Làm oan, phải chủ động xin lỗi dân

Ông Nguyễn Bá Thuyền (đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng) kể: “Khi còn công tác trong ngành kiểm sát, có một phạm nhân trong trại viết đơn gửi cho tôi khẳng định một phạm nhân khác bị oan. Nhận được đơn, tôi đã chủ động xuống xác minh và chứng minh với cơ quan điều tra rằng việc này các anh làm sai. Sau khi có văn bản kết luận người này bị oan, tôi đã chủ động tổ chức xin lỗi, phục hồi danh dự và thỏa thuận bồi thường thiệt hại cho người bị oan. Họ rất vui mừng”.

Bước thụt lùi của luật

Theo ông Thuyền, đây cũng là tinh thần của Nghị quyết 388/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - văn bản pháp luật đầu tiên quy định chi tiết về cơ chế bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong tố tụng hình sự. Nghị quyết này quy định trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị oan thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải chủ động thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai. Còn thủ tục giải quyết việc bồi thường sẽ được tiến hành sau khi người bị làm oan hoặc thân nhân của họ có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại và phải chứng minh được thiệt hại của mình.

TAND TP Hà Nội tổ chức xin lỗi công khai và bồi thường oan sai với ông Phạm Đức Bình đã bị kết án oan từ năm 2000 về tội tham ô và sử dụng trái phép tài sản XHCN. Ảnh: HL

Trong khi đó, Luật TNBTCNN 2009 chỉ đơn thuần quy định việc giải quyết bồi thường oan trong tố tụng hình sự cũng giống việc giải quyết bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong quan hệ dân sự, không thể hiện được thiện chí khắc phục cái sai và bù đắp cho người bị oan. Người bị oan phải gửi đơn yêu cầu bồi thường đến cơ quan có trách nhiệm bồi thường, tới khi quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực lại tiếp tục phải làm đơn yêu cầu khôi phục danh dự thì mới được chính thức xin lỗi, cải chính công khai. “Tôi cho rằng khi sửa đổi Luật TNBTCNN cần nghiên cứu vấn đề này. Quy định không phù hợp với thực tiễn thì phải sửa đổi. Khi phát hiện oan thì cơ quan làm oan nên chủ động tiến hành xin lỗi ngay để phục hồi danh dự cho người bị làm oan trước, còn việc giải quyết bồi thường hay nôm na là chuyện tiền bạc tính sau” - ông Thuyền nhấn mạnh.

Ông Thuyền chia sẻ thêm: “Theo dõi báo chí gần đây, tôi thấy thông tin ông Nguyễn Thanh Chấn, người bị oan ở Bắc Giang, đã có buổi làm việc đầu tiên với Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội để xem xét giải quyết việc bồi thường và tòa này đã yêu cầu ông Chấn phải nộp các giấy tờ như quyết định khởi tố, quyết định tạm giam… Tôi cho rằng làm như vậy là không đúng. Tòa đã có bản án, quyết định khẳng định người ta bị oan rồi và cũng có đủ hồ sơ vụ án, trong đó có đầy đủ các loại quyết định tố tụng. Như vậy nếu thấy người bị oan thiếu giấy tờ thì phải chủ động rút từ hồ sơ vụ án ra để bổ sung cho hồ sơ yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bị oan. Ông làm oan thì ông phải chủ động giải quyết bồi thường chứ ông đòi hỏi rồi ngồi chờ những giấy tờ đó là quan liêu, cửa quyền!”.

Đừng vô tình, vô cảm với người bị oan

Rất đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Đức Khiển (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) phân tích thêm: “Trên thực tế, người bị bắt giữ, điều tra, truy tố, xét xử oan thường chỉ được thông báo, tống đạt các quyết định tố tụng có liên quan tới mình. Trong thời gian bị giam giữ, rồi trên bước đường kêu oan sau đó, nhiều khi họ đã không thể giữ được các văn bản tố tụng đó. Họ cũng khó có thể chủ động lưu giữ các hóa đơn, chứng từ chứng minh các chi phí đã phải bỏ ra trong quá trình đi tìm công lý vốn có thể rất dài. Cơ quan giải quyết bồi thường cho người bị oan cần phải lưu ý yếu tố này, không được vô tình, vô cảm với người bị hàm oan do chính lỗi của người tiến hành tố tụng gây ra”.

Theo ông Khiển, ở phần phục hồi danh dự cho người bị oan (xin lỗi, cải chính công khai), cơ quan làm oan cần phải chủ động tiến hành. Còn ở phần bồi thường oan, về cơ bản mang tính chất dân sự, là dạng bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nhưng cần lưu ý nó không phải là dân sự thuần túy bởi hai chủ thể đặc biệt: người bị oan luôn yếu thế hơn Nhà nước. “Do đó cơ quan tố tụng phải tạo điều kiện thuận lợi để lập hồ sơ bồi thường chứ không thể chỉ chăm chăm đòi hỏi người bị oan phải cung cấp các tài liệu, bằng chứng, các quyết định tố tụng làm căn cứ giải quyết bồi thường” - ông Khiển nói.

THU NGUYỆT - NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm