“Hãy thương lấy con chúng tôi...”

Ngày 8-3, tại Cung văn hóa lao động TP đã diễn ra cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa nữ lãnh đạo TP với nữ công nhân. Các nữ công nhân bày tỏ rất nhiều khó khăn về lương, nhà ở, sức khỏe, nhà trẻ mẫu giáo, điều kiện sinh hoạt tại các doanh nghiệp ...

Trẻ em chịu thiệt trăm bề

Chị Lê Thị Kiều Hương (Công ty Kềm Nghĩa) cho biết có công ty đã đưa điều kiện: nữ công nhân không được kết hôn, không được có thai trong một khoảng thời gian vào cam kết trong hợp đồng tuyển dụng. Để có việc làm, các nữ công nhân đã phải cam kết điều kiện trên. Và khi họ vi phạm, lập tức phía công ty chấm dứt hợp đồng. Trong khi cần nhiều chi phí để lo lắng cho con thì các nữ công nhân lại đối mặt với thất nghiệp.

Nhưng dù công ty không cấm việc kết hôn và sinh con thì sau sinh, các nữ công nhân cũng không biết gửi con nhỏ ở đâu để tiếp tục đi làm. Vì hiện nay, luật quy định người lao động chỉ được nghỉ sinh bốn tháng, trong khi các nhà trẻ công lập chỉ nhận giữ trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên. Còn nhà trẻ tư thục thì quá khả năng tài chính của nữ công nhân. Các chị đành gửi con cho những nhóm giữ trẻ tự phát mà không dám nghĩ đến chất lượng của các nhóm giữ trẻ này.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Thành, công nhân của một công ty cổ phần huyện Hóc Môn bức xúc con của công nhân nhập cư (dưới sáu tuổi) đau ốm không được khám bệnh miễn phí. Theo quy định, trẻ em dưới sáu tuổi có hộ khẩu thường trú tại địa phương thì được khám bệnh miễn phí. Thế nhưng hầu hết con của các công nhân đều chưa có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM.

Chuyện muôn thuở: Mơ một lưu xá

Nhiều nữ công nhân nêu ý kiến tình hình vật giá ngày càng tăng và giá thuê nhà trọ cũng tăng theo. Với mức lương trung bình 1,5 triệu đồng/tháng, nữ công nhân phải rất chật vật để “cân, đo, đong, đếm” cho những sinh hoạt bình thường, cộng thêm chi phí về nhà trọ thì quả là bài toán khó.

Các nữ công nhân ai cũng mong muốn có lưu xá gần công ty để thuận tiện cho việc ăn ở và làm việc. Nữ công nhân cũng mong muốn lãnh đạo TP có giải pháp cho việc khám chữa bệnh của họ. Vì hầu hết nữ công nhân đều khám bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế mà bệnh viện chỉ thực hiện khám bệnh trong giờ hành chính trong khi các công nhân chỉ được nghỉ làm ngày Chủ nhật. Chị Ngọc Thành cho biết: “Muốn đi khám bệnh phải xin phép công ty nghỉ làm việc không lương nên chúng tôi rất ngại”.

Sẽ có thêm lưu xá

Về khu lưu xá, ông Lâm Văn Viết - Phó Ban quản lý Khu chế xuất TP.HCM trả lời nữ công nhân: “Khi quy hoạch cho doanh nghiệp xây dựng khu chế xuất, cấp trên cũng chưa chú ý đến việc xây dựng lưu xá nên bây giờ diễn ra tình trạng này”. Theo ông Viết, trong năm nay, các khu chế xuất sẽ xây mới các lưu xá để giải quyết thêm 6.000 chỗ ở cho công nhân.

Đến bao giờ các KCN của TP có đầy đủ nhà trẻ cho con công nhân như KCN Tân Tạo? Ảnh: TRÍ DŨNG
Đến bao giờ các KCN của TP có đầy đủ nhà trẻ cho con công nhân như KCN Tân Tạo? Ảnh: TRÍ DŨNG

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết hiện có năm dự án về xây nhà ở cho công nhân đang được thi công, đến năm 2010 sẽ cung cấp thêm 10.500 chỗ ở. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thu Hà cũng lưu ý, hiện lưu xá tại khu chế xuất Linh Trung vẫn còn chỗ ở nhưng công nhân không muốn vào sống trong lưu xá này mà vẫn thuê trọ ngoài vì không quen với quy chế của lưu xá.

Về nhà trẻ cho con công nhân, bà Lê Thị Hồng Liên - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời: “Đang triển khai thực hiện xây dựng 14 trường mầm non tại các phường “trắng”, đảm bảo phường nào cũng có trường mầm non. Ngoài ra, sẽ xây thêm 24 trường tại các quận, huyện và kiến nghị các doanh nghiệp thành lập nhà trẻ”

Lãnh đạo TP và sở, ngành cũng hứa sẽ tăng cường công tác giám sát, kiểm tra gắt gao để bảo vệ các quyền lợi lao động của nữ công nhân.

TRÀ GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm