Những chiêu quản chồng phản tác dụng

Lần khác cô vợ bảo phải đi cấp cứu ở bệnh viện. Quả thực khi Minh chạy đến bệnh viện thì tình cờ bắt gặp cô ấy đang tâm sự với người bạn về việc dùng lưỡi dao lam rạch tay, tự làm đau mình để mục đích kiểm tra sự quan tâm của chồng!

"Tôi cảm thấy vô cùng thất vọng, không khác gì mình bị lừa. Càng tự ái hơn bởi vì người dối lừa ấy chính là vợ mình. Chúng tôi phải ly thân hơn nửa năm mới quay lại", anh Minh - nhân viên của một công ty điện tử - kể lại.

Tâm sự của anh Minh không xa lạ gì với các chuyên gia tâm lý của Đại học Sĩ quan Lục quân 2. Gần đây, có không ít trường hợp chị em đến trung tâm tư vấn xin hỏi về cách “quản lý” chồng. Trong số đó, có một số chị em thổ lộ: “Những ngày đầu mới về ở với nhau tôi nói sao các anh nghe vậy. Thế mà bây giờ vợ có ốm đột xuất cần đến bệnh viện gấp, năn nỉ mãi các ông cũng chẳng phản ứng gì”.

Hỏi ra, các nhà tâm lý mới biết những đức ông chồng đã trở nên thích ứng với những lời hù doạ của vợ trước đó.

Chị Hà Mai 25 tuổi (ngụ ở Biên Hòa - Đồng Nai) là điều dưỡng viên ở bệnh viện huyện bức xúc tâm sự, hồi mới cưới, chị thường được chồng chiều chuộng, thậm chí có lúc vợ sai anh cũng nhận lỗi về phần mình, mọi đòi hỏi đều được anh đáp ứng. Có lúc chị chỉ hù doạ chồng mấy câu là anh ấy đã rối rít xin lỗi.

"Vậy mà giờ đây tôi chỉ mới mở miệng là anh đã phớt lờ, thậm chí còn thách tôi có dám làm thật không. Hôm nọ tôi bảo phải đi công tác xa nhưng dường như anh không tin và cũng chẳng đoái hoài đến việc của tôi, anh luôn nghĩ rằng tôi chỉ biện hộ như những lần trước đó. Vì vậy, công việc gia đình tôi đành nhờ cậy vào ông bà ngoại", chị kể.

Không ít phụ nữ muốn thể hiện khả năng “thét ra lửa” của mình trong quản lý chồng về mọi mặt nên đã tìm nhiều cách để hù doạ chồng. Nguy hại hơn, nhiều chị em còn lôi kéo con trẻ vào cuộc để tăng “đồng minh”. Các chị cảm thấy hả hê khi bày cho trẻ nói dối để chồng phải có mặt ngay lập tức. Khi thành công, các chị còn khen ngợi, khích lệ con. Việc làm này đã tạo nên hình ảnh một người cha không tốt trong tâm hồn trẻ.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý, chị em có đến trăm phương ngàn kế để dọa chồng, từ chuyện nhà cửa, đồ đạc bị hư hỏng đến chuyện con cái ốm đau, vấp ngã, tai nạn… kể cả việc làm tổn hại đến bản thân. Nhưng phổ biến nhất là đòi ly dị hay bỏ nhà ra đi.

Mỗi kiểu hù doạ đều xuất phát từ tâm lý của người đàn ông. Nếu anh ta là người hay chăm chút việc gia đình thế nào cũng bị vợ “triệu” về để sửa chữa, còn nếu anh ta là người thương con, thì thế nào con trẻ trong nhà cũng được dùng làm “bia đỡ đạn”.

Chị Kiều Hoa, bán hàng ăn, cho biết: “Bị tôi hù hoài ông quen rồi nên tôi phải nhờ sáp nhỏ. Khi nào cần ông về gấp là tôi lại bảo đứa con gái cưng kêu ông về kẻo nó đau bụng. Đành phải bảo nó đóng kịch vậy, nhìn mặt nó nhăn nhó là ông tin liền. Thế là mình được việc”.

Các chuyên gia cho biết tâm lý của con người sẽ trở nên thích ứng trước những tác động lặp đi lặp lại kéo dài với cường độ và cách thức không đổi, biểu hiện qua thái độ trơ lỳ hay chai sạn. Vì thế, các vị “hiền thê” cứ lặp lại mấy chiêu hù chồng chỉ làm các đức lang quân càng ức chế mà thôi. Sau đó, họ trở nên miễn dịch trước các kế sách quản lý của vợ và tìm cách sổ lồng.

Khi thấy chồng ngang nhiên hò hẹn với cô gái khác, Hương Ly (Biên Hoà) dùng "bổn cũ soạn lại" - “Tôi sẽ viết đơn ly hôn cho anh xem”. Không ngờ anh Tuấn, chồng cô thách thức: “Cô có giỏi thì viết đơn đi, tôi ký ngay. Chuyện vợ chồng mà cô xem như trò đùa, khi nào cũng đem ra hù, tôi quá mệt mỏi bởi các trò trẻ con của cô rồi”. Chồng đi rồi, ngồi nhấm nháp nỗi cô đơn, Hương Ly mới nhận ra cái giá quá đắt từ những lần hù chồng trước đó. Vì tự ái cô đã quyết định ra đi sau khi để lại lá đơn trên bàn.

Vợ chồng sống trong gia đình luôn dựa trên nguyên tắc yêu thương, tôn trọng lẫn nhau. Khi mỗi bên có vấn đề gì mong muốn hay thắc mắc, cần phải thẳng thắn trao đổi để tìm cách giải quyết. Người phụ nữ thường thích được quan tâm, chia sẻ. Song, có rất nhiều cách để chồng thể hiện sự yêu thương của mình, đừng bao giờ hù doạ chồng để đạt mục đích ngay lập tức, hãy nhẹ nhàng theo kiểu “mềm nắn rắn buông” để không bao giờ phải rơi vào tình huống dở khóc dở cười như trên.

Lê Phạm Phương Lan
Giảng viên tâm lý học – Trường ĐH sĩ quan Lục quân 2

Theo VNE

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm