Mỹ nhân nhượng CHDCND Triều Tiên

Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice hôm 24.9 tỏ ý rằng CHDCND Triều Tiên có thể được rút khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố trước khi giải quyết xong vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc ở nước này vào thập kỷ 70 và 80 thế kỷ trước. Sự hiện diện của CHDCND Triều Tiên trong danh sách trên, vốn kèm theo một loạt biện pháp trừng phạt của Mỹ, đã trở thành con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán đa phương nhằm chấm dứt các chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Trưởng đoàn đàm phán Mỹ Christopher Hill gần đây đề cập đến khả năng rút CHDCND Triều Tiên ra khỏi danh sách trên nếu nước này từ bỏ tất cả các chương trình hạt nhân theo một thỏa thuận đạt được hồi năm 2005 giữa hai miền Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ. Khi được hỏi liệu Bình Nhưỡng có được hưởng "ưu đãi" trên trước khi họ giải quyết tranh cãi quanh số phận công dân Nhật bị bắt cóc hay không, bà Rice đã trả lời: "Tôi không nghĩ rằng chúng ta muốn lâm vào một tình huống mà trong đó chúng ta phong tỏa tất cả các bước có thể thực hiện với người CHDCND Triều Tiên". Và bà nhấn mạnh: "Chúng ta phải sử dụng bất kỳ ưu đãi nào mà chúng ta có phù hợp với từng giai đoạn tiếp cận với CHDCND Triều Tiên".

Vấn đề người Nhật bị bắt cóc ở CHDCND Triều Tiên rất nhạy cảm ở Nhật, và Tokyo có thể phản ứng với bất kỳ động thái nào của Mỹ nhằm đưa CHDCND Triều Tiên ra khỏi danh sách đen nói trên. Bình Nhưỡng thừa nhận hồi năm 2002 rằng các điệp viên của họ đã bắt cóc 12 người Nhật, 5 người trong số này đã hồi hương sau nhiều năm sống ở CHDCND Triều Tiên. Bình Nhưỡng nói rằng những người Nhật còn lại đã qua đời nhưng Tokyo muốn có thông tin rõ ràng hơn về số phận của họ, cũng như thông tin của 4 người khác mà Nhật cho là cũng bị bắt cóc. Bà Rice cho biết Mỹ sẽ tiếp tục ép CHDCND Triều Tiên giải quyết vấn đề người Nhật bị bắt cóc. Theo Hãng tin Kyodo, trong cuộc gặp Ngoại trưởng Nhật Nobutaka Machimura bên lề cuộc họp Đại hội đồng LHQ cuối tuần qua, bà Rice cho biết Mỹ sẽ không tìm kiếm việc cải thiện quan hệ với CHDCND Triều Tiên bằng cách "hy sinh" quan hệ với Nhật.

Theo thỏa thuận đạt được hôm 13.2, CHDCND Triều Tiên phải phế bỏ các cơ sở hạt nhân và công khai các chương trình hạt nhân của mình. Đổi lại, Bình Nhưỡng sẽ nhận 950.000 tấn dầu nhiên liệu. Mỹ cho biết nước này sẽ bắt đầu tiến trình rút CHDCND Triều Tiên ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố như một phần của thỏa thuận trên. Vòng đàm phán 6 bên kế tiếp về vấn đề giải trừ hạt nhân của CHDCND Triều Tiên sẽ được khai mạc tại Bắc Kinh (Trung Quốc) vào ngày mai, 27.9. Bà Rice cho biết bà rất phấn khởi khi nghe các thanh sát viên Mỹ, Trung Quốc và Nga báo cáo rằng họ đã nhận được sự hợp tác tốt từ phía Bình Nhưỡng trong cuộc thanh sát mới đây ở cơ sở hạt nhân Yongbyon, vốn phải bị phế bỏ theo thỏa thuận. Vì vậy, bà hy vọng cuộc họp ở Bắc Kinh sẽ có "kết quả tốt" dù không phải đã hết thử thách. Thứ trưởng Ngoại giao CHDCND Triều Tiên Kim Kye-gwan cũng bày tỏ hy vọng tương tự khi đến Bắc Kinh vào hôm qua.

Trùng Quang (Theo TNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm