 20 ngàn đồng. Chị đồng ý nhận tức là chị chấp nhận giảm giá mỗi tờ vé số chỉ có giá bốn ngàn đồng, chịu lỗ chút đỉnh. Khi có kết quả xổ số, chị mới nảy ý định tranh chấp. Anh B là người vô ý, không đếm kỹ! Nói chị A đúng, anh B sai là không công bằng.

Đỗ Văn Của (4/4 KP Bình Hòa, thị trấn Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương)

ỦNG HỘ ĐÁP ÁN

Đáp án của BTC chính xác!

Chị A nhầm lẫn đưa dư một tấm vé số cho anh B thuộc loại giao dịch dân sự vô hiệu từng phần (Điều 131, 135 BLDS). Anh B dò tấm vé số mà mình chiếm hữu không có căn cứ pháp luật trúng 50 triệu đồng nên phải trả lại tài sản là tấm vé số trúng đó hoặc bằng tiền cho chị B là chủ sở hữu hợp pháp (theo Điều 256, 599 và 600 BLDS). Anh B đòi trả 5.000 đồng là giá trị tờ vé số chưa xổ sau khi trúng là sai. Nếu anh B trả 5.000 đồng cho chị B trước khi có kết quả xổ số thì đúng. Cho nên đáp án của ban tổ chức hoàn toàn chính xác.

Huỳnh Quang Đức (57 Nguyễn Văn Thoại, thị xã Châu Đốc, An Giang)

Vé số trúng là của chị A

Tôi đồng tình với đáp án: “A đúng, B sai” trong việc tranh chấp tờ vé số trúng mặc dù trước đó A và B đều có sai sót. Cũng vì sự sai sót, nhầm lẫn của cả hai bên nên giao dịch dân sự vô hiệu thì chỉ tính từ thời điểm xảy ra tranh chấp trở về trước chứ không tính trở về sau. Cũng vì thế nên cho dù A có bán được tờ vé số hay hoàn trả cho đại lý thì trước đó (khi nhận vé số đem bán) A cũng đã tính tiền cho đại lý rồi. Do đó nên B phải hoàn trả giá trị của tờ vé số trúng đó cho A theo Điều 131, 135 và 137 BLDS.

Huỳnh Quang Diệp (234 Trần Hưng Đạo, TP Cần Thơ)

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm