Góp ý sửa đổi Bộ luật TTHS: Tòa không dồn ép, kết tội...

Trong lần sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) này, theo chúng tôi cần thiết phải ghi nhận tranh tụng là một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự Việt Nam vì đó là quy luật khách quan của hoạt động tố tụng hình sự.

Tòa không chứng minh tội phạm

Nhìn lại, các quy định về phiên tòa sơ thẩm của BLTTHS năm 1988 trước đây và BLTTHS năm 2003 hiện hành không có khác biệt đáng kể. BLTTHS năm 2003 vẫn không ghi nhận nguyên tắc tranh tụng là nguyên tắc cơ bản. Do vậy, để tăng cường tranh tụng theo yêu cầu của cải cách tư pháp thì cần phải hoàn thiện BLTTHS năm 2003.

Cụ thể, sửa Điều 10 theo hướng tòa không có trách nhiệm chứng minh tội phạm. Tòa cũng có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật nhưng thực hiện thông qua chức năng xét xử. Nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan điều tra, viện kiểm sát (VKS). Tòa chỉ có nghĩa vụ chứng minh trong bản án lý do vì sao chấp nhận cáo trạng mà không chấp nhận lời bào chữa (khi tuyên kết tội bị cáo) hoặc ngược lại (khi tuyên vô tội).

Cạnh đó, bỏ quy định hội đồng xét xử có quyền khởi tố vụ án (Điều 104); bỏ quy định khi VKS rút toàn bộ quyết định truy tố, hội đồng xét xử vẫn giải quyết những vấn đề của vụ án (Điều 222) mà nên quy định rằng tòa sẽ tuyên bị cáo vô tội. Ngoài ra, sửa Điều 196 theo hướng trong bất kỳ trường hợp nào, tòa cũng không được vượt quá giới hạn truy tố của VKS nếu gây bất lợi cho bị cáo. Tòa chỉ có thể vượt quá giới hạn truy tố nếu không làm bất lợi, không ảnh hưởng đến quyền bào chữa của bị cáo.

Tòa chỉ đóng vai trò trọng tài

Để có thể tạo ra sự chuyển biến tích cực trong hoạt động tố tụng hình sự, giải pháp trước mắt là tăng cường tính tranh tụng của phiên tòa sơ thẩm, coi đây là khâu đột phá theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị.

Muốn làm vậy, theo chúng tôi cần phải sửa đổi thủ tục xét hỏi tại tòa. Tham gia xét hỏi chỉ có các bên tranh tụng: Bên buộc tội là VKS và người bị hại, nguyên đơn dân sự; bên bào chữa là người bào chữa, bị cáo, bị đơn dân sự. Tòa không tham gia xét hỏi mà chỉ điều khiển quá trình xét hỏi.

Khi tòa trở về với vai trò là trọng tài vô tư, khách quan điều khiển phiên tòa, điều khiển tranh tụng và phán quyết trên cơ sở kết quả tranh tụng thì cần thay đổi quy định thẩm phán phải nghiên cứu hồ sơ trước khi xét xử. Thẩm phán chỉ nghiên cứu hồ sơ xem có tuân thủ các thủ tục tố tụng, có đủ điều kiện đưa ra xét xử hay không. Còn chứng cứ thu thập thế nào, có chứng minh được lỗi của bị cáo hay không, tội danh VKS truy tố có phù hợp với chứng cứ hay không... là trách nhiệm và mối quan tâm của bên buộc tội.

Mặt khác, cũng cần sửa đổi quy định tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung (Điều 179, Điều 199 BLTTHS 2003). Những quy định này được xem như là “đường cứu nạn” cho VKS. Theo luật, nếu VKS vẫn giữ nguyên quyết định truy tố thì tòa phải xử. Như thế, tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung để làm gì? Trường hợp duy nhất mà thẩm phán có quyền trả hồ sơ là khi phát hiện có vi phạm tố tụng nghiêm trọng cản trở việc xét xử của tòa.

Tranh tụng từ giai đoạn điều tra

Sau hơn ba năm kể từ ngày BLTTHS năm 2003 có hiệu lực, diễn biến tại các phiên xử vẫn như trước. Thay vì là trọng tài khách quan, hội đồng xét xử vẫn xét hỏi chính, “dồn ép” bị cáo theo hướng kết tội như một “công tố viên thứ hai”.

Theo chúng tôi, với phiên tòa sơ thẩm tranh tụng, đương nhiên VKS mất “chỗ dựa”, không thể không tham gia tranh tụng tích cực. Một khi VKS sẵn sàng tranh tụng tức việc truy tố đã được cân nhắc thận trọng từ chứng cứ đến tội danh. Mà chứng cứ lại do cơ quan điều tra thu thập. Do vậy, để có thể tự tin tranh tụng sòng phẳng với bên bào chữa thì VKS không thể dễ dãi với kết quả điều tra.

Đến nay, sự tham gia của người bào chữa trong giai đoạn điều tra tiếp tục gặp nhiều khó khăn. BLTTHS năm 2003 ghi nhận sự tham gia của người bào chữa khi có quyết định tạm giữ và bổ sung một số quyền của người bào chữa tại Điều 58. Quy định tiến bộ nhưng thực tế chưa tạo sự thay đổi như mong đợi do không được cụ thể hóa, thiếu những bảo đảm tố tụng kèm theo.

Để khắc phục, chúng ta có thể chỉ cần bổ sung sự tham gia bắt buộc của người bào chữa trong hai thời điểm quan trọng: Thời điểm lấy lời khai đầu tiên sau khi có quyết định khởi tố bị can và thời điểm bị can nhận tội. Mọi lời khai của bị can trong hai thời điểm trên mà không có sự hiện diện của người bào chữa thì không được thừa nhận là chứng cứ. Sự bổ sung này hoàn toàn khả thi trong điều kiện hiện nay của nước ta.

Không chỉ luật sư mới được bào chữa?

Số lượng luật sư ở nước ta còn ít so với số lượng vụ án hình sự khởi tố hàng năm nhưng sự cách biệt này hoàn toàn có thể giải quyết bằng nhiều biện pháp, trong đó có việc mở rộng phạm vi những người có thể tham gia bào chữa trong tố tụng hình sự.

Bổ sung quy định này sẽ loại trừ hiện tượng khá phổ biến hiện nay là các bị cáo ra tòa phủ nhận toàn bộ hoặc một phần lời khai nhận tội ở giai đoạn điều tra với lý do bị ép cung, mớm cung. Hơn nữa, nó còn có thể tác động thay đổi tư duy sai lệch của một số điều tra viên, kiểm sát viên là “trọng cung hơn trọng chứng”.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm