Luật hóa án lệ

Theo PGS-TS Đỗ Văn Đại, khoa Luật dân sự - Trường ĐH Luật TP.HCM thì nên ghi nhận án lệ vào văn bản pháp luật. Bởi lẽ theo kinh nghiệm và bài học của nhiều nước trên thế giới thì việc ghi nhận luôn tốt hơn là hiểu ngầm. Cụ thể, ông đã đưa ra một so sánh giữa án lệ nước Pháp và Thụy Sĩ. Pháp là một đất nước theo luật hành văn. Ngay từ thời điểm xây dựng luật hành văn lớn nhất của BLDS, các diễn gia cũng đã nói phải để một góc cạnh nào đó cho các thẩm phán mà bây giờ không thể nói hết được. Tức các nhà làm luật đã thừa nhận án lệ nhưng không ghi nhận án lệ vào BLDS. Điều này dẫn đến thực tế luật thì thiếu, án cứ xử và án lệ cứ tồn tại. Riêng Thụy Sĩ đi theo sau Pháp nhưng được coi là một đột phá thành công. Chính Thụy Sĩ đã ghi nhận án lệ vào BLDS của mình bằng câu “Tòa án phải xử theo luật, theo tập quán. Nếu không có luật, không có tập quán thì thẩm phán phải phân xử như họ là nhà lập pháp, khi xử họ phải dựa vào các tác giả, dựa vào án lệ”. “Thụy Sĩ không có khái niệm “quy định tương tự” như Việt Nam ta nên khi học hỏi vấn đề ghi nhận án lệ trong luật, chúng ta nên bổ sung đầy đủ như: Án lệ chỉ được sử dụng khi không có luật, tập quán và quy định tương tự” - PGS-TS Đỗ Văn Đại nhấn mạnh.

Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM, bổ sung: Thực tế Việt Nam ta đã áp dụng án lệ từ lâu đời, từ thời bộ luật nhà Lê, nhà Nguyễn, Pháp thuộc hay giai đoạn Việt Nam Cộng hòa. Trên cơ sở này, ngoài việc học hỏi kinh nghiệm về mô hình án lệ ở nước ngoài thì ta cũng nên xem xét nền án lệ của nước ta từ quá khứ.

Chia sẻ quan điểm, PGS-TS Bùi Xuân Hải, Hiệu phó Trường ĐH Luật TP.HCM, đề nghị: “Chúng ta áp dụng pháp luật nước ngoài nhưng phải phù hợp với Việt Nam. Điều 3 BLDS có quy định: “Không có các văn bản pháp luật thì dùng tập quán”. Các điều 5, 12, 13 Luật Thương mại cũng đề cập: “Nếu không có văn bản pháp luật thì dùng thói quen trong hoạt động thương mại, nếu không có thói quen thì dùng tiếp tập quán thương mại”. Vậy giờ ta chỉ cần thêm câu “nếu không có văn bản pháp luật, không có thói quen, không có tập quán thì dùng án lệ””.

PHAN THƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm