Những kiểu cầu hôn kỳ quặc ở Việt Nam

Không chỉ đơn giản làm lễ ăn hỏi, đưa rước dâu với những cỗ bàn tiệc đầy ắp món ăn, nhiều nơi như dưới đây lại có tục kết hôn khác biệt và mang ý nghĩa độc đáo.

Ngủ thăm nhiều lần mới được cưới

Người Mường xưa quan niệm chuyện tình cảm không chỉ là vấn đề riêng tư giữa đôi trai gái mà còn là mối quan tâm của thổ thần, tổ tiên và gia đình. Vì vậy, thanh niên đến tuổi 15 được phép tới cậy cửa, ngủ thăm với người con gái mình ưng nhưng phải có sự chứng kiến của người thân.

Khi đêm xuống, các chàng trai chưa vợ có thể cậy cửa nhà các thiếu nữ mới lớn. Người con gái nếu "ưng cái bụng" sẽ vặn nhỏ đèn với ý ngầm thông báo cho mọi người rằng đã có đối tượng "ngủ thăm". Hai người sẽ nằm bên nhau tâm sự, chung chăn, chung gối mà không được phép chạm vào người nhau.

Sau vài đêm tìm hiểu, cô gái có quyền quyết định cho chàng trai “ngủ thật” hay không. Nếu mọi chuyện tốt đẹp, chàng trai sẽ mang bạc trắng, lợn béo sang nhà gái hỏi xin làm đám cưới.

Tục bắt vợ

batvo_1424760226.jpg

Tục bắt vợ thường diễn ra giữa chốn đông người nhưng thường không ai ngăn cản. Ảnh: VOV

Người H’Mông trên vùng núi cao Tây Bắc có tục bắt vợ. Cặp nam nữ khi đồng ý cưới nhau, chàng trai sẽ báo trước ngày và địa điểm nơi cô gái bị bắt. Mọi chuyện được giấu kín gia đình nhà gái. Hàng ngày, cô gái vẫn lên nương, làm rẫy. Đến hẹn, chàng trai sẽ rủ một vài người bạn cùng tham gia bắt vợ.
Cô gái dù biết trước nhưng vẫn tỏ ra bất ngờ, giả vờ kêu khóc ầm ĩ. Theo quan niệm người H'Mông, cô gái khóc càng to, phản ứng quyết liệt thì gia đình sau này sẽ càng hạnh phúc, con cháu đầy nhà.
Sau khi bị bắt 3 ngày, nếu cô gái không tìm cách trốn khỏi nhà trai nghĩa là đã đồng ý lấy chàng làm chồng. Nhà trai sẽ nhờ người mai mối chọn ngày lành tháng tốt rồi sang thưa chuyện với nhà gái, làm lễ cưới xin.
Tổ chức đám cưới hai lần
Thường sống ở vùng giáp ranh giữa Lai Châu và Lào Cai, người dân tộc Hà Nhì  phải cưới nhau hai lần. Trong những đêm hát giao duyên, trai gái có quyền tự do tìm hiểu, kết hôn. Chàng trai nào phải lòng cô gái mà được đáp lại sẽ dẫn người yêu về nhà, thưa chuyện với cha mẹ để xin cưới.
Cả nhà đồng ý sẽ làm lễ trước bàn thờ tổ tiên, báo cáo rằng sắp có một cô con dâu mới, sau đó làm cỗ mời cả họ hàng và dân bản tới chung vui. Đây là lần cưới thứ nhất của chàng trai, cô dâu từ đó mang họ nhà chồng.
Tuy nhiên, cuộc hôn nhân đó vẫn chưa được gọi là hoàn thành. Khi hai người có con hoặc kinh tế khá giả, họ sẽ phải tổ chức đám cưới lần thứ hai.
Ở rể 3 năm mới được cưới
Với những chàng trai dân tộc Thái, để cưới được vợ, họ phải trải qua một quá trình thử thách rất dài. Thường khi ưng cô nào, chàng trai sẽ thưa với cha mẹ để lo chuyện hôn nhân. Trước đây, chàng trai phải đến ở nhà gái trong 3 tháng, sống trong gian dành cho khách và chỉ được phép mang một con dao để làm việc.
Hết thời gian đó, nếu được bố mẹ cô gái đồng ý, chàng trai sẽ trở về báo cho cha mẹ mình biết. Lúc này, chàng trai mới được mang hành lý tư trang đến nhà gái và ở đó suốt 3 năm.

vomong.jpg 
Hai bên phải vỗ vào mông đối phương đủ 9 lần thì lời tỏ tình mới được chấp nhận . Ảnh: TL.

Sau 3 năm ở rể, lễ thành hôn mới chính thức được tiến hành. Trường hợp cô gái không đồng ý cuộc hôn nhân sẽ tự cắt tóc mình. Sau lễ cưới, chú rể tiếp tục ở nhà gái từ một đến mười năm và chỉ được phép đưa vợ về nhà mình sau một nghi lễ đưa dâu long trọng.

Vỗ mông kén vợ

Những phiên chợ cuối năm là dịp tốt nhất để trai gái người Mông ở Hà Giang tìm nhau, nên vợ thành chồng. Sau những chén rượu ngô thơm nồng chúc tụng, cô gái ưng thuận chàng trai nào sẽ trao ánh mắt tình tứ rồi bỏ chạy, vừa chạy vừa ngoái cổ lại. Chàng trai có nhiệm vụ đuổi theo và đưa tay vỗ mông cô gái một cái trước sự chứng kiến của nhiều người. Hành động này đồng nghĩa việc cô gái sắp thành vợ.

Không cưới người cùng họ

Theo quan niệm của người H'Mông ở Tây Bắc, nếu mang tên họ giống nhau thì đều coi là có chung tổ tiên. Vì vậy, dù có họ hàng xa nhiều đời, nếu phát hiện ra trùng tên họ, đôi trai gái không được phép lấy nhau.

Lễ hội bắt chồng

cuoi.jpg

Theo tục lệ của người Chu Ru, sau khi chàng trai đồng ý đeo nhẫn, cô gái dâng chiếc khăn tự tay dệt. Họ choàng chung và chính thức trở thành vợ chồng. Ảnh: Anh Phương.

Bắt chồng là tục lệ khá phổ biến với đồng bào Chu Ru, Cơ Ho... ở Tây Nguyên, thường tổ chức suốt tháng 3. Theo quy định, tục bắt chồng sẽ diễn ra vào ban đêm, các cô gái là người chủ động. Cô nào tìm được chàng trai ưng ý sẽ thông báo với gia đình hai bên. Nếu được chấp thuận, cô gái phải mang nhẫn tới đeo cho chàng trai.
Trường hợp chàng trai không đồng ý có thể trả lại nhẫn. Tuy nhiên, sau 7 ngày cô gái lại tiếp tục đến đeo nhẫn cho chàng trai đến khi nào đồng ý mới được tổ chức lễ cưới.

Theo Anh Phương (Vnexpress)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm