'Cướp giật khiến người dân khủng hoảng'

“Người dân ra đường phải xem hôm nay mây có đen, có mưa hay không, chạy xe như thế nào, có nguy hiểm không. Và đặc biệt là cướp giật, điều này là một phần nguyên nhân khiến khách du lịch không quay trở lại. Cướp giật khiến người dân khủng hoảng. Để phòng chống được tình trạng cướp giật chúng ta phải thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ”.

Đó là phát biểu của ông Nguyễn Tấn Tài, Ủy viên Ban Thường vụ - Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy quận 10 tại hội nghị “thực trạng và giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm cướp giật tài sản trên địa bàn” do VKSND quận 10 (TP.HCM) tổ chức vào hôm nay 28-10.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến phân tích về những tồn tại mang tính chủ quan khiến tình hình tội phạm cướp giật khó kiểm soát. Trước hết là việc quản lý nhà nước. Cụ thể, đó là việc quản lý nhân, hộ khẩu còn yếu cả về người nhập cư và người có hộ khẩu thường trú; quản lý nhà nước về đăng ký, chuyển nhượng xe mô tô, xe máy còn lỏng lẻo; sơ hở trong quản lý các tiệm cầm đồ và đặc biệt là việc tổ chức tái hòa nhập cộng đồng với những người từng thụ án chưa được quan tâm nên tỉ lệ tái phạm cao.
Ông Hoàng Nam Bắc, Phó Viện trưởng VKSND quận 10, cũng nêu ra những bất cập về chế tài của tội cướp giật tài sản. Theo nguyên tắc, tội phạm càng nghiêm trọng thì chế tài càng nghiêm khắc. Tuy nhiên so sánh phần chế tài của tội cướp giật tài sản, tại khoản 1, đến khoản 4 có sự bất hợp lý. Khoản 1: “bị phạt tù từ một năm đến năm năm…”; khoản 2: “ba  năm đến 10 năm…”; khoản 3: “bảy năm đến 15 năm…”…
Thực tế áp dụng, rất nhiều trường hợp người phạm tội bị truy tố xét xử ở khoản 2 sẽ phải chịu hình phạt là ba năm tù, nhẹ hơn người phạm tội bị truy tố, xét xử ở khoản 1 có thể phải chịu hình phạt là năm năm tù, tương tự với khoản 3 và 4. Quy định này tạo ra sự thiếu thống nhất trong quá trình áp dụng pháp luật, hậu quả là tạo nên một sự không cân bằng, dẫn đến pháp luật không được tôn trọng, không được thực hiện nghiêm minh.
Bên cạnh đó, chế tài trong khung hình phạt có khoảng cách khá lớn, từ bảy đến tám năm: khoản 2 “từ ba năm đến 10 năm…” khoảng cách là bảy năm; khoản 3: “từ bảy năm đến 15 năm” khoảng cách là tám năm… và những bất cập này vẫn chưa được sửa đổi trong Bộ luật Hình sự 2015.

'Cướp giật khiến người dân khủng hoảng' ảnh 1
Thượng tá Võ Văn Liêm (Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an quận 10) đề xuất lắp đặt thêm hệ thống camera an ninh để chống cướp giật. 

Tại hội nghị, Thượng tá Võ Văn Liêm (Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an quận 10) cho rằng tình trạng cướp giật trên địa bàn quận 10 đe dọa tài sản, tính mạng của người dân lưu thông. So với trước đây là các băng nhóm phân chia cát cứ thì hiện nay cướp giật đều là các đối tượng cơ hội. Phạm tội nhiều khi chỉ vì thiếu tiền chơi game, mua ma túy… đối tượng gây án có thể chưa có tiền án có thể là sinh viên. Nhưng khi truy bắt thì chống trả rất quyết liệt.
“Để quản lý kéo giảm tội phạm cướp giật cần có sự chung tay của các cấp, các ngành và cả người dân. Bên cạnh đó, phải tạo điều kiện tái hòa nhập cho người từng vi phạm. Thiết đặt các hệ thống camera an ninh tại các tuyến đường trọng điểm bởi đây vừa có tác dụng cảnh báo vừa có tác dụng làm bằng chứng khi truy bắt, xử lý tội phạm” - ông Liêm nói.
Theo đó, nhiều giải pháp đã được đưa ra như kiểm soát chặt chẽ việc quản lý nhân, hộ khẩu; tuyên truyền vận động người dân tham gia phòng, chống tội phạm, khen thưởng kịp thời cho những người dân tham gia bắt cướp, lập thành tích...
Theo số liệu thống kê, số vụ cướp giật diễn ra trên địa bàn quận 10 giảm về số vụ và số bị can. Cụ thể từ năm 2012 đến sáu tháng đầu năm 2016, số vụ án cũng như số bị can bị khởi tố về tội cướp giật tài sản chiếm tỉ lệ cao so với số vụ án và số bị can bị khởi tố.

Theo ghi nhận, phần đa các vụ cướp giật được gây ra bởi nam thanh niên (98,6%) nữ giới đa phần phạm tội ở vai trò đồng phạm, giúp sức. Độ tuổi của các bị can thường từ 18 đến dưới 30 tuổi chiếm tỉ lệ cao (79%) và 89,9% các bị can không có nghề nghiệp.

Theo ông Hoàng Nam Bắc, Phó Viện trưởng VKSND quận 10, đặc trưng của tội phạm cướp giật tài sản là nhanh chóng chiếm đoạt rồi tẩu thoát nên thường sử dụng xe mô tô phân khối lớn làm phương tiện phạm tội.
“Phần lớn các loại xe này đã mua bán qua nhiều chủ sở hữu, không sang tên, không rõ nguồn gốc hoặc sử dụng biển số giả, bẻ cong biển số…” - ông Bắc nói.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm