Hà Nội: Chỉ cấp một giấy cho cả nhà và đất

Hiện nay, cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (“giấy đỏ”) cho đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (“giấy hồng”) cho nhà. Việc phân định như vậy khiến nảy sinh nhiều phức tạp trong thực tế quản lý bất động sản. Trong lúc các nơi khác còn loay hoay thì UBND TP Hà Nội đã “đi trước một bước” khi thực hiện cấp một giấy cho cả nhà và đất. Bằng việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng với quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (gọi là GCN), Hà Nội đã thống nhất được một loại giấy cho nhà, đất và vẫn có được đầy đủ những chi tiết để nhà nước quản lý bất động sản.

Cấp “giấy đỏ” cho nhà

Theo Quyết định số 23 ngày 9-5-2008 của UBND TP Hà Nội thì GCN này lấy nguyên mẫu “giấy đỏ” theo khoản 2 Điều 48 Nghị định 181. Tài sản trên đất như nhà, xưởng, rừng hoặc vườn cây lâu năm sẽ được ghi nhận trên trang III của GCN. Nếu tài sản trên đất là nhà thì các thông số được ghi cụ thể là số tầng, diện tích xây dựng, diện tích sàn, năm xây dựng, số hiệu của căn hộ chung cư... Nếu là vườn cây lâu năm hoặc rừng sẽ được ghi nhận diện tích của rừng hoặc vườn cây. Nếu tài sản trên đất không thuộc quyền sở hữu của người sử dụng đất thì sẽ ghi tên và số chứng minh nhân dân (hộ chiếu) của người chủ sở hữu tài sản. Tài sản thuộc sở hữu chung theo phần hoặc sở hữu chung của vợ, chồng... cũng được ghi nhận trong mục này.

Chủ nhà sau khi có GCN này, nếu có những biến động về chủ sở hữu, về tài sản gắn liền với đất thì được ghi nhận trên trang IV chứ không phải làm lại giấy mới. Những biến động được ghi nhận trên GCN gồm việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp, biến động sau khi tòa án, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất, người sử dụng đất đổi tên, chuyển mục đích sử dụng đất... Nếu nhà ở, công trình xây dựng, công trình kiến trúc bị phá hủy hoặc xây dựng lại mà có thay đổi về tầng cao, kiến trúc diện tích, kết cấu chính, diện tích rừng hoặc vườn cây có thay đổi thì sẽ được chỉnh lý biến động trên giấy chứng nhận. Khi ghi hết trang IV trên GCN, cơ quan cấp giấy được lập trang bổ sung như “giấy đỏ” theo Luật Đất đai 2003.

Xây nhà mới: chỉ ghi nhận tài sản

Những GCN đã cấp nhưng chưa có thông tin về tài sản gắn liền với đất thì sẽ được các cơ quan chức năng ghi nhận tài sản trên đất nếu chủ sở hữu tài sản có nhu cầu. Những thông tin về nhà này cũng được ghi trên trang IV của GCN. Những trường hợp xây dựng mới cũng được ghi nhận như vậy. Khi đó, chủ nhà cung cấp những giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu nhà như giấy phép xây dựng, quyết định hóa giá nhà hoặc chứng nhận được công nhận quyền sở hữu nhà theo Nghị quyết 755... để cơ quan có thẩm quyền cập nhật trên GCN.

Những nhà xây dựng trước ngày 1-7-2006 mà không có một trong các loại giấy tờ trên thì phải được UBND cấp xã xác nhận nhà không có tranh chấp, xây dựng trước khi có quy hoạch hoặc phù hợp quy hoạch (nếu xây dựng sau khi có quy hoạch). Tuy nhiên, điều này lại không phù hợp với yêu cầu nhà phải có giấy phép xây dựng được quy định trong Luật Nhà ở. Lý giải điều này, thạc sĩ Nguyễn Văn Quang - Trưởng phòng Đăng ký thống kê và đo đạc bản đồ, Sở Tài nguyên-Môi trường và Nhà đất TP Hà Nội cho rằng điều đó không quan trọng. “Thực tế, những nhà không phép cũng đã tồn tại và người dân đã ở đó từ trước. Nếu không cấp giấy cho dân thì xem như không quản lý được cả phần đất dưới nhà!” - ông Quang nói.

Đối với trường hợp nhà, xưởng xây dựng trên đất của người khác thì chủ sở hữu nhà, xưởng sẽ không được cấp “giấy hồng” - một quyền theo Nghị định 95/2005. Tuy nhiên, nếu họ có nhu cầu thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền Hà Nội sẽ cấp cho người này bản sao GCN có ghi nhận tài sản trên đất như đã nói ở phần trên.

Quản lý phải lấy đất làm gốc

Trong quy trình cấp GCN, Hà Nội áp dụng phương thức hội đồng xét cấp giấy. Hội đồng này gồm có UBND cấp xã (xác nhận hiện trạng về đất), Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (cung cấp những thông tin hồ sơ của đất, tham mưu cho UBND cấp quận về việc cấp giấy) và UBND cấp quận (ra quyết định giao đất).

Ông Quang cho rằng cách cấp giấy này quy tụ được những ưu điểm trong quản lý nhà, đất. Với quan điểm lấy quản lý đất làm gốc, GCN mới đã gắn công tác quản lý nhà và công trình trên đất với việc quản lý đất trong cùng một hệ thống. “Cấp một giấy cho đất và nhà sẽ giảm rất nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà cho dân, giảm các loại GCN về nhà, đất. Giấy mới còn bảo đảm tính kế thừa, tránh xáo trộn, giảm chi phí của người dân và ngân sách nhà nước cho việc cấp giấy này!” - ông Quang phân tích.

Tuy nhiên, ông Quang cũng thừa nhận GCN mới này không đúng với quy định của Luật Nhà ở (quy định nhà ở được cấp “giấy hồng”). “Nhưng nó phù hợp với nguyện vọng của người dân nên được các cơ quan nhà nước ủng hộ và người dân đồng tình” - ông Quang nói. Cũng theo ông Quang, nếu cấp “giấy hồng” theo Luật Nhà ở thì phải đến 10 năm nữa Hà Nội mới cấp xong. “Còn theo quy định của giấy mới thì hiện tại TP đã cấp được hơn 90% GCN rồi!” - ông Quang khẳng định.

Rối rắm giấy tờ nhà, đất

- Trước năm 2003, việc cấp giấy cho nhà, đất ở đô thị thực hiện theo NĐ 60/1994. Theo đó, chủ sở hữu hợp pháp được cấp GCN quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (“giấy hồng” cũ).

- Luật Đất đai 2003 quy định cấp GCN quyền sử dụng đất (“giấy đỏ”) đối với mọi loại đất. Trường hợp có tài sản gắn liền với đất thì tài sản đó được ghi nhận trên “giấy đỏ”.

- Luật Nhà ở 2005 quy định cấp GCN quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (“giấy hồng” hai quyền) nếu chủ sở hữu nhà ở đồng thời là chủ sử dụng đất ở, chủ sở hữu căn hộ chung cư. Trường hợp chủ sở hữu nhà ở không đồng thời là chủ sử dụng đất ở thì cấp GCN quyền sở hữu nhà ở (“giấy hồng” một quyền).

- Nghị định 95 ngày 15-7-2005 quy định cấp “giấy hồng” một quyền cho công trình xây dựng trên đất thuê, đất mượn.

- Tháng 3-2007, TP.HCM ban hành quyết định cấp “giấy hồng” cho nhà ở và đất ở, cấp “giấy đỏ” cho đất không có nhà.

- Tháng 5-2008, Hà Nội ban hành Quyết định 23, quy định cấp GCN quyền sử dụng đất cùng với quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (cho cả nhà và đất).

- Năm 2008, theo phân công của Chính phủ, Bộ Tư pháp soạn và trình dự luật đăng ký bất động sản, với tham vọng thống nhất một loại giấy cho cả nhà và đất (gọi là sổ đăng ký bất động sản). Tuy nhiên, dự luật này vẫn chưa vượt qua được vòng thẩm tra của Ủy ban Pháp luật Quốc hội. Trước đó, vào năm 2005, dự luật này cũng không được Ủy ban pháp luật Quốc hội thông qua và được đưa ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

NGỌC HÀ

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

5 người nhốt tổ công tác của huyện bị bắt

5 người nhốt tổ công tác của huyện bị bắt

(PLO)- 5 người bị bắt vì khống chế, nhốt tổ công tác của UBND huyện Tam Bình, Vĩnh Long đưa vào chánh điện của một ngôi chùa, không cho ra ngoài và hành hung khi tổ công tác đến xác minh vụ việc.