Vẽ Trần Quốc Toản giống tướng Trung Quốc, họa sĩ nói gì

Ngày 15-6, nhân dịp tiểu thuyết lịch sử Trần Quốc Toản phiên bản mới ra mắt, tác giả, nhà văn Lưu Sơn Minh đã có buổi giao lưu với độc giả Hà Nội.

Tại đây, khi được hỏi về mức độ hư cấu của một tiểu thuyết lịch sử, nhà Lưu Sơn Minh bày tỏ: “Hư cấu lịch sử phải có giới hạn. Xây dựng nhân vật tiểu thuyết không có nghĩa là phá vỡ hình ảnh của nhân vật trong chính sử. Tôi muốn biết, đằng sau những con chữ trong chính sử là gì. Bởi, nhà viết sử rất cân nhắc, cẩn trọng với từng con chữ của họ”.

Ông cũng chia sẻ, trong quá trình viết cuốn tiểu thuyết Trần Quốc Toản, có những lúc trong những sự ngẫu nhiên, ông cảm nhận có một sự hỗ trợ ở trong sâu thẳm và xung quanh mình.

“Tôi cảm thấy sự thúc giục của nhân vật hoặc của lịch sử hoặc của điều gì đó mà tôi không thể chầy bừa được nữa, tôi viết ngày viết đêm và đến hạn thì tôi viết xong”, nhà văn Lưu Sơn Minh chia sẻ .

Tiểu thuyết Trần Quốc Toản được in lần đầu vào năm 2005 tại nhà xuất bản Kim Đồng và tái bản năm 2009 tại nhà xuất bản Văn học với đối tượng bạn đọc chính là thiếu nhi. Nhưng đến bản in năm 2017 do Đông A và nhà xuất bản Văn học liên kết ấn hành, đối tượng bạn đọc đã được mở rộng hơn nhiều.

Những trăn trở về thân phận, về cuộc đời khắc nghiệt mà hai bản in trước thể thiện chưa rõ đã được tác giả bổ sung đầy đủ vào bản in mới này.

Nhà văn Lưu Sơn Minh (trái) chia sẻ tại buổi giao lưu.

Nhà văn Lưu Sơn Minh cho biết: “Đây là cuốn sách được bắt đầu từ cảm hứng sau một truyện ngắn tên là Nước mắt trúc in trên tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1998. Sau truyện ngắn đó, tôi quyết định đi tìm tư liệu để viết một truyện ngắn về Trần Quốc Toản, rồi nhận ra để viết về người anh hùng trẻ tuổi ấy, cần cả một cuốn sách dài. Từ trước đến giờ, mọi người vẫn quen "đóng khung" Trần Quốc Toản trong khuôn mẫu "thiếu niên chí lớn hăm hở dựng cờ".

Ông cũng cho hay, nếu chỉ có vậy thì quá đơn giản, thậm chí là không công bằng với một dũng tướng như Trần Quốc Toản.

"Trần Quốc Toản khác cơ, đội quân dưới lá cờ sáu chữ khác cơ. Họ trẻ trung, nghịch ngợm, anh dũng và hào hoa. Mỗi một người trong đội quân ấy, cũng như người chủ tướng trẻ tuổi, đều là một niềm tự hào của nước Việt... Tôi muốn kể về những niềm tự hào ấy, thay vì những anh chàng non nớt ngờ nghệch chỉ biết "cắm cúi tỏ ra anh hùng" như trong hình dung trước đây”, nhà văn chia sẻ. 

Là người vẽ minh họa cho cuốn sách, Họa sĩ Thành Phong đánh giá, anh gặp một Trần Quốc Toản trong tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Lưu Sơn Minh “người” hơn rất nhiều so với chính sử, so với những truyện kể quen thuộc trước đây về nhân vật anh hùng trẻ tuổi này.

Vẽ Trần Quốc Toản giống tướng Trung Quốc, họa sĩ nói gì ảnh 2
Họa sĩ Thành Phong.

Họa sĩ Thành Phong cũng nhận được một ý kiến băn khoăn, theo đó có ý kiến cho rằng tạo hình của nhân vật Trần Quốc Toản trông giống tướng Trung Quốc.

Về thắc mắc này, họa sĩ Thành Phong cho hay, bản thân mình khi quyết định lựa chọn tạo hình nhân vật đã nghiên cứu rất nhiều về sử liệu. “Ví dụ như sử liệu thời nhà Nguyễn, tạo hình thời đó rất đơn giản. Vị tướng nhà mình chỉ có áo vải thôi, khi mọi người thấy giáp trụ đầy đủ thì nghĩ giống Trung Quốc, điều này đúng một phần, không hoàn toàn chính xác”, anh nói.

Vẽ Trần Quốc Toản giống tướng Trung Quốc, họa sĩ nói gì ảnh 3
Hình minh họa cuốn sách.

Cũng theo họa sĩ, bản thân anh đã nghĩ tới phản ứng của mọi người, tuy nhiên anh cũng cho rằng, những hình ảnh sử liệu đó thật ra không có gì bí mật, mọi người hoàn toàn có thể thấy tượng võ sĩ thời nhà Trần, đội mũ sắt đầu hổ, đó là những tư liệu hình ảnh mà anh đã tìm lại được để củng cố cho thêm tạo hình nhân vật. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm