Cần tiếp tục quản lý sau cai

Tháng 8 tới, Nghị quyết 16 của Quốc hội về thí điểm quản lý sau cai nghiện sẽ hết hiệu lực. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Trần Đình Nhã - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh cho biết: Cái vướng hiện nay là TP.HCM còn khoảng 6.000 người thuộc diện quản lý tập trung sau cai nghiện theo Nghị quyết 16. Những người này cần tiếp tục được quản lý tập trung, dạy nghề, tạo việc làm như Nghị quyết 16 cho đến khi Luật Phòng chống ma túy sửa đổi có hiệu lực.

Đảm bảo tính liên tục của việc thí điểm

. Thưa ông, nên xử lý kỹ thuật pháp lý thế nào để đảm bảo sự liên tục, hiệu quả của chương trình quản lý tập trung sau cai mà TP.HCM và một số địa phương đang thí điểm?

Cần tiếp tục quản lý sau cai ảnh 1+ Có thể quy định bằng một điều luật trong Luật Phòng chống ma túy sửa đổi hoặc ra một nghị quyết riêng với hai nội dung: chấm dứt Nghị quyết 16 từ 1-8; riêng những người chưa hết thời gian quản lý tập trung theo nghị quyết này thì tiếp tục thực hiện cho đến khi Luật Phòng chống ma túy sửa đổi có hiệu lực, sau đó áp dụng luật mới.

. Nếu dừng Nghị quyết 16 ngay từ 1-8 thì sẽ gián đoạn quản lý sau cai với những người mới, ít nhất cho đến khi Luật Phòng chống ma túy sửa đổi có hiệu lực. Theo ông nên giải quyết thế nào trong khi số người nghiện mới vẫn có thể phát sinh?

+ Có thể tính tới phương án kéo dài thực hiện Nghị quyết 16 cho đến khi Luật Phòng chống ma túy sửa đổi có nội dung kế thừa nghị quyết này có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, giải pháp này sẽ khá rắc rối về mặt pháp lý, bởi Nghị quyết 16 đã tự định thời gian thí điểm đến 1-8 rồi. Hơn nữa, kế thừa việc quản lý tập trung sau cai như thế nào, Quốc hội vẫn còn tranh cãi, chưa thống nhất. Cho nên nếu có thì giải pháp này cũng chỉ có thể được bàn tới sau khi Quốc hội đã biểu quyết theo hướng tiếp tục quản lý sau cai.

Phương án quản lý linh động

. Kết quả chương trình “ba giảm” ở TP.HCM đã phần nào cho thấy quản lý tập trung sau cai theo Nghị quyết 16 là cần thiết. Theo ông, có thể kế thừa nội dung gì ở Nghị quyết 16 để đưa vào Luật Phòng chống ma túy?

+ Quốc hội đang thảo luận, trong đó có phương án sau thời gian cai nghiện bắt buộc sẽ tiếp tục quản lý người đó 1-2 năm để ngăn ngừa tái nghiện. Nếu Quốc hội biểu quyết theo phương án này thì cũng coi như là sự tiếp nối Nghị quyết 16 trước đây về thí điểm quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm sau cai. TP.HCM có thể căn cứ vào điều khoản này triển khai tiếp chương trình “ba giảm”.

. Nhưng vẫn còn tranh cãi là quản lý sau cai ở cộng đồng hay quản lý tập trung như TP.HCM đang làm. Ông nghiêng theo hướng nào?

+ Tôi thấy khó đưa ra mô hình thống nhất. Tùy tình hình, mức độ phức tạp, số lượng người nghiện mà nơi này tổ chức cai và phòng tái nghiện được, nơi khác lại không hiệu quả. Nhưng nhìn chung, chính quyền cơ sở muốn đưa người nghiện đi cai tập trung, vì chỉ những trung tâm như vậy mới có đủ cán bộ y tế, phương tiện, nhà xưởng để cai và phục hồi chức năng cho người nghiện.

Theo tôi, luật không nên quy định cứng là buộc xã, phường nào cũng phải mở lớp cai nghiện, tổ chức cai nghiện, quản lý sau cai. Cũng như vậy, cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai ở địa phương chỉ nên coi là khuyến nghị. Riêng hình thức cai nghiện bắt buộc và quản lý sau cai tập trung kế thừa Nghị quyết 16 thì phải quy định rõ đối tượng, thủ tục, kể cả ngân sách cho công tác này.

Còn cai nghiện và quản lý sau cai tại cộng đồng không nên giao cho cấp xã. Tối thiểu phải cấp huyện mới đủ nhân lực, vật lực tổ chức.

Cần 1-2 năm

. Đang có ý kiến khác nhau về thời gian quản lý sau cai. Theo ông, bao nhiêu năm là đủ, thưa ông?

+ Tôi chọn phương án 1-2 năm. Cai nghiện và phòng tái nghiện là vấn đề phức tạp. Có người một năm đã là đủ, chắc không tái nghiện nữa. Người khác hai năm cũng chưa ăn thua. Nhưng không thể vì thế mà kéo dài quá lâu việc quản lý sau cai. Tuy nhiên, cũng có ý kiến của nhà khoa học là thời gian nghiện bao lâu thì thời gian cai và quản lý sau cai cũng phải ngần đó mới có thể tự kiểm soát mình. Vì vậy, theo tôi có thể tham khảo cách làm của Trung Quốc. Cũng cai nghiện tập trung 1-2 năm nhưng sau thời hạn đó, các cơ sở cai nghiện lập hội đồng chấm điểm cho từng học viên với hàng loạt căn cứ rất chặt chẽ cả tâm sinh lý. Nếu học viên chưa đạt thì ta cần phải tiếp tục quản lý.

. Xin cảm ơn ông.

TP.HCM: Gỡ khó cho DN đầu tư vào trường cai nghiện

Ông Nguyễn Thành Tài - Phó Chủ tịch UBND TP vừa chỉ đạo giải quyết kiến nghị của những doanh nghiệp đầu tư vào các trường, trung tâm cai nghiện. Theo đó, TP sẽ thành lập nhóm công tác (do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì) đến làm việc với các doanh nghiệp để xem xét những khó khăn của doanh nghiệp và đề xuất UBND TP tháo gỡ khó khăn. Giao Viện Kinh tế cùng các sở ngành liên quan nghiên cứu và đề xuất một số nội dung để gỡ vướng cho các doanh nghiệp này. Việc này dự kiến hoàn tất ngay trong tháng 6.

T.HẰNG

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm