Xử người nước ngoài, có cần dịch văn bản?

Liệu có cần quy định là khi xét xử người nước ngoài cần phải ban hành văn bản tố tụng bằng hai thứ tiếng?

Ngày 29-9, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã mở lại phiên xử vụ Nanji David Ete (quốc tịch Nigeria) và các đồng phạm về tội mua bán trái phép chất ma túy. Tòa đã tuyên phạt Ete và một bị cáo án tử hình, ba bị cáo án tù chung thân, hai bị cáo còn lại từ 15 đến 20 năm tù.

Yêu cầu dịch văn bản ra tiếng Anh

Vụ án đáng chú ý ở chỗ ngay từ giai đoạn sơ thẩm, Ete đã “làm khổ” các cơ quan tố tụng với yêu cầu các văn bản tố tụng phải được dịch ra tiếng Anh hoặc tiếng Nigeria.

Theo hồ sơ, từ năm 2006, Ete đã thiết lập một đường dây mua ma túy ở Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan về Việt Nam, sau đó vận chuyển sang Trung Quốc. Tháng 6-2009, đường dây này bị triệt phá sau khi đã mua bán trót lọt gần 11,5 kg heroin.

Tại phiên sơ thẩm hồi tháng 4-2011 của TAND TP.HCM, Ete và các đồng phạm Nigeria phản cung, không đồng ý với việc tòa sử dụng những bản cung tiếng Việt (dù có chữ ký của họ) làm căn cứ buộc tội. Theo các bị cáo, họ không đọc được những bản cung trên trong khi phiên dịch viên chỉ “dịch sơ” cho họ nghe nên chưa có gì bảo đảm là đúng với ý tứ của họ. Dù vậy, TAND TP vẫn phạt Ete án tử hình, hai bị cáo tù chung thân, bốn bị cáo còn lại từ 15 đến 20 năm tù. Sau đó, cho rằng mức án tòa tuyên đối với ba đồng phạm của Ete còn nhẹ, VKS kháng nghị một phần bản án, yêu cầu tăng mức hình phạt. Ete và các đồng phạm thì kháng cáo xin giảm án.

Tại phiên phúc thẩm lần đầu, các bị cáo nại rằng văn bản kháng nghị của VKS bằng tiếng Việt nên họ không hiểu. Từ đó, họ đề nghị tòa hoãn xử, dịch kháng nghị ra chữ viết tiếng Anh để họ có thời gian nghiên cứu. Tòa chấp nhận. Sau khi văn bản kháng nghị cùng bản án sơ thẩm được dịch ra chữ viết tiếng Anh và tống đạt cho các bị cáo, đến hôm qua tòa mở lại phiên phúc thẩm như đã nói.

Xử người nước ngoài, có cần dịch văn bản? ảnh 1

Bị cáo Nanji David Ete (quốc tịch Nigeria) đang bị dẫn giải về trại giam. Ảnh: H.YẾN

Chưa rõ trách nhiệm của cơ quan tố tụng

Xưa nay trong vụ án hình sự có bị can, bị cáo là người nước ngoài, các cơ quan tố tụng đều mời người phiên dịch (trừ trường hợp bị can, bị cáo nói, viết thông thạo tiếng Việt và không yêu cầu người phiên dịch). Tuy nhiên, trường hợp yêu cầu phải dịch văn bản tố tụng ra chữ viết tiếng Anh hoặc tiếng bản xứ như trên là khá hiếm.

Vụ án đặt ra một vấn đề pháp lý: Theo luật, khi xử lý hình sự người nước ngoài, các cơ quan tố tụng có phải dịch các văn bản tố tụng ra chữ viết tiếng nước ngoài hay không? Nếu dịch thì dịch ra tiếng Anh, tiếng nước của bị cáo hay tiếng dân tộc của bị cáo?

Theo Điều 24 BLTTHS, tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hình sự là tiếng Việt. Người tham gia tố tụng có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, trong trường hợp này cần phải có phiên dịch. Theo Điều 226 BLTTHS, nếu bị cáo không biết tiếng Việt thì sau khi tuyên án, người phiên dịch phải đọc lại cho bị cáo nghe toàn bộ bản án sang thứ tiếng mà bị cáo biết.

Như vậy, về phía bị can, bị cáo thì có quyền chỉ nói và viết bằng tiếng nước mình. Lúc đó cơ quan tố tụng phải có người phiên dịch mới có thể giải quyết được vụ án. Tuy nhiên, điều luật trên lại chưa rõ ở chỗ về phía cơ quan tố tụng thì sao, có phải chủ động dịch tất cả văn bản tố tụng như giấy triệu tập, kết luận điều tra, cáo trạng, bản án sơ thẩm, văn bản kháng nghị… ra tiếng nước của bị cáo để tống đạt cho họ hay không?

Một thẩm phán Tòa Hình sự TAND TP.HCM thừa nhận hiện nay trong các vụ án có bị can, bị cáo là người nước ngoài thì các cơ quan tố tụng đều sử dụng tiếng Việt trong tất cả bút lục, sau đó yêu cầu phiên dịch viên dịch lại rồi đọc cho bị can, bị cáo nghe. Tình trạng này rất dễ dẫn đến lúc ra tòa, bị cáo phản cung nói rằng trong giai đoạn điều tra, họ được nghe phiên dịch không phải như thế.

Theo hướng nào?

Theo kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Thanh Sơn (Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao), nguyên tắc xét xử trong tố tụng hình sự là bằng tiếng Việt. Cơ quan tố tụng chỉ cần phiên dịch cho bị cáo người nước ngoài nghe để hiểu chứ không thể đòi hỏi phải có văn bản tố tụng bằng một thứ tiếng khác nữa. Điều này rất khó. Bởi lẽ nếu dịch văn bản tố tụng ra tiếng Anh (ngôn ngữ quốc tế phổ biến) thì cơ quan tố tụng có thể làm được nhưng nếu bị cáo yêu cầu dịch văn bản sang một thứ tiếng mà có quá ít người biết, thậm chí không ai biết thì sao? Chẳng lẽ vụ án sẽ phải xếp lại vì bế tắc?

Trong khi đó, luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) lại cho rằng dù có khó khăn thì cũng cần thiết phải nghiên cứu hướng đến việc ban hành các văn bản tố tụng bằng hai thứ tiếng khi xét xử người nước ngoài phạm tội. Nếu ngại ngôn ngữ bản xứ của bị can, bị cáo không phổ biến thì có thể quy định dịch ban hành văn bản bằng ngôn ngữ quốc tế thông dụng là tiếng Anh. Điều này phù hợp với xu hướng tố tụng tiến bộ, hạn chế chuyện bị cáo lợi dụng để gây khó dễ cho cơ quan tố tụng.

Luật sư quốc tế: Luật không cho phép!

Vì phạm tội ở khung hình phạt có mức án cao nhất đến tử hình (khoản 4 Điều 194 BLHS) nên ngay từ giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra đã chỉ định luật sư tham gia tố tụng bảo vệ Nanji David Ete và các đồng phạm. Đến phiên phúc thẩm lần đầu mà tòa hoãn xử, Ete và các đồng phạm từ chối luật sư chỉ định, yêu cầu phải có… luật sư quốc tế bào chữa.

Yêu cầu này đã bị tòa phúc thẩm bác bỏ vì pháp luật Việt Nam hiện nay không cho phép luật sư người nước ngoài tham gia tố tụng. Cơ quan tố tụng đã chỉ định luật sư bảo vệ các bị cáo là làm đúng luật, nếu các bị cáo từ chối luật sư chỉ định thì tòa vẫn tiến hành xét xử bình thường.

Luật sư cho bị cáo người nước ngoài

Hiện luật chỉ quy định chỉ định luật sư bào chữa cho những người phạm tội ở khung hình phạt có mức án cao nhất đến tử hình. Nhưng tôi đã gặp nhiều trường hợp các bị can, bị cáo người nước ngoài vẫn yêu cầu được cung cấp luật sư khi chỉ phạm tội ít nghiêm trọng. Họ đều cho rằng đó là một quyền lợi chính đáng, cơ bản cần được đảm bảo. Vì thế chúng ta cũng nên cân nhắc việc sửa đổi quy định để mời luật sư cho tất cả bị can, bị cáo người nước ngoài trong quá trình tố tụng. Có luật sư thì việc giải quyết án sẽ không gặp nhiều vướng mắc như hiện nay.

Luật sưNGUYỄN THẾ HỮU TRẠCH,Đoàn Luật sư TP.HCM

Chú trọng chất lượng phiên dịch

Ở các phiên xử người nước ngoài phạm tội hiện nay, phần xét hỏi và tranh luận thường không sâu do chất lượng phiên dịch không cao. Thực tế, không ít trường hợp để tránh mất thời gian, HĐXX đã yêu cầu người phiên dịch chỉ dịch tóm gọn, không dịch hết tất cả câu hỏi, câu trả lời, các ý kiến tranh luận và đối đáp. Điều này là sai quy định của BLTTHS.

Một thẩm phán Tòa Hình sự TAND TP.HCM

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm