Góp ý sửa đổi BLTTHS: Phải có phiên tòa tranh tụng thật sự

Các số báo liên tiếp gần đây, Pháp Luật TP.HCM đã đăng tải rất nhiều ý kiến tâm huyết góp ý sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Kỳ này, chúng tôi đã trao đổi với ông Bùi Hoàng Danh, Chánh án TAND TP.HCM (ảnh) xung quanh chức năng xét xử của tòa khi sửa luật.

Ông Danh nói BLTTHS 2003 vẫn còn mang dáng dấp của thời bao cấp nên cần thiết phải sửa đổi trong tình hình hiện nay. Không chỉ sửa riêng BLTTHS, cũng cần sửa luôn cả BLHS hiện hành và các luật khác mới phù hợp bởi luật quy định về hình thức phải luôn luôn song hành với luật quy định về nội dung.

Tăng thẩm phán, bớt hội thẩm

. Thưa ông, BLTTHS 2003 giao cho tòa quyền khởi tố vụ án, liệu có phù hợp với chức năng xét xử của tòa?

Góp ý sửa đổi BLTTHS: Phải có phiên tòa tranh tụng thật sự ảnh 1+ Theo tôi không nên giao cho tòa quyền quyết định khởi tố vụ án ngay tại phiên xử. Thực tiễn rất hiếm khi tòa nào làm việc này, thậm chí chúng tôi có ra quyết định khởi tố thì sau đó cơ quan điều tra cũng chưa chắc thực hiện được. Nhận thức của thẩm phán qua diễn biến tại phiên tòa đôi khi chỉ là chủ quan trong khi thực tế vụ việc ấy phức tạp hơn nhiều. Có khi ra quyết định khởi tố vụ án xong, giao cho VKS thì thẩm phán mới biết là không thể truy tố được và cũng chẳng có ai báo lại kết quả.

Vì thế, luật chỉ nên quy định khi hội đồng xét xử thấy cần khởi tố ai thì kiến nghị ngay trong bản án. Cơ quan điều tra, VKS sẽ thực hiện rồi báo lại cho tòa biết kết quả.

. Trong thành phần hội đồng xét xử, hội thẩm nhân dân chiếm đa số, có khi nào quan điểm xét xử sai lại áp đảo quan điểm đúng của thẩm phán, thưa ông?

+ Về vấn đề này, tôi nghĩ cũng phải sửa lại thành phần hội đồng xét xử theo hướng tăng chất lượng chuyên môn. Chẳng hạn hội đồng xét xử có ba người thì nên có hai thẩm phán và một hội thẩm; hội đồng xét xử năm người thì ba thẩm phán và hai hội thẩm. Bởi lẽ hội thẩm đại diện cho nhân dân theo tiêu chí tòa án nhân dân nhưng thẩm phán lại là người có chuyên môn hơn. Họ được đào tạo bài bản, có điều kiện nghiên cứu hồ sơ vụ án nhiều hơn, kỹ hơn so với những hội thẩm kiêm nhiệm công việc khác hoặc đã nghỉ hưu.

Sửa như vậy, phiên tòa vẫn đảm bảo được tính nhân dân mà lại có chất lượng chuyên môn nghiệp vụ cao. Theo luật hiện hành, hội thẩm ngang quyền thẩm phán và bản án quyết định theo tiêu chí thiểu số phục tùng đa số nên việc thay đổi này rất quan trọng.

Tranh tụng chứ không chỉ tranh luận!

. Hiện tại phiên xử, tòa vẫn phải xét hỏi chính, nhiều khi dồn ép bị cáo như một “công tố viên thứ hai”. Vậy ông nghĩ sao về mô hình tố tụng tranh tụng: Tòa là trọng tài, chủ yếu lắng nghe, đánh giá cán cân kiểm sát viên - luật sư mà phán quyết?

+ Chúng ta cần phân biệt rõ bản chất giữa hai khái niệm tranh tụng và tranh luận còn đang được hiểu khá mơ hồ.

Như tôi đã nói ở trên, BLTTHS 2003 còn mang dáng dấp thời bao cấp, chưa tiến bộ nhiều theo nền kinh tế thị trường. BLTTHS 2003 không có nguyên tắc tranh tụng mà chỉ đề cao vai trò tranh luận. Do đó, từ xưa đến nay tại tòa chỉ có tranh luận chứ chưa có tranh tụng nên không ngạc nhiên khi tòa “tạm làm thay” việc của VKS và luật sư là xét hỏi nhiều.

Mục đích của cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị là phải xây dựng tính tranh tụng trong phiên tòa sơ thẩm, thậm chí ngay từ giai đoạn điều tra. Nếu hiểu tinh thần cải cách tư pháp như thế thì việc sửa bộ luật lần này phải là một chỉnh sửa rất đặc biệt: Sửa gần như hầu hết bộ luật hiện hành! Chúng ta phải nghiên cứu xây dựng lại một bộ luật tiến bộ hơn để có một phiên tòa tranh tụng thật sự chứ không phải như hiện nay.

Mở rộng quyền của tòa

. BLTTHS 2003 cho phép tòa xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà VKS đã truy tố, theo ông có phù hợp?

+ Tôi nghĩ cần phải sửa luật theo hướng mở rộng quyền hạn của tòa hơn nữa. Nó có thể sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo trong việc chuẩn bị tài liệu, chứng cứ để tự bảo vệ trước tòa nhưng vẫn phải làm và có thể làm được. Chẳng hạn, nếu tòa thấy cần phải chuyển sang một khoản khác nặng hơn trong cùng một điều luật hoặc chuyển sang một tội khác với tội mà VKS đã truy tố thì tòa ghi rõ trong quyết định đưa vụ án ra xét xử để tống đạt cho bị cáo trước khi mở phiên tòa. Quy định cụ thể như vậy vừa chặt chẽ vừa tạo điều kiện cho bị cáo, luật sư chuẩn bị.

Mở rộng hơn quyền hạn của tòa còn giải quyết được một vấn đề nữa là bỏ lọt tội phạm. Chẳng hạn theo luật hiện hành, bị cáo A có 10 hành vi phạm tội, VKS chỉ truy tố bảy hành vi thì tòa không được xử thêm ba hành vi còn lại dù đã xác định rõ sự thật. Điều này dẫn đến chuyện dễ bỏ lọt tội phạm khi lượng hình. Nên chăng tòa được xử luôn chứ không phụ thuộc vào cáo trạng của VKS?

. Theo BLTTHS 2003, cấp giám đốc thẩm chỉ được tuyên y án hoặc hủy án để điều tra xử lại chứ không có quyền sửa. Trong khi đó, có những bản án sai sót rất nhỏ, cấp giám đốc có thể sửa ngay, không nhất thiết phải hủy để xử lại?

+ Như vậy là bất cập và nên sửa quy định này. Có những sai sót rất nhỏ của bản án phúc thẩm đã có hiệu lực thì giám đốc thẩm nên sửa luôn, khỏi mất công hủy làm gì cho vụ án trở nên phức tạp. Mọi kiểm điểm, rút kinh nghiệm với cấp dưới có thể làm sau chứ không nên cứng nhắc như vậy. Tôi nhớ trước kia cấp giám đốc thẩm vẫn có quy định được sửa trực tiếp nhưng sau một nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thì quyền này đã bị hạn chế.

. Xin cảm ơn ông.

THANH TÙNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm