'Đút túi' hàng tỉ đồng bằng việc gắn chip gian lận vào cây xăng

Ngày 17-5, một nguồn tin cho biết Công an TP Hà Nội vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến VKSND cùng cấp đề nghị truy tố các bị can trong vụ gắn chíp gian lận tại cửa hàng xăng dầu số 436 Trần Khát Chân (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào tháng 12-2015 vừa qua.

16 bị can bị khởi tố để điều tra về hành vi lừa dối khách hàng, bao gồm: Hồ Trọng Tuấn (43 tuổi, trưởng phòng thị trường Công ty CP Xăng dầu chất đốt Hà Nội), Nguyễn Thị Hồng Hạnh (50 tuổi, cửa hàng trưởng cửa hàng xăng dầu số 436 Trần Khát Chân), Trần Thanh Trình (36 tuổi, cửa hàng trưởng cửa hàng xăng dầu Yên Viên) cùng hàng loạt các bị can khác.

Cửa hàng xăng dầu 436 Trần Khát Chân từng nhiều lần bị phát hiện gian lận.

Theo kết luận điều tra, cửa hàng xăng dầu số 436 Trần Khát Chân thuộc Công ty CP Xăng dầu chất đốt Hà Nội, do Nguyễn Thị Hồng Hạnh làm cửa hàng trưởng từ tháng 7-2011.

Khoảng tháng 4-2014, Trần Thanh Trình cùng Nguyễn Mạnh Hà (nhân viên cây xăng) đã đặt vấn đề gắn chip điện tử vào cột bơm xăng để "ăn bớt" của khác hàng và được Hạnh đồng ý. Sau đó, các nhân viên tại cây xăng này cùng nhau "hùn" tiền và nhờ Hồ Trọng Tuấn tìm hộ người mua, gắn các con chip vào cột bơm.

Để quá trình gian lận "vận hành" trơn tru, toàn bộ nhân viên của cửa hàng đều được hướng dẫn cách sử dụng, tỉ lệ “ăn bớt” xác định là 5%. Tại mỗi ca làm việc, nhân viên có trách nhiệm sử dụng điều khiển để bật chip, bơm xăng ra chai tiêu chuẩn để kiểm tra hoạt động của chip.

Đến tháng 5-2015, Trần Thanh Trình được điều động về làm cửa hàng trưởng cửa hàng xăng dầu Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội). Tại đây, Trình tiếp tục sử dụng “ngón nghề” của mình bằng việc mua chip điện tử gắn vào các cột bơm xăng hòng gian lận của khách hàng. Số xăng dầu “ăn bớt” được Trình đem bán cho một cửa hàng xăng dầu ở TP Bắc Ninh (Bắc Ninh) với giá thấp hơn giá thị trường khoảng 2.200 đồng/lít.

Ngày 24-12-2015, hành vi gian lận tại hai cây xăng nói trên đã bị lực lượng chức năng phát hiện. 

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận đã hưởng lợi bất chính hàng tỉ đồng từ việc gian lận xăng của khách hàng. Trong đó, người được hưởng nhiều nhất lên tới 200 triệu đồng, người ít nhất từ 3-5 triệu đồng/tháng.

Riêng tại cây xăng Yên Viên, do cửa hàng này chưa bị xử lý hành chính về hành vi lừa dối khách hàng nên không đủ yếu tố cấu thành tội lừa dối khách hàng. Do đó, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định tách hồ sơ vụ án, chuyển hồ sơ đến Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đề nghị xử lý hành chính, đồng thời xem xét xử lý hơn 2.000 lít dầu còn tồn trong kho mà các đối tượng đã chiếm đoạt.

Trước khi bị đề nghị truy tố, 16 bị can đã tự nguyện nộp tổng số tiền hơn 1,6 tỉ đồng hưởng lợi bất chính từ việc gắn chip gian lận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm