Một đời mê điệu sắc bùa

Nhờ có những người như cụ mà bộ môn nghệ thuật diễn xướng dân gian này còn mãi với thời gian. Cụ là nghệ nhân hát sắc bùa Lê Hổ.

Xuân này nghệ nhân Lê Hổ tròn 94 tuổi. Ðôi mắt tuy mờ dần nhưng nụ cười của cụ vẫn tươi và giọng hát vẫn ấm, vẫn trầm như ngày nào. Khi có tiếng kèn, tiếng phách, tiếng đờn cò đệm theo, giọng hát đó càng làm say đắm lòng người.

Sắc bùa - điệu hát ngày xuân

Năm nào cũng vậy, cứ tới rằm tháng Chạp, khi đất trời sắp chuyển sang xuân là đội hát sắc bùa thôn An Thạch, xã Phổ An, huyện Ðức Phổ (Quảng Ngãi) của cụ Lê Hổ lại chuẩn bị lên đường. Họ đi hát mãi cho đến rằm tháng Giêng, khi ánh trăng tròn vành vạnh chiếu xuống nhân gian thì mới kéo nhau trở về làng, chấm dứt một mùa hát.

Một đội hát sắc bùa thường có 10 người, trong đó có sáu thiếu nữ từ 13 đến 15 tuổi chia làm ba cặp múa. Do múa trước bàn thờ tiên linh, nơi đình làng, miếu vạn nên tiêu chuẩn quan trọng nhất là thiếu nữ phải còn trong trắng. Bởi vậy, ngay từ đầu năm cụ Hổ phải đến nhiều xóm tìm kiếm những trinh nữ nết na, dáng người uyển chuyển rồi xin gia đình cho “đầu quân” vào đội. Mỗi năm đội có hai cô giải nghệ do bước qua tuổi 16, cụ Hổ phải tuyển thêm hai thiếu nữ khác thay vào nên toàn đội lại cần mẫn tập tành hơn hai tháng ròng mới thành thục từng lời ca, điệu múa.

Đội hát sắc bùa đang biểu diễn cùng đội múa gươm tại đền Trương Định, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Ảnh: VÕ QUÝ

Ðến giờ, cụ Hổ chẳng thể nhớ rõ mình đã có bao nhiêu chuyến dẫn đội rời làng đi hát. Từ xã Phổ An, đội ngược ra hướng Bắc diễn ở xã Ðức Phong, Ðức Chánh, rồi vòng xuống Ðức Lợi (huyện Mộ Ðức). Cũng có năm mọi người đổi hướng qua Phổ Vinh, Phổ Thuận rồi vào Phổ Thạnh, Phổ Châu (huyện Ðức Phổ). Hay có khi đội vượt đèo Bình Ðê vô Tam Quan (Bình Ðịnh) biểu diễn. Các chủ ruộng, chủ tàu cá, nuôi tằm năm cũ làm ăn sa sút mời đội đến nhà để hát “tống cựu nghinh tân”. Còn những ai làm ăn khấm khá cũng mời đội vào hát chia vui với xóm giềng và cầu mong năm mới làm ăn thêm tấn tới.

Kể rồi, bầu Hổ lấy bộ quần áo chủ bầu mà ông cất kỹ trong rương ra mặc, lưng thắt dây đai đỏ. Rồi cụ khoa chân, múa tay vỗ vào mặt chiếc trống đeo trước ngực, hát: “Mở ngõ, mở ngõ. Khoen trên còn xỏ. Chốt dưới còn gài. Mở ra cho chóng. Ðể chúng tôi vào. Năm mới giàu sang. Gia quan tấn lộc…”.

Lệ thường, sau khi mở ngõ, gia chủ đưa khay rượu để cụ Hổ dâng lên bàn thờ tổ tiên của gia chủ. Sau đó, cụ vỗ trống xướng lời. Tiếng đờn, tiếng phách, tiếng kèn đồng loạt cất lên. Các trinh nữ cầm đèn xoay người múa. Người xem đứng chật trong, chật ngoài.

Phần diễn ban đầu mang đậm chất nghi lễ, phong tục với những bài hát như Mở ngõ, Lễ tạ ông bà rồi đến phần chúc nghề. Sau cùng là hát múa theo các điệu lý Trấn ngũ phương, Chúc gia chủ. Giọng của cụ Hổ ngọt ngào cất lên: “Chúc cho cậu trong ngoài nghiêm chỉnh, là nghiêm chỉnh. Ông thờ phụng nghiêm chỉnh (là nghiêm chỉnh). Bạn tôi nay so tính. Ít kẻ dám bì. Ông bà ăn ở nhu mì (là nhu mì). Kẻ kiêng, người sợ. Nàng dâu biết ở. Kính mẹ nhường cha…”.

Nhiều nam thanh, nữ tú lại thường bị cụ “hớp hồn” bởi những câu hát về tình duyên: “Chứ nước đứng mà đựng chậu thau. Tiếc mâm quân tử đơm rau thài lài. Anh tiếc em da trắng tóc dài. Là da trắng tóc dài. Cha mẹ ép gả cho người phàm phu. Là người phàm phu…”.

Một đời mê điệu sắc bùa ảnh 2
 

Nghệ nhân Lê Hổ trong phút xuất thần. Ảnh: VÕ QUÝ

“Nhưng phấn khích nhất là những dịp hát sắc bùa vào mùng ba tết mở biển Sa Huỳnh” - cụ Hổ bộc bạch. Lúc đó, dưới cửa biển ken kín hàng trăm con thuyền đã tu sửa, đóng mới, cờ bay phần phật chờ nước lên. Trên bờ, hàng trăm chiếc chiếu đôi được xếp thành vòng tròn chờ đội hát. Những ngư phủ cao niên đầu chít khăn đóng trước tiên cúng vạn, thắp hương ở nơi thờ bà Thánh Mẫu phía đông cửa biển, sau đó rót rượu mời chủ bầu gọi là chúc năm mới, khích lệ đội để hát múa cho hay.

Khi lời xướng sắc bùa của cụ Hổ cất lên, không ai bảo ai đám đông xung quanh đều đồng loạt hát theo, nhất là những câu hát chúc phúc: “Chúc cho trong vạn có lành. Ðông bình, Tây quả hai dòng nghiêm trang (là hai dòng nghiêm trang). Chúc cho trong vạn bình an. Làm ăn giàu có nghênh ngang bạc tiền”. Ông Lê Ơi, nhà sát cửa biển Sa Huỳnh, tấm tắc: “Cụ Hổ có giọng hát ngọt lịm như nước chè hai, càng nghe càng mê. Mê rồi thì nhớ mãi…”.

Ðược hát là cái duyên

Năm 14 tuổi, cậu bé Lê Hổ đến với điệu sắc bùa bằng tất cả sự đam mê. Hồi đó, làng trên có ông bầu Nhơn (tức ông Nguyễn Cử) nổi tiếng một vùng. Mỗi khi đội hát sắc bùa tập luyện, cậu Hổ thường trốn mẹ đến xem. Cho đến một ngày, khi đội nghỉ giải lao, cậu bé lén đeo chiếc trống của bầu Nhơn ra trước ngực rồi vừa vỗ trống vừa hát. Bầu Nhơn nghe xong vội vàng chạy tới nắm tay cậu, nói: “Cậu sinh ra để hát sắc bùa. Ðể tôi qua thưa cha mẹ cho cậu tập luyện rồi phụ việc cho tôi”. Cậu Hổ chỉ chờ có thế!

Mà cũng kỳ lạ thật. Mẹ cha cho đi học làm tính, học tiếng Tây nhưng cậu học mãi không thuộc. Vậy mà chỉ nghe qua câu hát sắc bùa hay các điệu lý là cậu thuộc nằm lòng. Rồi cũng từ đó, đêm về cậu Hổ lên nhà bầu Nhạn (tức ông Nguyễn Nhạn, truyền nhân của bầu Nhơn) hết tập trống lại tập thổi kèn, tập kéo nhị và học bài hát sắc bùa truyền thống. Ðến mùa mai vàng lên búp non, cả đội lại ra đi. “Gia chủ, chủ vạn thưởng tiền không nhiều nhưng hát nổi đình nổi đám cho bà con vui, các bầu khác nể thì không sướng sao được” - bầu Hổ hào hứng kể.

Rồi cũng từ câu hát, người vợ đầu tiên về với ông. Nhưng chỉ sau một năm cả hai đành chia tay vì bà không chịu được cảnh ngày tết chồng đi biền biệt, không về thắp hương trên bàn thờ gia tiên hay ghé thăm nhạc phụ.

Vinh danh và truyền nghề

Cả một đời gắn liền với lời ca, điệu múa sắc bùa, đến khi chồn chân mỏi gối cụ Hổ lại say mê truyền nghề cho lớp sau. Ông Trần Biểu, 70 tuổi, ngụ thôn An Thạch (trước là người chơi nhị, giờ thành bầu hát sắc bùa) nói: “Trước đây tôi mê điệu hát sắc bùa nên xin vào đội của cụ Hổ. Khi thấy sức khỏe của mình sa sút, cụ nhắn tôi rảnh giờ nào thì đến nhà cụ tập luyện thêm những điệu sắc bùa, điệu lý, cách đánh trống”. Anh Trần Tấn ở cùng thôn cũng được cụ Hổ chọn để truyền nghề, kể: “Ban đầu thấy cụ nhiệt tình chỉ bày, mình nể cụ nên học. Nhưng rồi càng chơi càng mê, giờ muốn dứt bỏ cũng không thể dứt được”.

Ông Ðặng Hoanh, Phó Chủ tịch UBND xã Phổ An, cho hay: Nhiều năm nay xã luôn mời cụ Hổ đến kể chuyện và hát sắc bùa ở đình làng và ở trường học cho con cháu nghe. Khi các đội sắc bùa ở Phổ Thạnh, Phổ Nhơn cử người đến học hỏi, cụ Hổ lại bỏ công sức chỉ bày mà chẳng lấy xu nào. “Nghiệp tổ đãi mình thì mình phải cố giữ gìn, lưu truyền để khi ra đi còn dễ ăn nói với những người đã truyền nghề cho mình” - cụ Hổ bày tỏ.

VÕ QUÝ CẦU

Ở Quảng Ngãi, người diễn xướng nghệ thuật dân gian được tôn vinh đếm chưa hết một bàn tay. Riêng nghệ nhân dân gian Lê Hổ là trường hợp khá hiếm hoi. Bản thân cụ từ lâu là “kho tư liệu” cho các nhà nghiên cứu nghệ thuật diễn xướng dân gian Quảng Ngãi, là vốn quý trong thời buổi văn hóa, văn nghệ dân gian bị mai một quá nhiều.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH, TT&DL Quảng Ngãi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm