Sóc Trăng: Tòa xét xử vụ công ty gia đình Kim Anh

Ngày 11-5, TAND tỉnh Sóc Trăng đưa ra xét xử vụ kiện giành quyền sở hữu giữa các thành viên trong gia đình doanh nhân nổi tiếng Kim Anh. Ông Đỗ Ngọc Quí (Chủ tịch Hồi đồng thành viên, Tổng Giám đốc Kim Anh) là nguyên đơn trong vụ án. Ông Quí khởi kiện đòi xác lập quyền sở hữu Công ty Kim Anh cho cá nhân ông, đòi bác tư cách thành viên của mẹ và bốn anh chị em ruột...

Nhờ đứng tên giùm

Công ty Kim Anh có sáu thành viên là mẹ và các con ruột trong một gia đình. Cụ thể: bà Hoàng Thị Kim Anh (mẹ) góp vốn 30,75%; các con ruột của bà là Đỗ Ngọc Quí, hùn 36,39% ; Dương Việt Trung góp vốn 10,46%; Đỗ Ngọc Tài góp 11%; Đỗ Ngọc Tươi 0,94% và Đỗ Thị Ngọc Sương là 10,46%. Vốn điều lệ của công ty ban đầu là hơn 2 tỉ đồng. Sau hai lần tăng vốn đến nay là trên 113 tỉ đồng, tỉ lệ vốn góp các thành viên thay đổi không đáng kể qua các lần tăng vốn.

Theo đó, trước năm 1975, bà Kim Anh khởi sự bằng việc mua bán tôm tép ngoài chợ Sóc Trăng. Việc làm ăn khá dần, bà Kim Anh phát triển thành cơ sở thu mua tôm tép. Đến năm 1992, Doanh nghiệp Kim Anh ra đời. Năm 1994 phát triển thành Công ty TNHH Kim Anh với mô hình hai thành viên trở lên. Trong suốt quá trình này, tất cả thành viên trong gia đình cùng làm việc với nhau, không có một cơ sở, một thành viên nào nằm ngoài hệ thống công ty.

Sóc Trăng: Tòa xét xử vụ công ty gia đình Kim Anh ảnh 1

Bà Hoàng Thị Kim Anh trước khi qua đời đã kịch liệt phản đối vụ kiện của ông Quí. (Ảnh chụp vào ngày 11-1-2012). Ảnh: TV

Đến tháng 11-2010, ông Quí phát đơn khởi kiện, đòi tòa án xác lập quyền sở hữu toàn bộ Công ty Kim Anh cho mình, bác tư cách thành viên của mẹ và tất cả anh em khác.

Ông Quí cho rằng việc mẹ ông và các anh chị em có tên trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong điều lệ công ty là do trước đây ông nhờ đứng tên hộ để làm thủ tục thành lập doanh nghiệp.

Các bị đơn thì nói ngược lại, cho rằng việc góp vốn làm thành viên sáng lập như điều lệ công ty và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là có thật, do nghĩ tình thâm nên không đề nghị xác lập thủ tục rõ ràng...

Tòa chưa thể tuyên án

Tại phiên tòa, phía bị đơn lập luận rằng đây là đơn vị của gia đình, mọi người cùng chung sức, chung việc hưởng thụ, đồng lòng phát triển sự nghiệp của gia đình. Đến năm 1994, để có thể trực tiếp xuất khẩu thủy sản, Kim Anh phát triển lên thành Công ty TNHH Kim Anh. Lúc này, bà Kim Anh đã quyết định chia tài sản cho các con, bằng cách phân chia vốn liếng. Tỉ lệ của các thành viên khác nhau là do bà luận công của từng đứa con trong gia đình đã có công đóng góp cho sự nghiệp chung. Phía bị đơn đưa ra các bằng chứng thể hiện mình là thành viên sáng lập thực sự, chứ không phải là danh nghĩa…

VKS có câu hỏi: “Luật không quy định tỉ lệ vốn góp của các thành viên. Tại sao ông Quí không để các thành viên đứng tên hộ với tỉ lệ vốn góp 1% hay 2% để giữ toàn quyền quyết định công ty theo luật định mà lại chia ra với tỉ lệ vốn góp lớn như thực tế?”. Điều này đã có nhiều câu trả lời khác nhau...

Đề nghị của VKS cuối cùng là bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, giữ nguyên tư cách thành viên của các bị đơn theo đúng điều lệ công ty và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hiện hành của Công ty Kim Anh.

* * *

Sau khi xem xét, chủ tọa phiên tòa cho biết phần tuyên án sẽ được thực hiện vào ngày 16-5. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc diễn biến của vụ án.

TRẦN VŨ

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.