“Căng mình” chờ bão

Phú Yên đến Bình Thuận vào “tầm ngắm”

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương (NHCMF) cho biết tối qua (22-11), sức gió vùng gần tâm bão đã mạnh cấp 12, cách bờ biển Khánh Hòa - Bình Thuận khoảng 370 km về phía đông đông nam.

Sáng nay, gió bão sẽ ảnh hưởng đến vùng biển từ Phú Yên đến Bình Thuận và di chuyển chậm theo hướng tây tây bắc khoảng 5 km/giờ. Đến 16 giờ chiều nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,0 độ vĩ bắc, 111,5 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận khoảng 290 km về phía đông đông nam. Chiều mai (24-11), bão sẽ tác động đến vùng ven biển từ Phú Yên đến Ninh Thuận.

Dự báo hướng di chuyển bão số 7 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương.
Dự báo hướng di chuyển bão số 7 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương.

Do ảnh hưởng của bão, sáng nay vùng biển từ Phú Yên đến Bà Rịa-Vũng Tàu (bao gồm đảo Phú Quý) gió bão sẽ mạnh dần lên cấp 8, cấp 9. Đêm nay tăng lên cấp 11, 12, giật trên cấp 12, biển động dữ dội.

Cùng nhận định với (NHCMF), Trung tâm cảnh báo bão Hải quân Hoa Kỳ (JWTC) dự báo trưa nay bão số 7 sẽ mạnh lên cấp 14, giật cấp 15. Tuy nhiên, JWTC lại cho rằng bão sẽ đổ bộ vào Cam Ranh (Khánh Hòa) vào đêm nay với sức gió cấp 13. Khác biệt nhất là Đài khí tượng Nhật Bản dự báo bão sẽ chếch lên phía bắc và trở ngược ra biển Đông.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan - Phó phòng Dự báo và phục vụ, Đài khí tượng thủy văn Nam bộ cho biết: bão số 7 hiện đang bị tác động bởi hiện tượng tương tác bão đôi, từ cơn bão Mitag ngoài khơi Philippines. Do đó không thể dự báo chính xác vị trí bão đổ bộ. Tuy nhiên với sức gió cấp 12, giật cấp 13, tầm ảnh hưởng của bão đã trên 300 km nên dù chưa vào đất liền nhưng ngày hôm nay, bão đã tác động lên Nam Trung bộ và Nam bộ, gây mưa to, gió mạnh.

Bà Lan cho biết nhận định bão sẽ đổ bộ TP.HCM như một số thông tin trên báo chí hôm qua là chưa đủ cơ sở. TP.HCM sẽ bị tác động bởi rìa tây nam của bão, còn tâm bão nhiều khả năng sẽ hướng vào Nam Trung bộ.

Chiều qua, bão Mitag đã mạnh lên 140 km/giờ (cấp 13), cách thủ đô Manila (Philippines) khoảng 700 km về phía đông. JWTC dự báo sáng mai, bão Mitag sẽ mạnh lên 194 km/giờ (cấp 15), giật 240 km/giờ (cấp 17). Khi vào biển Đông nước ta vào ngày 26-11, bão suy yếu còn cấp 12.

Chống bão lẫn triều cường

Từ hôm qua, các địa phương khu vực Nam Trung bộ và Nam bộ đã tập trung các phương án chống bão. Tỉnh Ninh Thuận đã huy động hơn 1.800 áo phao, 83.000 nhà bạt, 63.000 bao cát để giúp dân chèn mái nhà, chuẩn bị đối phó với bão.

Tại Bình Thuận, hơn 7.500 tàu thuyền đã neo đậu tại các cửa biển. Hiện vẫn còn một tàu đánh cá của tỉnh đang lênh đênh trên khu vực biển Năm Căn, Cà Mau do bị hỏng máy với 10 thuyền viên. Bộ đội biên phòng tỉnh đã liên lạc qua bộ đàm với tàu này và tìm cách kéo tàu về Cà Mau.

Lúc 12 giờ trưa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công điện khẩn yêu cầu: các địa phương, sở ngành sẵn sàng kế hoạch di dời dân (khoảng 20.000 người); đề phòng các công trình thủy lợi bị sự cố. Chuẩn bị đủ cơ số thuốc chữa bệnh và lương thực, phương tiện đủ ứng cứu ít nhất trong bảy ngày.

Theo cảnh báo của Ban phòng chống lụt bão TP.HCM, tình trạng ngập nặng sẽ xảy ra tại các quận, huyện: 6, 8, 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh. Các quận, huyện đang chuẩn bị kè lại những đoạn, tuyến đê bao xung yếu. Ban phòng chống lụt bão giao các cơ quan liên quan tháo dỡ các biển quảng cáo, áp phích có nguy cơ gãy đổ. Các lực lượng quân đội, công an, y, bác sĩ nhận lệnh trực chiến 24/24 giờ.

Huyện Cần Giờ đã có phương án di dời 2.700 hộ dân (gần 10.500 người) nếu bão số 7 ảnh hưởng trực tiếp đến địa phương. Tại xã đảo Thạnh An, dự kiến sẽ đưa 2.340 người sống ở vùng trũng thấp, ven sông, gần tuyến đê biển, sang tránh bão tại thị trấn Cần Thạnh.

Các xã có hộ dân sống ven sông, ven biển... nơi nguy cơ sạt lở cao gồm Lý Nhơn, Long Hòa, Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông, Bình Khánh, có đến 1.361 hộ (gần 5.400 dân) cũng được lên kế hoạch di dời. Ba địa điểm chính tiếp nhận dân đi tránh bão là Liên đoàn Lao động huyện, Nhà thiếu nhi huyện và Trường THPT Cần Thạnh...

Chiều qua, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã thông báo cho tất cả học sinh trên địa bàn tỉnh nghỉ học vào chiều mai (23-11 ) và ngày 24-11.

Chiều hôm qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi UBND các tỉnh từ Quảng Nam đến Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM, trọng tâm là Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và các bộ ngành liên quan yêu cầu xác định các trọng điểm, vùng nguy hiểm để đối phó khi bão đổ bộ vào bờ và tình hình mưa lũ lớn gây ngập lụt. Không để người ở lại nhà tạm, nhà yếu có thể tốc mái, sập đổ khi bão to gió lớn. Việc sơ tán dân tại các vùng xung yếu, nguy hiểm, cửa sông, ven biển phải hoàn thành trước khi bão đổ bộ vào.

Đảo Phú Quý trước giờ “G”

Sáng nay (23-11), trực thăng của Bộ Quốc phòng sẽ tiếp cận Phú Quý.

Dù chưa xác định được vị trí đổ bộ của tâm bão nhưng suốt ngày hôm qua, đảo Phú Quý đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ trung ương đến địa phương. Hai tàu đánh cá của huyện đảo dù đã di chuyển vào nơi tránh bão tại cảng Phú Quý nhưng vẫn bị chìm do gió giật mạnh và bị va đập vào các tàu thuyền khác. Anh Nguyễn Văn Tài (33 tuổi) ngụ xã Ngũ Phụng, thuyền viên trên một chiếc tàu bị rớt xuống biển và mất tích. Ngoài ra, một chiến sĩ bộ đội biên phòng đã bị thương khi tham gia cứu hộ hai chiếc tàu này.

Từ đất liền, rút kinh nghiệm từ việc “quên” chỉ đạo và dự báo cho Phú Quý trong bão Durian, bản tin của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương đã liên tục nhắc đến Phú Quý trong dự báo bão. UBND tỉnh Bình Thuận đã lập tổ công tác đặc biệt do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thu chỉ đạo việc chống bão cho Phú Quý. Bộ Quốc phòng cũng đã đồng ý cho trực thăng đưa tổ công tác ra đảo.

Để tránh tình trạng tàu bị sóng đánh vỡ do đậu quá dày, sáng qua, sau khi đưa được 500 tàu cá vào vị trí trú ẩn, Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Văn Hưng đã ký công lệnh yêu cầu 110 tàu trên 45 CV rời đảo, chạy vào Mũi Né và Phan Thiết để nấp bão.

Tàu cá đã vào bờ nhưng sóng lớn đã làm kẹt các chuyến tàu khách ra đảo từ Phan Thiết. Giá thực phẩm như rau, cá, thịt heo đã tăng thêm 50%. Ông Nguyễn Văn Hiện, Chánh văn phòng UBND huyện, cho biết thực phẩm và xăng dầu trên đảo còn đủ dùng cho 10 ngày. Nhưng nếu bão Mitag vào biển Đông, có khả năng đảo sẽ lâm vào tình trạng thiếu thốn.

VIỄN SỰ

Lập Ban chỉ đạo tiền phương chống bão

Hôm qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lập Ban chỉ đạo tiền phương chống bão đặt tại Phan Thiết, Bình Thuận do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm trưởng ban.

21giờ tối qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có cuộc họp khẩn với đại diện các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu để nghe các địa phương báo cáo tình hình phòng chống cơn bão số 7 và chỉ đạo các hướng tiếp theo để ứng phó với bão. Phó Thủ tướng đánh giá ba tỉnh đã chuẩn bị tốt công tác phòng, chống bão.

Ông đặc biệt lưu ý các tỉnh phải chuẩn bị lương thực, thuốc men cho dân; kiên quyết kêu gọi tàu thuyền vào bờ và kiên quyết cưỡng chế những người không chấp hành. Khi di dời dân cần tránh thiệt hại về tài sản và người. Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các tỉnh trên đặc biệt chú ý các hồ thủy lợi, thủy điện; chú ý mưa trong bão và sau bão, đề phòng xảy ra lũ lớn.

PN

NHÓM PHÓNG VIÊN VÀ CTV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm