Ghi nhận ở ngày công bố quyết định đặc xá: Bước chân lương thiện

Nhiều năm trước, anh Đào Văn Nhương bị tai nạn buộc phải cưa một chân. Buồn rầu tình cảnh của mình, anh sinh ra rượu chè và gây gổ với người thân. Năm 1995, sau khi uống rượu say về bị anh rể la rầy, Nhương đã chụp lấy dao đâm chết người anh rể và bị xử tù 18 năm.

Giã từ quá khứ lỗi lầm

Những ngày đầu tiên vào trại, thân thể không còn nguyên vẹn, cộng thêm án tù dài đằng đẵng, Nhương buông xuôi, coi như cuộc đời chấm dứt. Thấu hiểu hoàn cảnh của anh, cán bộ quản giáo hết lòng động viên, quan tâm. Từ từ anh bình tâm trở lại và cố gắng cải tạo, tìm niềm vui trong lao động. Hàng năm, đến thời hạn được xét giảm án, anh đều nằm trong danh sách. Cuối cùng, ngày về đã trở thành hiện thực khi anh được Chủ tịch nước xét đặc xá, tha tù trước thời hạn năm năm. Anh tâm sự: “Hơn 40 tuổi rồi mà chưa vợ chưa con, người không được lành lặn, thời gian xa cách xã hội quá lâu thì việc tái hòa nhập sẽ rất khó khăn. Nhưng dù khó khăn đến mấy cũng phải cố gắng làm người lương thiện trong quãng đời còn lại”.

Chị Hoàng Thu Hương (25 tuổi) từng có một tuổi thơ thiếu tình thương của cha khi ông theo người phụ nữ khác. Người mẹ một mình nuôi con bằng tất cả tình yêu thương và niềm hy vọng. Rồi Hương đỗ đại học nhưng sau khi người yêu đầu đời mất đi bởi một tai nạn, cô cũng chán nản xa rời giảng đường, lao vào những cuộc vui. Cô lấy chồng là một kỹ sư, có cuộc sống bình yên nhưng lại thấy như bị giam hãm. Hương vào TP.HCM làm ở câu lạc bộ bida. Khi phát hiện mình có thai, lo lắng cho những ngày bấp bênh trước mắt, cô đã phạm sai lầm là lấy đi số tiền lớn của câu lạc bộ.

Hương kể: “Ngày nhập trại Thủ Đức, có thêm con gái bé nhỏ cùng tôi đối mặt lỗi lầm của mình. Nhìn con cựa quậy trong tay tôi hồn nhiên, tôi không thể yên lòng. Thế nhưng nhờ sự quan tâm của ban giám thị trại, tôi và con được ở chung với các phạm nhân có con nhỏ khác. Con tôi được sự quan tâm, chăm sóc của ban giám thị làm tôi yên tâm cải tạo. Cuối cùng, ước mong của tôi đã trở thành hiện thực khi được nhà nước xét đặc xá, tha tù trước thời hạn. Tôi xin hứa sẽ làm công dân lương thiện, không bao giờ tái phạm...”.

Tình người

Rời cổng trại, tôi thấy trung tá Nguyễn Văn Thành, cán bộ quản giáo, khoác vai anh Nguyễn Hưng Đạt, người vừa được đặc xá. Đạt phạm tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, được tha tù trước thời hạn hơn ba năm.

Anh Đạt nói: Trung tá Thành không chỉ là cán bộ quản giáo mà còn là người thầy của tôi. Ngày trước, tôi có nghề ngỗng gì đâu. Khi vào đây nhờ thầy Thành chỉ cho tôi biết làm nhiều nghề. Giờ tôi có thể làm đậu hũ, chăn nuôi, giết mổ gia súc. Anh Đạt cho biết nhờ gia đình sẽ mở cơ sở làm đậu hũ để bỏ mối ngoài chợ... Trung tá Thành, người có 25 năm làm công tác quản giáo, cho biết: “Tôi rất tự hào về công việc của tôi. Họ phạm tội nhưng họ vẫn là con người. Công việc của chúng tôi là giúp đỡ, tạo mọi điều kiện tốt nhất để họ cải tạo, lao động trở thành người lương thiện, sớm trở về đoàn tụ với gia đình. Niềm vui của Hưng hôm nay cũng là niềm vui của tôi”...

Sẽ cố gắng cải tạo tốt để được đặc xá

Trong niềm vui của những người vừa được đặc xá, có những người vẫn tiếp tục thụ án. Họ nhìn thấy niềm vui đặc xá như một cái đích để phấn đấu lao động, cải tạo. Phạm nhân Phạm Thành Giang, thụ án tám năm tù về tội mua bán ma túy, kể:

“Tôi từng là sinh viên đại học nhưng vì ma lực đồng tiền, bất chấp tất cả lời khuyên nhủ của người thân lao vào mua bán ma túy. Đã có nhiều lúc tôi tuyệt vọng nhưng may mắn cán bộ quản giáo đến động viên, vực dậy. Dù không được đặc xá lần này nhưng tôi không buồn mà tôi càng cố gắng lao động cải tạo tốt. Tôi hiểu rằng đặc xá sẽ còn tiếp tục, cơ hội sum họp với gia đình sẽ luôn mở rộng với các phạm nhân!”.

TRUNG DUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm