Tòa thụ lý nhầm?

Ngày 21-12-2012, TAND TP Nha Trang đã thông báo thụ lý vụ tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu giữa ông H. (nguyên đơn) và ông N. (bị đơn).

Yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu

Theo hồ sơ khởi kiện của ông H., trước đây ông N. có vay tiền của ông nhưng không trả. Đầu năm 2009, ông H. từng khởi kiện ông N. tại TAND TP Nha Trang. Trong quá trình tòa giải quyết, ông và ông N. thỏa thuận được với nhau nên tháng 1-2009, tòa đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên đương sự, nội dung là ông N. đồng ý trả nợ cho ông H. 454 triệu đồng.

Sau khi quyết định trên có hiệu lực pháp luật, ông H. yêu cầu thi hành án nhưng ông N. không chịu trả nợ. Cơ quan thi hành án dân sự xác minh thì được biết vào tháng 12-2008 (một tháng trước khi tòa ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên đương sự), ông N. đã lập văn bản thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế của cha để lại. Văn bản này được công chứng tại Phòng Công chứng số 1 của tỉnh Khánh Hòa.

Cho rằng văn bản phân chia tài sản thừa kế có công chứng mà ông N. lập ảnh hưởng đến quyền lợi của mình, ông H. đã khởi kiện yêu cầu TAND TP Nha Trang tuyên bố văn bản này vô hiệu.

Tòa thụ lý nhầm? ảnh 1

Là việc dân sự

Cho đến nay vụ kiện này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm do các bên đương sự không hợp tác, mặt khác cũng có nhiều ý kiến khác nhau về việc tòa có nhầm lẫn hay không khi thụ lý thành vụ án dân sự.

Ở vụ việc nói trên, quan hệ tranh chấp về hợp đồng vay tiền giữa ông H. và ông N. đã được giải quyết bằng một quyết định có hiệu lực từ tháng 1-2009 của tòa án. Vì vậy, quyền lợi của ông H. được giải quyết theo thủ tục thi hành án. Trong trường hợp có căn cứ cho rằng ông N. có giao dịch dân sự và công chứng trái pháp luật gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của mình thì ông H. có quyền yêu cầu tòa tuyên bố văn bản công chứng đó vô hiệu.

Theo khoản 6 Điều 26 BLTTDS năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011), yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu là việc dân sự (không có tranh chấp, không có bị đơn). Do đó, TAND TP Nha Trang đã làm nhiều người ngạc nhiên khi thụ lý thành vụ án dân sự (có tranh chấp với đầy đủ hai bên nguyên, bị).

Hậu quả pháp lý ra sao?

Theo TS Nguyễn Văn Tiến (giảng viên khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM), hậu quả pháp lý giữa việc tòa thụ lý, giải quyết việc dân sự và thụ lý, giải quyết vụ án dân sự là hoàn toàn khác nhau. Sự khác nhau đó biểu hiện ở các điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, nếu là việc dân sự thì thời gian giải quyết của tòa sẽ nhanh hơn rất nhiều so với vụ án dân sự. Thứ hai, nếu là việc dân sự thì thủ tục sẽ đơn giản, gọn nhẹ hơn rất nhiều so với vụ án dân sự (không phải qua khâu hòa giải, không phải mở phiên tòa…). Thứ ba, việc tòa thụ lý nhầm làm biến đổi bản chất vụ việc, biến chuyện đơn giản thành phức tạp, biến cái không tranh chấp thành cái có tranh chấp, tạo ra xung đột trong xã hội. Chưa kể, nếu là việc dân sự thì đương sự chỉ phải đóng lệ phí cố định 200.000 đồng, còn là vụ án thì phải đóng án phí theo % giá trị tranh chấp.

Nói chung, theo TS Tiến, nếu tòa thụ lý nhầm việc dân sự thành vụ án dân sự thì các đương sự sẽ phải gánh chịu nhiều thiệt hại cả về thời gian, công sức lẫn tiền bạc.

Phân biệt ra sao?

Dấu hiệu pháp lý cơ bản nhất để phân biệt việc dân sự với vụ án dân sự là yếu tố có tranh chấp hay không.

Cụ thể, việc dân sự là việc cá nhân, cơ quan tổ chức không có tranh chấp nhưng có yêu cầu tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý nào đó (cơ sở pháp lý là các điều 26, 28, 30, 32 và 311 BLTTDS). Ví dụ như yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, yêu cầu tuyên bố một người mất tích...

Còn vụ án dân sự là các tranh chấp xảy ra giữa các đương sự mà theo quy định của BLTTDS thì cá nhân, cơ quan, tổ chức tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình (cơ sở pháp lý là các điều 25, 27, 29 và 31 BLTTDS). Ví dụ các tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, tranh chấp về hợp đồng dân sự…

H.HÀ - T.TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm