Khiếu nại bồi thường: Đường còn xa lắm!

Ngày 28-5, sơ kết ba năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường ưu tư: “Chắc nhiều đồng chí “phấn khởi” lắm vì ba năm qua địa phương mình chưa bồi thường vụ nào. Nhưng như thế có phù hợp với tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo không? Tôi chắc còn xa lắm. Còn bồi thường cho dân, thương lượng rồi nhưng thủ tục quá rườm rà nên chậm chi trả. Lúc trước có gì mà anh em phải hăng hái kê biên hai tàu cá làm người ta gia đình tan nát? Giờ ngày nào bà ở Quảng Ngãi ấy cũng ra... trực cổng nhà tôi hỏi chừng nào có tiền bồi thường!”.

Những con số “phấn khởi”

Theo báo cáo, sau ba năm thực thi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, tính đến ngày 31-12-2012, cả nước mới thụ lý 182 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, đã giải quyết 137 vụ việc, chi trả bồi thường hơn 23 tỉ đồng. Trong đó, lĩnh vực quản lý hành chính thụ lý 56 yêu cầu bồi thường, đã giải quyết 41 vụ việc; lĩnh vực thi hành án dân sự thụ lý 27 vụ việc, đã giải quyết 11 vụ việc; lĩnh vực tố tụng thụ lý 99 vụ, đã giải quyết 85 vụ.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhận xét: “Chưa tin được con số báo cáo bồi thường trong thi hành án dân sự trong ba năm chỉ có 5,4 tỉ đồng. Vừa rồi, TAND Đồng Nai tuyên một cơ quan thi hành án dân sự phải bồi thường gần 2,6 tỉ đồng, ngành thi hành án và Bộ Tư pháp đều giật mình. Tình hình yêu cầu bồi thường trong lĩnh vực thi hành án dân sự rất phức tạp, số tiền yêu cầu chi trả trong mỗi vụ việc cũng khá lớn”.

Con số đáng chú ý kế tiếp là trong suốt ba năm qua, có đến 37/63 tỉnh, thành trên cả nước chưa thụ lý được yêu cầu bồi thường nào, kể cả những “điểm nóng” (Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Long An, Bình Dương…) dù lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo gay gắt về thu hồi đất hằng năm vẫn tăng cao. Có 18/21 bộ, cơ quan ngang bộ cũng không hề thụ lý được yêu cầu bồi thường nào. Riêng Bộ Công an thụ lý hai yêu cầu bồi thường và đã giải quyết chi trả 180 tỉ đồng.

Khiếu nại bồi thường: Đường còn xa lắm! ảnh 1

Cha con ông Vũ Đức Liêm, người vừa được TAND tỉnh Đồng Nai tuyên buộc Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trảng Bom bồi thường gần 2,6 tỉ đồng. Ảnh: NGÂN NGA

Trong 99 vụ việc thuộc trách nhiệm bồi thường của các cơ quan tố tụng chủ yếu phát sinh trong lĩnh vực tố tụng hình sự (91 vụ), còn trong tố tụng dân sự chỉ có tám vụ. Riêng ngành công an chỉ phát sinh một yêu cầu bồi thường trong tố tụng hình sự. Thậm chí, ngành công an và ngành kiểm sát ở TP.HCM và Hà Nội trong ba năm qua cũng không phát sinh yêu cầu bồi thường nào.

Tại hội nghị, những con số “phấn khởi” trên đã gây nhiều băn khoăn không chỉ cho riêng Bộ trưởng Hà Hùng Cường. Nhiều chuyên gia, lãnh đạo các đơn vị đã đặt dấu hỏi: Phải chăng cán bộ, công chức thực thi công vụ tốt nên không có thiệt hại, không có yêu cầu bồi thường? Vì sao tình hình khiếu nại, tố cáo gay gắt nhưng người dân ít yêu cầu bồi thường?

Dân không biết về quyền đòi bồi thường

Kết quả khảo sát của Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) về tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường cho thấy: Trong lĩnh vực đất đai có 16% người dân không biết về Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, tỉ lệ này lên tới 20%.

Theo Cục trưởng Cục Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước Nguyễn Thanh Tịnh, nhiều ý kiến phản ánh là hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đến người dân còn hạn chế. Trên thực tế, có không ít trường hợp thuộc diện được bồi thường nhưng do không biết luật nên người dân không yêu cầu. Đến khi biết luật thì lại hết thời hiệu yêu cầu...

Mặt khác, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước tuy có hiệu lực từ ngày 1-1-2010 nhưng các văn bản hướng dẫn quan trọng thì gần hai năm sau mới ban hành nên chưa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị thiệt hại có yêu cầu bồi thường. Ngoài ra, hiện trong 840 công chức làm công tác bồi thường, có đến 803 công chức kiêm nhiệm, chỉ có 37 công chức chuyên trách. Do đó, tính ổn định và chuyên sâu về nghiệp vụ chưa cao, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động này.

Thủ tục quá rườm rà

Giải đáp lý do vì sao trong ba năm qua TP Hà Nội không thụ lý yêu cầu bồi thường nhà nước nào, đại diện Sở Tư pháp TP Hà Nội trần tình: Thực tế, một số trường hợp khi phát hiện có sai phạm, làm trái pháp luật gây thiệt hại cho người dân thì chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước đã chủ động áp dụng nhiều hình thức tự thương lượng, thỏa thuận bồi thường, khắc phục hậu quả nên không phát sinh yêu cầu bồi thường. Chẳng hạn huyện Mỹ Đức khi phát hiện xác định bồi thường hỗ trợ cho đất sai, UBND huyện đã báo cáo đề nghị UBND TP cấp thêm 50 tỉ đồng để chi trả thêm nên không phát sinh yêu cầu bồi thường. Hoặc vụ bà Birgit Schauer (quốc tịch Đức) khởi kiện hành chính yêu cầu Cục Thuế TP Hà Nội hoàn thuế thu nhập cá nhân và bồi thường chi phí đi lại 50 triệu đồng, sau khi thương lượng, giải quyết thỏa đáng, bà Birgit đã rút đơn khởi kiện…

“Có làm sai, có làm trái pháp luật, có gây thiệt hại, nhất là trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tại Hà Nội, luật sư cũng rất nhiều, vì sao người dân không mời luật sư đi đòi bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước? Đó còn là vì thủ tục rườm rà nên người dân không lựa chọn cách ấy” - đại diện Sở Tư pháp TP Hà Nội thừa nhận.

Nhiều đại biểu khác cũng cho rằng thủ tục đòi bồi thường nhà nước quá rườm rà, chưa phù hợp. Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích: Để thực hiện quyền yêu cầu bồi thường, trước tiên người bị thiệt hại phải thực hiện thủ tục xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ. Như vậy là đặt thêm thủ tục cho người bị thiệt hại so với quy định của BLDS.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường thì đề nghị Bộ Tài chính xem lại thủ tục cấp phát kinh phí để bồi thường nhanh hơn. “Thủ tục hiện nay chậm quá. Thỏa thuận với dân được mức bồi thường rồi nhưng dân phải chờ nhận tiền lâu quá” - bộ trưởng nhấn mạnh.

Tháo gỡ “rào cản” cho người bị thiệt hại

Ngày 27-5, trả lời phỏng vấn của Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ nhận xét bất cập lớn nhất trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường. Đó là quy định phải có văn bản xác định hành vi trái phát luật của người thi hành công vụ do cơ quan có thẩm quyền cấp. Vì điều kiện này mà người bị thiệt hại gặp khó khăn. Nhiều yêu cầu bồi thường chưa được thụ lý vì đang trong quá trình khiếu nại, chờ cơ quan có thẩm quyền ra văn bản xác định hành vi trái pháp luật. Do đó, cần sớm bỏ quy định này.

Lao đao đi tìm công lý

TAND tỉnh An Giang đã hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ ông Nguyễn Văm Thêm (Mười Thêm, ngụ khóm Long Hưng 2, phường Long Sơn, thị xã Tân Châu) kiện đòi Công an huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) bồi thường oan gần 4 tỉ đồng. Vụ việc được giao cho TAND thị xã Tân Châu giải quyết lại.

Theo TAND tỉnh, khoản 1 Điều 22 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn ra quyết định giải quyết bồi thường quy định tại Điều 20 của luật này, cơ quan có trách nhiệm bồi thường không ra quyết định hoặc kể từ ngày người bị thiệt hại nhận được quyết định nhưng không đồng ý thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra tòa có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết bồi thường.

Do vậy, trong trường hợp này, sau khi thương lượng đã hết 15 ngày, cơ quan Công an huyện Hồng Ngự không ra quyết định giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật thì ông Thêm có quyền khởi kiện. TAND thị xã Tân Châu cho rằng chưa có văn bản nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật nên ông Thêm chưa đủ điều kiện khởi kiện rồi đình chỉ vụ án là không đúng quy định.

Theo hồ sơ, tháng 8-1990, TAND huyện Hồng Ngự xử phạt ông 12 tháng tù về tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai. Tháng 9-1990, TAND tỉnh Đồng Tháp tuyên hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại từ đầu. Sau đó, công an huyện đã bỏ lửng vụ án. Mãi đến đầu năm 2010, cơ quan này mới ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can vì đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can thực hiện tội phạm.

Sau hơn 20 năm đi tìm công lý, ông Thêm mới có được căn cứ chứng minh mình bị tù oan. Đến khi ông khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại thì bị TAND thị xã Tân Châu ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vì không đủ điều kiện khởi kiện. Ông Thêm kháng cáo và gửi đơn kêu cứu đến nhiều cơ quan chức năng. Vừa qua, Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) khẳng định có đủ căn cứ bồi thường cho ông. Cùng lúc, TAND tỉnh An Giang cũng ra quyết định như trên...

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm