Bắt nhóm lừa tiền tỉ qua điện thoại: Vì sao các nạn nhân 'sập bẫy'?

Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46 - Công an TP.HCM) đã tạm giữ tám nghi can trong đường dây lừa đảo qua điện thoại bằng công nghệ cao (trong đó có sáu người Đài Loan, hai người Việt Nam) vào ngày 30-8.

Mua CMND dỏm mở tài khoản

Các nghi can bị bắt gồm: Chen Guo Liang; Liu Tsung Chih; Chung Chen Wen; Pu Tai You; Vương Khoai Trí; Trần Công Thuận Hiếu và Lê Bảo Sơn. Theo điều tra ban đầu, Liang là “cò” chuyên cung cấp thông tin tài khoản và rút tiền giúp các đường dây lừa đảo. Sau khi qua Việt Nam, Chen thuê Bảo và Hiếu đi thu mua CMND rồi đem về thay ảnh, dán ảnh Bảo và Hiếu. Tiếp theo, Hiếu và Bảo sử dụng CMND này làm thẻ ATM. Mỗi tháng Chen trả cho Hiếu và Bảo 6 triệu đồng tiền lương “cứng”, chưa kể mỗi CMND mua về Chen trả thêm 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Khi các đường dây lừa đảo muốn “rửa tiền”, chúng liên hệ với Chen để có thông tin về tài khoản, sau đó nhờ Chen rút và chuyển ngược lại cho chúng. Mỗi lần thực hiện, Chen được hưởng 20% tiền hoa hồng.

Công an đang đọc lệnh bắt các nghi can lừa đảo qua điện thoại và tang vật thu giữ. Ảnh: ĐN

Chiêu lừa cũ, nạn nhân mới

Trước đó, ngày 29-8, nhiều nạn nhân bị lừa qua điện thoại, thiệt hại hàng trăm triệu đồng đã đến Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46 - Công an TP.HCM) trình báo vụ việc.

Trong đó, bà NTNT (trú phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM) nhận được điện thoại thông báo bà nợ cước điện thoại gần 9 triệu đồng. Bất ngờ trước thông tin trên, bà T. chưa kịp phản ứng gì thì người này nối máy với hai người khác tự xưng là đại úy Nguyễn Duy Ngọc và thượng tá Nguyễn Thanh Sơn là Công an TP Hà Nội để làm việc.

Tiếp đó, bà T. bị hai người này dọa có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy và rửa tiền quốc tế nên bà phải chuyển tiền vào tài khoản mang tên Hồ Văn Hóa và Võ Văn Thái để làm mồi nhử bắt tội phạm, xong việc bà T. sẽ được trả lại tiền.

Trong ngày 16-8, bà T. đã ba lần chuyển hơn 1 tỉ đồng vào tài khoản trên. Đến chiều cùng ngày, nghi bị lừa đảo, bà T. đến công an phường trình báo thì mọi chuyện đã muộn.

Tương tự, ngày 20-8, có số điện thoại lạ gọi đến nhà bà TTTC (trú phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM) thông báo bà đang nợ cước điện thoại 8,6 triệu đồng. Tiếp đó, một người tự xưng là công an và VKSND Hà Nội nghi ngờ bà C. liên quan đến đường dây tội phạm ma túy và rửa tiền mà công an đang điều tra.

Để chứng minh tiền của bà C. là hợp pháp, người này yêu cầu bà C. chuyển tiền vào tài khoản “cơ quan công an” để kiểm tra, sau đó sẽ trả lại. Lo sợ, bà C. chuyển 300 triệu đồng vào tài khoản số 19028174839010 (Ngân hàng Techcombank) mang tên Huỳnh Thanh Phong. Tuy nhiên, hơn một ngày sau, thấy không chuyển tiền trở lại, bà C. đến báo cơ quan công an.

Ngoài ra, trong tháng 8-2014, các đối tượng lừa đảo đã chiếm đoạt của các nạn nhân như bà LTKN (870 triệu đồng), ông ĐTT (600 triệu đồng), bà NTHM (cùng trú phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM) 350 triệu đồng, bà TTDN (trú phường 7, quận Phú Nhuận) bị chiếm đoạt 500 triệu đồng…

ĐÌNH NGUYÊN

Chiếm đoạt hơn 6,4 tỉ đồng

Ngày 29-8, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP.HCM đã tống đạt kết luận điều tra vụ án liên quan đến 10 bị can trong đường dây giả danh công an để lừa đảo qua điện thoại. Các bị can gồm Wu Tung I (41 tuổi, người Đài Loan), Võ Ngọc Bích Hiền (vợ Wu Tung I , ngụ quận 7 ); Hồ Nhật Khánh và Lê Hoàng Tâm (cùng ngụ TP Vĩnh Long); Nguyễn Văn Phúc, Lê Trần Lộc, Phạm Văn Đông, Huỳnh Thị Trinh, Nguyễn Đức Tài (cả năm cùng ngụ Đồng Tháp)…

Theo kết luận điều tra, nhóm bị can này lừa đảo chiếm đoạt với tổng số tiền hơn 6,4 tỉ đồng của 30 bị hại trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận. Ngoài ra, trước khi qua Việt Nam, Wu Tung I đã thực hiện nhiều vụ lừa đảo qua điện thoại tại Thái Lan.

Công an không tùy tiện làm việc qua điện thoại 


Công an TP.HCM từng gửi tin nhắn đến các thuê bao để khuyến cáo nhân dân cảnh giác với loại tội phạm lừa đảo qua tin nhắn này. Cụ thể, sáng 22-7, nhiều thuê bao mobifone bất ngờ nhận được tin nhắn khuyến cáo viề việc lừa đảo qua điện thoại của công an TP.HCM.

Tin nhắn có nội dung như sau: “Công an TP.HCM khuyến cáo nhân dân CẢNH GIÁC với bọn tội phạm gọi điện thoại để lừa đảo, hăm dọa, chiếm đoạt tiền. Cơ quan Công an, Viện kiểm sát khi điều tra vụ án, không tùy tiện thu giữ tiền và làm việc với người dân qua điện thoại. Tuyệt đối KHÔNG chuyển tiền vào tài khoản của người lạ. Đường dây nóng báo tin tội phạm 113”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm