39 bị cáo, 262 người liên quan

Ngày 4-9, TAND tỉnh Cà Mau mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Sửa chữa giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức”, “Mua bán tài liệu của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội”, “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “ Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Giả mạo trong công tác” do Mạc Thanh Việt (SN 1970, ngụ xã Thạnh Phú, Cái Nước) cùng đồng bọn thực hiện. Các bị cáo đã làm giả mạo hồ sơ, vay tiền ngân hàng rồi chiếm đoạt.

Ông Lê Thường Vụ, thẩm phán TAND tỉnh Cà Mau, làm chủ tọa phiên tòa.

Kẻ lừa đảo cấu kết với cán bộ công chức

Tờ mờ sáng, hàng trăm người đã vượt đường xa đến TP Cà Mau để kịp chứng kiến giây phút những kẻ đã gây cho họ bao nỗi khốn cùng ra trước vành móng ngựa.

8 giờ 30 phút, mặc dù không khí khá oi bức và ngột ngạt, nhưng trong hội trường có sức chứa 1.200 chỗ ngồi của Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh Cà Mau vẫn gần kín chỗ. 39 bị cáo lần lượt phải lên đứng trước vành móng ngựa.

Bên cạnh những cái tên chủ mưu Mạc Thanh Việt, Nguyễn Hoàng Huynh, Bùi Thanh Sơn, Hồ Thanh Đừng là những cái tên không chút xa lạ đối với hàng trăm người dân xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước.

Đó là những cán bộ từng một thời giữ những vị trí chủ chốt của UBND xã này, nhưng họ đã làm ngược lại với những gì mà Đảng và Nhà nước giao phó, khiến cho bao người dân lương thiện phải lâm vào hoàn cảnh lao đao suốt mấy năm qua.

Giữa hàng trăm người ngồi dự khán phiên tòa, có một bị hại khá đặc biệt, đó là ông Lê Văn Nghĩa (SN 1932, ngụ ấp Trung Hưng, xã Lương Thế Trân, Cái Nước).

Tuy tuổi cao sức yếu và bị mù, nhưng ông vẫn bảo người thân dẫn đến ngồi nghe phiên tòa xét xử những kẻ đã từng hại ông phải tự mổ bụng minh oan vì bị cán bộ ngân hàng đến đòi nợ mà ông không biết rõ nguyên nhân. Cũng may là lần đó ông được cứu chữa kịp thời.

Hàng trăm người đến dự khán phiên tòa có cùng cảnh ngộ như ông Nghĩa, là nạn nhân của những kẻ lừa đảo khiến cuộc sống gia đình họ lâm vào hoàn cảnh khó khăn khi không còn vốn sản xuất mà không còn sổ đỏ để thế chấp ngân hàng vay tiền.

Nhiều nông dân chất phác bị liên lụy

Ông Nguyễn Minh Hồng (SN 1947, ngụ ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, Cái Nước) thì vướng vào một hoàn cảnh khác. Ông nói: “Tôi có mặt tại phiên tòa hôm nay là do nghe lời Việt ký tên vào sổ đỏ của người khác để Việt vay ngân hàng 20 triệu đồng và chia huê hồng cho tôi 500.000 đồng. Sau này biết làm vậy là phạm tội nên tôi đã nộp lại cho công an”.

Tuy chỉ mới là ngày làm thủ tục phiên tòa, nhưng đã đọng lại nhiều cảm xúc. Có những nông dân tay lấm chân bùn lần đầu tiên bước vào chốn công đường với tư cách là người liên quan đã hồi hộp đến nỗi không thể nói được tên mình khi chủ tọa hỏi đến.

Cũng có một số người đã được chủ tọa gọi tên nhưng không có mặt bởi lý do đã qua đời cách nay vài năm.

Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài trong khoảng 10 ngày, kết thúc vào ngày 17-9. Hôm nay, 5-9, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần xét hỏi.

Tổng số tiền bị chiếm đoạt hơn 10,7 tỉ đồng

Theo kết luận của cơ quan điều tra, các bị cáo trong vụ án đã thực hiện hành vi phạm tội bằng cách mua giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cán bộ địa chính, lấy trộm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Phòng Địa chính huyện Cái Nước... rồi cấu kết với cán bộ UBND xã Lương Thế Trân (cũ) làm và ký xác nhận khống để lập hồ sơ vay tiền ngân hàng.

Đồng thời, họ còn mua chuộc cán bộ Công an xã Lương Thế Trân ký khống hộ khẩu, lắp gộp hộ khẩu, cấu kết với một số cán bộ của các ngân hàng có trách nhiệm trong việc kiểm tra, ký duyệt hồ sơ cho vay... để vay tiền.

PHÙNG DUY NHÂN <EM>(Theo Người Lao động)</EM>

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm