Chuyện lạ ở TPHCM: Khai tử mẹ đẻ đang sống

Khai tử mẹ, từ chối anh em

Vụ việc xuất phát vào ngày 14/10/2010, tại phòng công chứng số 7, TPHCM. Bà Nguyễn Thị Liễu (sinh 1913) và ông Nguyễn Văn Tư (sinh 1954) đã cùng ký vào “văn bản đề nghị nhận thừa kế” căn nhà và QSDĐ tại địa chỉ số 78/36 Tân Hòa Đông, P.14, Q.6, TPHCM. Theo đó, bà Liễu xác nhận là con của ông Nguyễn Văn Hóa và bà Võ Thị Thu - đều đã chết (ông Hóa chết 1940, bà Thu chết 1948). Còn ông Tư xác nhận là con của bà Nguyễn Thị Ngọc và ông Nguyễn Văn Sang. Ông Tư là cháu ngoại của ông Hóa và bà Thu.

Chuyện lạ ở TPHCM: Khai tử mẹ đẻ đang sống ảnh 1

Cụ bà Nguyễn Thị Ngọc dù đang sống khoẻ mạnh nhưng đã được con trai cho ..."chết" từ 10 năm trước. Ảnh: H.H

Theo nội dung văn bản trên, vợ chồng ông Hóa - bà Thu có tất cả 7 người con (trong đó có bà Nguyễn Thị Ngọc), thì 6 người (có bà Ngọc) đều đã chết, chỉ còn lại duy nhất bà Liễu. Riêng bà Ngọc, ông Tư khai bà Ngọc đã chết ngày 26/2/1992, có bản sao giấy chứng tử số 15, do UBND P.14, Q.6, cấp ngày 8/7/2010. Cha mẹ ông Hóa và bà Thu đã chết trước; ông Hóa - bà Thu không có cha mẹ nuôi, con nuôi.

Với bà Nguyễn Thị Ngọc, văn bản trên ghi bà Ngọc “có chồng là ông Nguyễn Văn Sang (chết năm 1983, bà Ngọc không tái giá), bà Ngọc có 1 (một) người con duy nhất là ông Nguyễn Văn Tư, bà Ngọc không có con nuôi. (Theo cam kết có xác nhận của địa phương đính kèm)”(?!). Với các chi tiết trên, bà Liễu và ông Tư đã tự nhận: “Ngoài chúng tôi ra, ông Nguyễn Văn Hóa, bà Võ Thị Thu và bà Nguyễn Thị Ngọc không còn người thừa kế nào khác”.

Từ đó, bà Liễu và ông Tư xin chính quyền, cơ quan chức năng cho nhận thừa kế căn nhà và QSDĐ tại số 78/36 Tân Hòa Đông, P.14, Q.6, TPHCM. Ngay sau khi nhận thừa kế căn nhà trên, bà Liễu và ông Tư đã bán căn nhà trên cho ông Nguyễn Phước Thành vào ngày 26/11/2010.

Tuy nhiên, vụ việc trên đã bị vỡ lở, khi bà Nguyễn Thị Ngọc (sinh 1926) vác đơn đến các cơ quan công quyền TPHCM tố cáo con trai ruột là ông Nguyễn Văn Tư đã dám khai tử mẹ, chỉ nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của gia tộc cùng chị gái bà Ngọc là bà Nguyễn Thị Liễu. Bên cạnh đó, bà Ngọc cũng cho biết bà có 3 người con là Nguyễn Văn Rớt, Nguyễn Văn Tư và Nguyễn Thị Bông. Vậy mà ông Tư đã gian dối khai với cơ quan chức năng rằng bà Ngọc chỉ có duy nhất một người con là ông Tư, từ chối anh trai (ông Rớt) và em gái (bà Bông), để một mình chiếm đoạt tài sản thừa kế...

Bên cạnh đó, trong văn bản đề nghị nhận thừa kế, bà Liễu và ông Tư còn lừa bịp cơ quan chức năng, khi cho rằng 5 người con khác của ông Hóa – bà Thu, gồm: Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Thị Đào, Nguyễn Thị Tây, Nguyễn Thị Sáu và Nguyễn Văn Châu, đều đã chết và độc thân. Trong khi trên thực tế, bà Tây có chồng và 3 người con; bà Sáu cũng có chồng và 2 người con. Tất cả những người này đều được quyền thừa kế tài sản như luật định.

Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Tiếp xúc bà Ngọc ngay tại nhà con trai cả Nguyễn Văn Rớt vào ngày 10/6, bà Ngọc chỉ cho chúng tôi xem từng câu chữ trên “giấy chứng tử” (bản sao) của mình. Bà Ngọc nói: “Tôi vẫn sống chung với vợ chồng, con cái thằng Tư tại nhà 70 Tân Hòa Đông, P.14, Q.6, do tôi đứng tên chủ quyền; song suốt thời gian dài, tôi không hề hay biết con trai đã khai tử tôi từ cách đây 10 năm. Giờ phát sinh thừa kế nhà ông bà ngoại nó để lại, tôi mới té ngửa mình đã bị con trai cho... chết từ năm 1992”.

Chuyện lạ ở TPHCM: Khai tử mẹ đẻ đang sống ảnh 2

Thật vậy, “giấy chứng tử” ghi rất rõ bà Nguyễn Thị Ngọc (sinh 1926) đã chết ngày 26/2/1992, nơi chết “tại nhà” và nguyên nhân chết là do “bệnh già”(?). Giấy chứng tử có số 15, quyển số 01/92, đăng ký tại UBND P.14, Q.6, TPHCM. Người ký giấy chứng tử là Trần Thị Thúy Nga. Bản sao được sao từ sổ đăng ký chứng tử, do ông Nguyễn Vĩnh Ngân – Phó Chủ tịch  UBND P.14, Q.6, ký tên và đóng dấu ngày 8/7/2010. Có dấu hiệu của tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, nên xuất hiện hành vi làm giả tài liệu “giấy chứng tử”, khai tử người đang sống là bà Ngọc...

Dấu hiệu này càng rõ ràng hơn, khi con gái bà Ngọc là bà Nguyễn Thị  Bông gửi đơn xin UBND P.14 xin trích lục “giấy chứng tử” của mẹ mất ngày 26/2/1992, nhưng UBND P.4 đã có công văn trả lời ngày 22/10/2011 rằng “không tìm thấy tên Nguyễn Thị Ngọc trong sổ bộ khai tử năm 1992”. Như vậy, cơ sở nào mà ông Nguyễn Vĩnh Ngân – Phó Chủ tịch UBND P.14 - lại xác nhận trên bản sao “giấy chứng tử” của bà Ngọc vào ngày 8/7/2010, tạo điều kiện cho ông Tư chiếm đoạt tài sản thừa kế của gia tộc.    

Theo quy định, trước khi chứng thực, cán bộ công chứng phải trích lục hồ sơ xem có đúng hoàn toàn với bản công chứng do người dân mang đến hay không. Nếu đúng thì ký xác nhận. Nếu cán bộ công chứng  làm không đúng quy trình này là sai. Trong trường hợp trên, chưa rõ chữ ký và dấu xác nhận là thật hay giả. Hiện vụ việc đã được chuyển đến cơ quan CSĐT quận 6 làm rõ. (Bà Lê Thị Hiệp – Trưởng phòng Tư pháp quận 6, TPHCM).

Theo Cao Nguyễn Hoàng Hưng (Lao động)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm