Những từ mẫu làm nên sự sống

Gần một năm trước, ngày 25-10-2014, chính tay ThS-BS Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng khoa Hồi sức Sơ sinh (BV Nhi đồng 1), đã ôm bé Nguyễn Quốc Huy (bé bị văng ra khỏi bụng mẹ do tai nạn giao thông) giao tận tay cho gia đình để đưa bé về quê ở An Giang sau 25 ngày điều trị. Ngày 28-8-2015, một lần nữa, BS Tâm lại ôm bé Dương Minh Phát (bé bị đâm dao vào đầu) từ giường bệnh ra xe giao cho gia đình về quê Vĩnh Long sau 20 ngày điều trị.

BS Tâm được gia đình các bé coi là người mẹ thứ hai sinh ra con họ.

Nụ cười “vô duyên” - nụ cười hạnh phúc

Chúng tôi gặp lại BS Tâm sau một ngày bé Dương Minh Phát xuất viện. Gương mặt BS vẫn còn hạnh phúc rạng ngời trước sự sống kỳ diệu của bé Phát.

Nhớ về ngày đầu khi tiếp nhận bé Phát, là bác sĩ phụ trách khoa Hồi sức sơ sinh, BS Tâm có mặt trong cuộc hội chẩn và phòng mổ ngay từ đầu để quan sát bé. Chị bảo bé mới tí xíu mà đã gặp hoàn cảnh khá ngặt nghèo. Chị nghĩ rằng bé sẽ khó sống. Nhưng khi thấy BS Đào Trung Hiếu rút được con dao ra khỏi đầu bé, con dao dính đầy máu, chị nhoẻn miệng cười mà theo chị, đó là nụ cười “vô duyên” quá! “Nhiều đồng nghiệp hỏi tôi sao đứng cười lúc ấy. Tôi không nói gì, chỉ biết rằng thời khắc ấy tôi biết bé Phát sẽ sống” - BS Tâm kể.

Từ giây phút bé được rút con dao ra và chuyển về khoa Hồi sức sơ sinh, chị dồn hết sức cứu bé. Các điều dưỡng, bác sĩ khoa Hồi sức sơ sinh cũng vậy, tất cả đều dồn hết sức làm ngày, làm đêm để theo dõi từng thông số máy thở, nhịp tim, điều chỉnh từng ngày liều dùng kháng sinh, dinh dưỡng, theo dõi nhiễm trùng, chăm sóc vết thương… Nhất cử, nhất động của bé đều được báo cáo, phân tích để điều chỉnh hợp lý.

BS Phạm Thị Thanh Tâm trao bé Dương Minh Phát (ảnh trái) và bé Nguyễn Quốc Huy về cho gia đình sau khi cứu các bé thoát khỏi cơn hiểm nghèo. Ảnh: TÙNG SƠN

Người tái sinh các bé lần hai

Kết quả là sau 20 ngày bé Phát đã không bị di chứng gì khi xuất viện và BS Tâm tin rằng bé phát triển bình thường. Cũng giống bé Nguyễn Quốc Huy bị cụt chân sau khi văng ra khỏi bụng mẹ, BS Tâm mong các bé khỏe từng ngày. Nếu như chị háo hức chờ đến ngày nhìn thấy bé Huy được lắp chân giả vào để chạy nhảy cùng bạn bè thì cái háo hức tiếp theo của chị là chờ bé Phát tái khám sau hai tuần nữa và quan sát sự tiến triển của bé.

Một năm qua, gia đình bé Nguyễn Quốc Huy gọi chị là mẹ của bé vì họ xem chị là người sinh ra bé lần thứ hai. Và giờ đây gia đình bé Phát cũng vậy, họ coi chị là người đã sinh ra bé lần hai. Nhưng BS Tâm lại khiêm tốn: “Nói gì thì nói, tôi không thể thay thế mẹ các bé được, bởi tôi và các đồng nghiệp chỉ cứu bé lúc đau bệnh, hoạn nạn chứ không thể chăm sóc các bé cả đời như chính mẹ ruột các bé được!”.

“Những thương tổn trên cơ thể thì con nít chúng cũng mau quên nhưng người lớn thì sợ ảnh hưởng đến tâm lý của chúng sau này. Sau này chúng lớn lên, đứa một chân (bé Huy) thì chúng ta cứ kể chuyện và nói với bé là một chân giống chú lính chì. Đứa có thẹo trên mặt (bé Phát) thì nói con giống Harry Potter vậy thôi! Quan trọng là đừng gợi lại vết thương các bé mà nhìn câu chuyện với cái nhìn bao dung, không chửi rủa người gây ra các vết thương cũ. Chúng tôi sẽ can thiệp sớm các tổn thương về tâm lý, cảm xúc cho các bé để các bé phát triển tốt” - BS Tâm tâm sự.

Những từ mẫu anh hùng

Chiều cuối tuần, chúng tôi gặp ThS-BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1, tại một hội nghị nhi khoa. BS Hiếu chính là người cầm dao mổ đầu tiên đưa các bé thoát khỏi cơn nguy kịch để trở về cuộc sống bình thường.

Nhắc đến chuyện bé Phát, BS Hiếu cười bảo rằng mình không mong muốn gặp lại trường hợp nào như vậy nữa, bởi gần 30 năm cầm dao mổ ông chưa bao giờ thấy một vết thương nào tàn khốc như vậy trên trẻ sơ sinh. “Hôm bé Phát nhập viện là ngày cuối tuần, lúc ấy tôi ở nhà. Trưởng kíp trực gọi thông báo có một trường hợp bị đâm dao vào đầu, qua mô tả thì rất nặng và xin ý kiến điều trị. Tôi nói là phải mổ cấp cứu ngay tại BV Nhi đồng 1 và có sự hỗ trợ của BV 115” - BS Hiếu nhớ lại.

Từ nhà, BS Hiếu lập tức vào BV Nhi đồng 1. Trước khi đi, ông còn dặn dò êkíp trực trước khi đưa bé qua khoa Hồi sức sơ sinh thì phải ghé qua khoa Chẩn đoán hình ảnh để chụp CT, sau đó là chuyển vào phòng mổ. Khi vận chuyển bé phải hết sức nhẹ nhàng và cẩn thận, đừng để con dao trong đầu bé xê dịch. “Khi tôi vào khoa Chẩn đoán hình ảnh, tôi không thể tưởng tượng được vết thương nặng như thế, nó khủng khiếp hơn so với những gì tôi tưởng. Tôi nghĩ con dao chỉ nằm ở vị trí không gây ấn tượng nhiều, đằng này nó đi từ hốc mắt trái, xuyên não lên tới đỉnh đầu phải. “Dù còn 1% cũng phải cứu bé!” - tôi lệnh cho mình. Sự sống hoàn toàn có thể xảy ra bởi em bé còn tỉnh, mắt bên phải còn mở, tay chân còn huơ qua huơ lại…” - BS Hiếu kể.

Con dao nằm trong đầu bé, BS Hiếu cho rằng êkíp bác sĩ chỉ kiểm soát 1/3, nếu thương tổn nằm trong 2/3 không kiểm soát được thì gần như em bé tử vong trên bàn mổ. Con dao dài 12 cm nhưng phải mất đến năm phút mới rút ra được. Nhưng để có năm phút rút con dao, êkíp phẫu thuật phải mất đến hai giờ chuẩn bị. “Về tâm lý chúng tôi rất run, chỉ sợ không kiểm soát được và em bé chết trước mắt mình thì sẽ rất ám ảnh. Nhưng khi rút con dao ra rồi, lượng máu chảy ra không nhiều, những thông số sinh tồn hoàn toàn bình thường. Cả êkíp mổ đều thở phào nhẹ nhõm” - BS Hiếu nói trong hạnh phúc.

với chúng tôi, BS Hiếu và các đồng sự của ông quả thật là những anh hùng khi họ đã giành lấy sự sống diệu kỳ của bé Phát từ tay thần chết.

Và khi những em bé bị thương tật ngày nào đến giờ xuất viện trong sự vui mừng, chào đón của gia đình thì ngay lúc ấy BS Hiếu lại đang cầm dao trong phòng mổ để giành lấy sự sống cho các trẻ khác.

Quê nào quà đó

BS Đào Trung Hiếu kể: Một số bệnh nhân sau khi khỏi bệnh đã quay lại cảm ơn bác sĩ bằng các món quà “đồng quê” mà nhìn nó dù chưa nhớ ra tên bệnh nhân nhưng ông biết rõ quê họ ở đâu. “Bệnh nhân ở Cà Mau thì sẽ biếu tôm, cua; bệnh nhân ở An Giang thì sẽ tặng cá khô, mắm cá; bệnh nhân miệt Gò Công - Tiền Giang thì sẽ tặng dưa, sơ ri; bệnh nhân Vĩnh Long thì sẽ tặng các loại trái cây… Nhưng món quà ấn tượng nhất là trong mùa nước nổi, một bệnh nhân ở Đồng Tháp mang lên tặng tôi một bao… lúc nhúc rắn bông súng” - BS Hiếu cho biết.

_____________________________________

Cái “đã” nhất, sung sướng nhất của tôi lúc đó là chính tay tôi rút lưỡi dao ra cho bé một cách an toàn. Nó như trút được gánh nặng hàng tấn đang đè trên cơ thể. Tôi nghĩ lúc đó cả êkíp đều hạnh phúc và vui. Cái đó không phải là sự lớn lao để được vinh danh mà là trách nhiệm của người làm nghề y .

Ths - BS Đào Trung Hiếu

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm