Giá nước tăng hai lần?

Ông Lý Chung Dân, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), cho biết sau buổi góp ý về việc điều chỉnh giá nước sạch tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Sawaco đã điều chỉnh về định mức và giá vượt định mức đối với nước phục vụ sinh hoạt.

Giá tăng

Ông DIỆP KỲ DIÊN (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận 11):

Tính theo hộ, tôi sẽ tách khẩu

Hai người con của tôi hiện đã lập gia đình nhưng chúng tôi vẫn ở chung nhà. Với cách tính hiện nay, gia đình tôi được hưởng định mức là 32 m3/tháng (tám người). Nếu giá nước được tính theo hộ thì định mức gia đình tôi sẽ giảm đi một nữa, chỉ còn 16 m3/tháng. Nếu áp dụng cách tính theo hộ thì chúng tôi sẽ tách thành ba hộ. Khi đó, tám người trong gia đình tôi sẽ được hưởng tổng định mức là 48 m3/tháng. So với bây giờ, ngành nước sẽ không có lợi.

Theo ông Dân, phương án mới nhất là định mức nước dùng cho sinh hoạt được điều chỉnh tăng thêm 6 m3/hộ/tháng (từ 10 m3 tăng thành 16 m3). Trong định mức này, giá nước là 3.600 đồng/m3, nếu vượt thì tính 8.000 đồng/m3. Còn giá nước tính cho các mục đích sử dụng khác, đối tượng khác vẫn không thay đổi so với phương án đã trình trước đó. Cụ thể, khu dân cư tập trung, chung cư, khu lưu trú công nhân là 4.800 đồng/m3 (chiết khấu 10% trên hóa đơn tiền nước); đơn vị sản xuất kinh doanh, cơ quan hành chính sự nghiệp, đoàn thể là 8.000 đồng/m3; đơn vị kinh doanh dịch vụ là 13.400 đồng/m3; các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất là 7.200 đồng/m3 và khu thương mại, dịch vụ là 12.100 đồng/m3.

Ông Dân cho hay giá nước trên có sự bù giá giữa các đối tượng sử dụng. Tuy vậy, nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt chiếm rất cao (khoảng 68%). Do đó việc bù giá chỉ thể hiện được trong phạm vi nhất định chứ không thể lấy giá của nhóm kinh doanh, dịch vụ (một lượng nhỏ, chưa được 11%) bù cho nhóm sinh hoạt với tỷ lệ quá lớn. Ngoài ra, Sawaco chỉ điều chỉnh tăng ở nhóm sinh hoạt sử dụng vượt định mức (từ 6.500 đồng lên 8.000 đồng/m3) là cũng nhằm để người dân sử dụng nước tiết kiệm hơn.

Định mức lại giảm

Lần này Sawaco cũng đề nghị thay đổi cách tính giá nước, tính theo hộ khẩu chứ không theo nhân khẩu như hiện nay. Định mức mỗi hộ được hưởng sẽ là 16 m3/hộ/tháng. Ông Dân giải thích: “Theo chuẩn chung, một hộ có bốn người, trung bình mỗi người được hưởng định mức 4 m3/người/tháng. Theo cách này, Sawaco sẽ không phải yêu cầu người dân cung cấp sổ hộ khẩu hay giấy đăng ký tạm trú”.

Theo bà Vũ Thị Hồng, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển đô thị - Viện Kinh tế TP, nếu tính theo định mức nhân khẩu như hiện nay, Sawaco sẽ khó kiểm soát khi người dân thay đổi chỗ ở. Việc tính định mức theo hộ sẽ giải quyết được vấn đề trên và tiến tới cung cấp nước sạch đối với từng nhà. Tức là ở đâu có nhà, ở đó được cung cấp nước sạch.

Tuy vậy, cách này sẽ dẫn đến thiếu công bằng đối với các hộ đông người. Giám đốc một công ty cấp nước thuộc Sawaco nói: “Với những gia đình khá giả, họ có đủ điều kiện để tách hộ và rất thoải mái sử dụng nước trong định mức. Trong khi người dân nghèo, gia đình không có điều kiện ra riêng sẽ bị thiệt thòi”.

Ông Lê Văn Hoàng, Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại TP.HCM, cũng nhận xét: “Việc tính theo cách mới (theo hộ) sẽ làm giảm định mức đối với nhiều hộ, đồng nghĩa với việc tăng giá nước thêm một lần nữa”.

Ùn ùn rủ nhau... tách hộ?

Ông NGUYỄN VĂN LÝ, Phó Giám đốc Công ty Điện lực TP.HCM:

Kiến nghị tính giá điện sinh hoạt theo nhân khẩu

Tình trạng tách một hộ thành nhiều hộ đang có chiều hướng gia tăng, nhất là khi Luật Cư trú có hiệu lực. Việc tính định mức đối với hộ sử dụng điện cho nhu cầu sinh hoạt như hiện nay là chưa hợp lý. Công ty Điện lực TP đã kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam tính lại định mức dựa trên cơ sở nhân khẩu thay vì theo hộ khẩu.

Gia đình anh Nguyễn Văn Hùng (cư xá Đống Đa, phường 14, quận 10) hiện có chín người (ba thế hệ). Sắp tới, nếu tính định mức nước theo hộ thì anh sẽ xin tách hộ. Anh Hùng than: “Hàng hóa thông thường nếu mua càng nhiều thì càng được khuyến mãi, giảm giá nhiều. Nhưng điện, nước xài nhiều thì bị tính tiền càng cao...”.

Suy nghĩ tách hộ để hưởng thêm định mức như anh Hùng không phải là hiếm. Hiện tại, TP.HCM đã có nhiều gia đình tách hộ, thậm chí tách thành bốn, năm hộ tại một địa chỉ để tăng thêm định mức điện (ngành điện tính giá điện sinh hoạt theo hộ). Ông Phạm Văn Duyên, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận 11, cho biết: đa số người dân trong quận không đồng tình với việc tính giá nước theo hộ. Họ là lao động nghèo, mỗi gia đình có hai, ba thế hệ sống chung. Nếu mỗi tháng chỉ có 16 m3/hộ thì sẽ không đủ nước để xài. Vả lại nếu người dân rủ nhau tách hộ thì bản thân ngành nước cũng sẽ không có lợi vì quá ít trường hợp xài vượt định mức. Cạnh đó, ngành công an cũng sẽ bị tăng áp lực trong việc... cấp mới, quản lý hộ khẩu.

Theo ông Dân, trong bốn năm nay, giá cả mọi thứ đều tăng làm hoạt động của Sawaco bị ảnh hưởng. Nghị định 117 vừa có hiệu lực nêu rõ: hoạt động cấp nước chịu sự kiểm soát của nhà nước, có xét đến hỗ trợ cho người nghèo, khu vực khó khăn và ngân sách sẽ cấp bù cho đơn vị cấp nước. Tuy nhiên, Sawaco hiện là doanh nghiệp kinh doanh, ngân sách thành phố không thể cấp bù từ ngân sách như lâu nay. UBND TP đã yêu cầu xây dựng lại giá nước sạch, không sớm thì muộn cũng tăng giá. Vấn đề còn lại là việc cân nhắc mức giá, cách tính như thế nào cho phù hợp.

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm