Ưu tiên Tòa án hay Trọng tài thương mại khi giải quyết tranh chấp?

PLO xin trân trọng giới thiệu bài viết của PGS-TS Đỗ Văn Đại, (Trọng tài viên, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học pháp lý Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - VIAC) về việc này.

PGS-TS Đỗ Văn Đại

Trường hợp các bên cùng thỏa thuận cả Tòa án và Trọng tài để giải quyết tranh chấp, ví dụ, tại Điều 9 của một Hợp đồng, các bên thỏa thuận phương thức giải quyết tranh chấp là“…một trong hai bên có quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết” nhưng sau đó tại Điều 13 về xử lý vi phạm thì các bên lại thỏa thuận “….phải đưa vụ tranh chấp đó ra Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam bên cạnh phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam để giải quyết”.

Ở đây, trong nội tại hợp đồng có tranh chấp, có lúc các bên theo hướng đưa tranh chấp ra Tòa án nhân dân nhưng có lúc các bên lại thống nhất chọn Trọng tài thương mại. Cả Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003 và Luật trọng tài thương mại năm 2010 đều không có quy định minh thị về loại thỏa thuận này, nhưng Nghị quyết số 01/2014/HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã có quy định về chủ đề này và dưới đây là những quy định liên quan đến hoàn cảnh thực tế.

Ưu tiên Trọng tài thương mại

Trước những thỏa thuận “mâu thuẫn” như trên, có thể xảy ra trường hợp một bên khởi kiện ra Trọng tài thương mại để yêu cầu giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng và bên kia khởi kiện ra Tòa án nhân dân để giải quyết tranh chấp.

Hoàn cảnh như vậy chưa được Luật trọng tài dự liệu rõ và Nghị quyết số 01/2014 đã quy định theo hướng Trọng tài thương mại có thẩm quyền và Tòa án nhân dân phải từ chối. Cụ thể, theo khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 01/2014, “Trường hợp người khởi kiện yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp khi Tòa án chưa thụ lý vụ án quy định tại điểm b khoản 4 Điều này thì Tòa án căn cứ quy định tại Điều 6 Luật Trọng tài Thương mại để từ chối thụ lý, giải quyết” và ”trường hợp Tòa án đã thụ lý vụ án mà phát hiện tranh chấp đã có yêu cầu Trọng tài giải quyết trước thời điểm Tòa án thụ lý vụ án thì Tòa án căn cứ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 192 BLTTDS ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án vì không thuộc thẩm quyền của Tòa án, trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện”.

Quy định vừa nêu đã buộc Tòa án phải từ chối thụ lý, giải quyết tranh chấp một khi Trọng tài đã được yêu cầu giải quyết trước nên cũng đã ngầm thừa nhận thầm quyền của Trọng tài thương mại.

Hướng giải quyết tương tự cũng được áp dụng nếu Trọng tài được yêu cầu sau Tòa án nhưng trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày Tòa án nhận được đơn khởi kiện. Bởi lẽ vì điểm b khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 01/2014 xác định ”trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện mà Tòa án xác định người bị kiện, người khởi kiện đã yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện”.

Trong thực tế còn xảy ra trường hợp, một bên khởi kiện ra Trọng tài thương mại và bên kia không khởi kiện ra Tòa án nhân dân nhưng phản đối thẩm quyền của Trọng tài thương mại. Trong vụ tranh chấp có thỏa thuận trọng tài ”mâu thuẫn” nêu trên, nguyên đơn khởi kiện ra Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và Hội đồng trọng tài đã chấp nhận thẩm quyền nhưng bị đơn khiếu nại quyết định chấp nhận thẩm quyền của Hội đồng trọng tài và không được Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đồng ý. Theo Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh, ”việc cho rằng Trọng tài không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp do Hợp đồng các bên vừa thỏa thuận Trọng tài, vừa thỏa thuận Tòa án giải quyết tranh chấp là mâu thuẫn và chưa rõ ràng về thẩm quyền giải quyết tranh chấp là không có cơ sở” và từ đó Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã quyết định “Trung tâm Trọng tài VIAC có thẩm quyền giải quyết vụ kiện”.

Việt Nam đã theo thông lệ chung

Với các quy định trên, chúng ta thấy, nếu một tranh chấp vừa được yêu cầu tại Tòa án nhân dân và tại Trọng tài thương mại thì Trọng tài thương mại được ưu tiên và Tòa án phải từ chối giải quyết trước những thỏa thuận ”nước đôi” như đã nêu ở phần đầu.

Trọng tài cũng có thẩm quyền trước những tình huống tự ”mâu thuẫn” giữa các bên về cơ quan giải quyết tranh chấp nếu một bên khởi kiện ra Trọng tài nhưng bên kia phản đối thẩm quyền của Trọng tài. Hướng này tạo điều kiện cho Trọng tài, điều rất cần thiết hiện nay khi chúng ta mong muốn phát triển hệ thống trọng tài thương mại bên cạnh hệ thống Tòa án nhân dân.

Với hướng trên, pháp luật của chúng ta đã được hiện đại hóa và xích lại gần với thông lệ chung trên thế giới. Thực ra, một nghiên cứu được công bố năm 1996 đã từng cho thấy “trong trường hợp mâu thuẫn bề ngoài giữa một điều khoản trọng tài và một điều khoản chọn Tòa án, án lệ Pháp đã luôn cố gắng ưu tiên thỏa thuận thứ nhất so với thỏa thuận thứ hai”. Vẫn theo nghiên cứu này, “Tòa án nước ngoài cũng thể hiện sự ưu ái này. Chẳng hạn, trong một hoàn cảnh mà các bên thỏa thuận trong hai điều khoản kế tiếp của hợp đồng thỏa thuận chọn ICC và thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Anh, Tòa tối cao Anh đã cứu thỏa thuận trọng tài bằng cách quyết định việc viện dẫn đến Tòa án Anh chỉ áp dụng cho những sự cố có thể phát sinh trong quá trình trọng tài. Án lệ của Mỹ cũng theo hướng này”.

Một nghiên cứu được công bố năm 2009, sau khi viện dẫn các án lệ của Anh và của Pháp cũng khẳng định “quyết định của Tòa án và quyết định trọng tài khác nhìn chung cũng ghi nhận hiệu lực của những điều khoản viện dẫn đồng thời cả thủ tục trọng tài và thủ tục tại Tòa án, tiêu biểu là bằng cách giải thích việc viện dẫn tới thủ tục tòa án chỉ để xem xét lại phán quyết trọng tài hoặc một vài sự trợ giúp cho vụ kiện trọng tài”.

PGS-TS Đỗ Văn Đại

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm