Báo cảnh sát bị bắt cóc để… 'tống tiền' gia đình

Trung tá-nghiên cứu sinh Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, Bộ Công an, cho biết thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ người dân đến cơ quan chức năng trình báo thông tin sai sự thật. Tình trạng này gây tốn kém về vật chất, con người, gây bức xúc cho dư luận.

Gọi cảnh sát để trêu đùa

Lý do dẫn đến hành động này rất đa dạng nhưng động cơ phổ biến tập trung vào ba nhóm. 

Trung tá Đào Trung Hiếu cho biết nhiều trường hợp cố tình trình báo tin giả để phục vụ mục đích riêng.

Thứ nhất, nhằm trêu đùa, chọc ghẹo cơ quan chức năng; ví dụ gọi vào đầu số 113 của lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh; đầu số 114 báo cháy.

Thứ hai, nhằm che giấu một hành vi nào đó; điển hình như các trường hợp báo án bị cướp, trộm cắp để che đậy cho việc làm mất, chiếm đoạt, hoặc lạm tiêu vào tài sản có trách nhiệm bảo quản; thậm chí là giả bị bắt cóc tống tiền, gây sức ép với thân nhân gia đình để xin tiền…

Thứ ba, nhằm tạo lý do hợp lý nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm hành chính, kỷ luật… đặt ra với bản thân vì có sai phạm trước đó.

Bản chất hành vi “báo án” về tội phạm hoặc các hành vi vi phạm pháp luật là hành vi “tố cáo”. Cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết tố cáo, phải điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ để giải quyết và có kết luận giải quyết tố cáo. Chính vì điều này, việc hoang báo sẽ tạo ra nhiều phiền phức, khó khăn cho cơ quan chức năng.

Hoang báo gây tốn kém, khó khăn cho cơ quan công an.

Gây ức chế cho công an

Trước hết nó gây lãng phí, tốn kém nhân lực, vật lực. Chẳng hạn, đối với những vụ trình báo đã có tội phạm xảy ra, cơ quan công an phải triển khai ngay các biện pháp cấp bách như tổ chức tiếp nhận thông tin, tiến hành xác minh, lấy lời khai người có đơn, rà soát nhân chứng hiện trường, kiểm tra hiện trường, xác minh đối tượng nghi vấn, thậm chí tổ chức thông báo truy bắt nóng đối tượng theo hướng tẩu thoát (theo mô tả của người có đơn).

Với những vụ báo cháy giả, báo có gây rối trật tự công cộng, nhiều khi cơ quan chức năng phải huy động phương tiện như xe chữa cháy, huy động đông lực lượng xuống hiện trường… mới phát hiện không có sự việc cần giải quyết.

Bên cạnh đó, hoang báo làm nhiễu loạn thông tin gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan chức năng. Khi phải chạy theo giải quyết thông tin giả, đương nhiên về lực lượng và phương tiện phục vụ công tác sẽ bị phân tán. Khi đó nếu có việc thật sự xảy ra, việc giải quyết gặp rất nhiều khó khăn.

Đặc biệt, hoang báo gây ra ảnh hưởng đến tâm lý của cán bộ giải quyết sự việc. Có nhiều vụ “bị hại” chuẩn bị cho việc hoang báo rất kỹ lưỡng, cung cấp thông tin cho cơ quan công an có vẻ rất logic khiến công việc điều tra gặp khó khăn và mất rất nhiều thời gian. Chỉ đến khi cơ quan công an cung cấp đầy đủ các chứng cứ, nhân chứng thu thập được thì “bị hại” mới nhận lỗi, gây ra những ức chế, bức xúc tâm lý đối với người thực thi công vụ.

Việc hoang báo còn tạo nên tâm lý cảnh giác của cán bộ khi tiếp nhận thông tin người dân gọi điện thoại đến. Hiện tượng chậm phản ứng trước thông tin trình báo có thể xuất phát từ việc phải tiến hành kiểm tra.

Theo Trung tá Hiếu, trình báo giả còn khiến cán bộ thực thi nhiệm vụ ức chế, cảnh giác với tin báo.

Xử lý sao?

Hành vi hoang báo là vi phạm pháp luật và người vi phạm bị xử lý theo quy định pháp luật. Điều 8 Luật Tố cáo nghiêm cấm các hành vi cố ý tố cáo sai sự thật; kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; mạo danh người khác để tố cáo; lợi dụng việc tố cáo để xuyên tạc, vu khống, gây rối an ninh trật tự công cộng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; đưa tin sai sự thật về việc tố cáo và giải quyết tố cáo…

Người tố cáo và những người khác có liên quan có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp bị xử phạt hành chính, hành vi tố cáo sai sự thật bị xử lý theo hành vi “báo thông tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013.

Nếu việc báo tin giả, tố cáo sai sự thật có dấu hiệu tội phạm, đủ yếu tố cấu thành tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự, chẳng hạn như tội vu khống thì có thể bị truy cứu hình sự theo luật định.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm