Báo động về số lượng người chết, bị thương do tai nạn giao thông

Trao đổi với chúng tôi về  tình trạng tai nạn giao thông, Đại tá Trần Sơn Hà - Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt đã phải nói như vậy để "làm cho các nhà báo chú ý hơn về một thực tế đang rất bức xúc".

Thống kê của Cục CSGT đường bộ - đường sắt, bình quân mỗi ngày trôi qua lại có hơn 30 người chết và hơn 30 người bị thương do tai nạn giao thông.  Số lượng mỗi tháng có khoảng 1.000 người chết và 1.000 người khác bị thương tật nặng, thậm chí là thương tật vĩnh viễn hậu quả từ những vụ tai nạn giao thông rất đáng phải suy nghĩ và trăn trở.

Theo Cục CSGT đường bộ - đường sắt, trong 6 tháng đầu năm 2010 cả nước đã xảy ra hơn 6.500 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 5.600 người và bị thương hơn 4.800 người. Điều rất đáng chú ý là ngoài những con số thống kê trên còn có hơn 18.000 vụ va chạm giao thông khiến 23.000 người bị thương.

Ngoài những thiệt hại rất lớn về tính mạng, xã hội còn phải gánh chịu hậu quả nặng nề do tai nạn giao thông gây ra. Thượng tá Trần Sơn- Phó phòng Hướng dẫn luật và điều tra xử lý tai nạn giao thông, Cục CSGT đường bộ - đường sắt cho biết: Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á thì Việt Nam mất tới 885 triệu USD/năm cho chi phí tổn thất về người và vật chất do tai nạn giao thông gây ra. Đó là chưa kể đến nguồn nhân lực lớn của ngành Y tế dành cho việc cứu chữa, phục hồi chức năng cho các nạn nhân. Con số thiệt hại này còn cao hơn cả tổng giá trị tiền thuốc sử dụng cho 84 triệu dân trong năm 2005 là 817 triệu USD…

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, trong số các vụ tai nạn giao thông, tỷ lệ các vụ tai nạn giao thông do môtô, xe máy gây ra chiếm tới hơn 70%. Đại diện Cục CSGT đường bộ - đường sắt cho biết: Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm những lỗi vi phạm của người điều khiển môtô, xe máy đang là vấn đề được đơn vị này rất chú trọng. Trong đó riêng về chuyên đề không đội mũ bảo hiểm 6 tháng đầu năm 2010 lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý hơn 940.000 trường hợp vi phạm. Xử lý tạm giữ hơn 394.000 môtô, xe máy vi phạm giao thông…

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã xử lý được vẫn còn khá nhiều lỗi vi phạm là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông chưa được xử lý triệt để. Thiếu trang thiết bị như máy đo tốc độ, máy kiểm tra nồng độ cồn… đồng thời lực lượng thanh tra kiểm soát mỏng, khó có thể cùng lúc kiểm tra tại nhiều tuyến đường đang là những thực tế khiến việc xử lý vi phạm gặp hạn chế….

Và để hạn chế tai nạn giao thông, giảm thiểu thiệt hại do những vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe gắn máy, bên cạnh việc xử lý vi phạm thì việc tuyên truyền pháp luật giao thông cần phải thường xuyên đổi mới với nhiều hình thức cụ thể. Đặc biệt chính quyền địa phương, các ngành, các cấp cần phải thực sự nhập cuộc.

Theo Xuân Luận (CAND)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm