Hơn 50% chung cư ở TP.HCM có nguy cơ cháy nổ cao

Ngày 14-9, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị về công tác đảm bảo an toàn PCCC đối với các công trình nhà ở chung cư trên địa bàn TP.HCM.

Phát biểu tại hội nghị, Đại tá Trần Thanh Châu, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC, cho biết TP.HCM hiện có 1.037 công trình nhà ở là chung cư. Trong đó, có 297 chung cư cao 10 tầng trở lên, 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 và chung cư xây dựng sau khi có Luật PCCC nhưng không thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC theo quy định.

Vừa qua, các đơn vị trực thuộc Sở đã kiểm tra 734 nhà cao tầng, lập 734 biên bản và xử lý 119 lỗi vi phạm hành chính với tổng số tiền 144.550.000 đồng. Trong đó, các lỗi vi phạm chủ yếu như vi phạm về điều kiện thoát nạn (chiếm 25%), thiếu phương tiện PCCC (chiếm 18%), các vi phạm về quản lý, sử dụng điện (chiếm 10%)...

Chung cư Hoàng Quân Plaza mới cháy hồi tháng 7 vì chập điện.

Ông Châu cho biết thêm các chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975 và trước khi có Luật PCCC không được trang bị đầy đủ các phương tiện, hệ thống PCCC. Những chung cư này đã xuống cấp nghiêm trọng, không có kinh phí để bảo trì. Một số chung cư không có đơn vị chủ quản, ban quản trị nên công tác tự kiểm tra, việc tuyên truyền và thực tập phương án tại chung cư không được thực hiện.

Từ năm 2012 đến 2015, TP.HCM đã xảy ra 26 vụ cháy nhà chung cư. Nguyên nhân gây cháy chủ yếu là do câu mắc, sử dụng thiết bị điện không đảm bảo dẫn đến chập điện. Ngoài ra, do người dân bất cẩn trong sinh hoạt như đun nấu, sử dụng nguồn nhiệt, điện không đúng quy định nên gây cháy nổ.

Mới đây nhất, vụ cháy đã xảy ra tại chung cư Hoàng Quân Plaza, huyện Bình Chánh. Việc DNTN Thăng Long và Công ty Long Hưng Phát đã đưa hơn 20 hộ dân vào ở chung cư Bảy Hiền khi đang thi công dở dang, hệ thống PCCC chưa sử dụng được… là một tiền lệ nguy hiểm, gây mất an toàn cho người dân.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, cho rằng nguyên nhân gây ra mất an toàn PCCC tại các chung cư hiện nay chủ yếu xuất phát từ các đặc điểm của các chung cư. Trước tiên, chung cư tại TP hầu hết là có quy mô nhỏ, lại xây dựng đã lâu nên đa phần không đáp ứng được các yêu cầu về PCCC hiện hành, không có quy trình bảo trì….

Nhiều chung cư sau này bố trí cho người dân ở nhưng trước đây nó là trụ sở làm việc, văn phòng, khách sạn… cho nên không đảm bảo an toàn PCCC. Thứ ba là chung cư TP rất đa dạng loại hình như chung cư là nhà ở, nhà ở xã hội, ký túc xá, nhà ở lưu trú… nên công tác quản lý, đảm bảo an toàn PCCC cũng khác nhau.

“Đối với các chung cư mới xây, chung cư tái định cư, nhà ở xã hội, các đơn vị cần phối hợp thực hiện đánh giá chất lượng công trình, tình trạng hệ thống kỹ thuật, hệ thống PCCC để có những phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời các vi phạm” - ông Tuấn nói.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, kiến nghị nên để Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM và Hà Nội được quyền thẩm duyệt thiết kế về PCCC công trình nhóm A và dự án công trình có chiều cao từ 100 m trở lên. Đồng thời nên mua trực thăng để TP.HCM và Hà Nội có thể chữa cháy nhà cao tầng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Huỳnh Cách Mạng yêu cầu các đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, khảo sát để cải tạo, tháo dỡ các chung cư cũ không đảm bảo an toàn PCCC. Sắp tới, TP.HCM sẽ ưu tiên giải quyết các vướng mắc, các chính sách liên quan đến chung cư cũ, chung cư nhà ở xã hội, nhà lưu trú… để đảm bảo an toàn PCCC.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm