Muốn chở gỗ phải “mua đường” 200 triệu đồng

Công ty TNHH Thủy Hà ở Xuân Lộc, Đồng Nai đang khiếu nại UBND huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận vì nơi này đã thu tiền tu bổ đường sá quá nhiều, chẳng theo quy định nào cả.

Muốn chở gỗ phải “mua đường” 200 triệu đồng ảnh 1

Phép vua thua… lệ huyện

Giữa tháng 10-2010, tỉnh Bình Thuận phê duyệt kết quả đấu giá hơn 500 m3 gỗ tròn và gần 200 ster củi tận dụng khai thác tại xã Đông Giang (Hàm Thuận Bắc) cho đơn vị trúng đấu giá là Công ty TNHH Thủy Hà ở Xuân Lộc, Đồng Nai. Theo đó, tỉnh yêu cầu Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang làm thủ tục xuất hàng cho đơn vị trúng đấu giá. Tiếp đến, DN làm đầy đủ thủ tục, chuẩn bị thuê xe kéo gỗ ra lộ để chở đi tiêu thụ thì bất ngờ nhận công văn của UBND huyện Hàm Thuận Bắc, yêu cầu đóng tiền “mua đường”.

Công văn ngày 10-12-2010 của huyện Hàm Thuận Bắc nêu rõ: Qua theo dõi, UBND huyện biết Công ty Thủy Hà chuẩn bị vận chuyển số gỗ trúng đấu giá qua con lộ Saloun. Con lộ dài 3 km này do huyện đầu tư 520 triệu đồng và việc vận chuyển gỗ sẽ gây hư hỏng, xuống cấp tuyến đường trên, ảnh hưởng việc đi lại và vận chuyển nông sản của nhân dân. Do đó, UBND huyện yêu cầu Công ty TNHH Thủy Hà phải đóng 200 triệu đồng để tu bổ, sửa chữa con đường. Nếu không đóng góp sẽ không được vận chuyển gỗ trên con lộ này…

Trong văn bản, huyện cũng yêu cầu Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang không cấp phép cho xe của Công ty Thủy Hà vào vận chuyển số củi, gỗ đi qua tuyến đường trên khi chưa có ý kiến đồng ý của huyện.

Đóng tiền vì không thể… bỏ gỗ

Vì đây là con đường độc đạo nên DN không có lựa chọn nào khác đành làm văn bản gửi đến huyện… năn nỉ xin giảm khoản tiền phải đóng.

Theo DN, khi đấu giá lô hàng, họ không biết có chi phí phát sinh 200 triệu đồng nói trên nên đã bỏ thầu rất cao, gần gấp đôi so với giá khởi điểm. Vì vậy, DN xin huyện cho họ nộp 30 triệu đồng để tu bổ, sửa chữa đường. Tuy nhiên, văn bản gửi đi mà chẳng thấy hồi âm nên DN nóng ruột, cử đại diện đến huyện năn nỉ xin giảm mức tiền phải nộp. Tại buổi làm việc này, yêu cầu của DN đã bị từ chối.

Gỗ, củi nằm rừng, thời tiết lại không thuận lợi, nếu chậm kéo gỗ ra khỏi rừng DN sẽ lỗ nặng vì chất lượng gỗ sẽ xuống cấp, DN đành bấm bụng nộp tiền cho huyện để chở gỗ về.

Ngày 10-2, ông Nguyễn Thanh Hồng - Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc nói: Huyện yêu cầu DN hỗ trợ là không sai. Bởi việc vận chuyển hàng trăm m3 gỗ sẽ làm hư hỏng, phá nát đường giao thông nông thôn mà huyện đã đầu tư. Cạnh đó, thường trong các vụ mua bán gỗ đấu giá, DN phải tự bỏ chi phí để làm đường chuyển gỗ.

Về mức tiền 200 triệu đồng, ông Hồng cho biết: DN Thủy Hà có gửi văn bản xin nộp 30 triệu đồng. Trong khi huyện đang xem xét yêu cầu này thì họ tự nguyện nộp 200 triệu đồng vào kho bạc chứ huyện không ép…

Hiện DN đang khiếu nại về mức tiền đã đóng và chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Họ đã nói

Nếu huyện cho rằng vận chuyển gỗ trên con đường sẽ làm hư hỏng đường sá thì yêu cầu DN cam kết tu sửa sau khi vận chuyển. Hơn nữa, trong quyết định phê duyệt kết quả đấu giá của tỉnh không hề đề cập đến việc trả tiền tu sửa khi vận chuyển trên con đường này nên việc thu số tiền trên là chưa ổn.

Ông NGUYỄN VĂN LY, Phó Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bình Thuận

Nếu muốn thu tiền các phương tiện trên đường công cộng phải theo quy chế quản lý đường bộ của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và phải căn cứ các quy định về phí, lệ phí từ nghị quyết của HĐND cấp tỉnh. Nếu cho rằng chở gỗ đi qua con đường sẽ gây hư hỏng thì huyện phải chứng minh, lập dự toán sửa chữa hẳn hoi. Đường làm 520 triệu đồng nhưng thu gần 200 triệu đồng thì huyện căn cứ vào đâu?

Luật sư TRẦN VŨ HẢI, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

PHƯƠNG NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm