Hoa Kỳ: Tính minh bạch của bản án rất cao

Nhân dịp bà Janet Bond Arterton - thẩm phán khu vực bang Connecticut (Hoa Kỳ) sang Việt Nam làm việc, chúng tôi đã trao đổi với bà về việc xét xử, ra bản án ở Hoa Kỳ.

Thẩm phán Arterton nói tính minh bạch của bản án ở Hoa Kỳ rất cao. Mọi người dân đều có thể biết những gì tòa làm, nếu cần họ có thể đến tòa nghe xử án, lên mạng xem phán quyết hoặc xin sao chụp lại để về nghiên cứu.

Công khai án

. Thưa bà, khi xét xử, tòa có ghi âm, ghi hình lại diễn biến phiên tòa không?

+ Tòa án ở Hoa Kỳ luôn mở cửa để mọi người vào dự khán. Tòa không cho phép người ngoài đem máy ghi âm vào vì tất cả diễn biến phiên tòa đã được một bộ phận nghiệp vụ của tòa ghi chép, ghi âm. Sau khi xử, bất cứ người nào muốn xem lại cũng đều được đáp ứng. Tòa cũng đưa những phán quyết của mình lên trang web của tòa để mọi người có thể vào xem.

. Việc công khai bản án như vậy liệu có ảnh hưởng đến bí mật cá nhân, bí mật đời tư hay không, thưa bà?

+ Dĩ nhiên sẽ có những thông tin chúng tôi không cung cấp được, chẳng hạn như địa chỉ nhà, số thẻ an sinh xã hội, tài khoản ngân hàng... để hạn chế việc kẻ xấu lợi dụng. Chúng tôi sẽ cân nhắc giữa cái lợi và cái hại, nếu cái lợi cao hơn thì chúng tôi sẽ cung cấp.

Không được tiếp xúc một bên

. Việc xử án công khai liệu có tạo áp lực cho thẩm phán không, thưa bà?

+ Khi thẩm phán biết diễn biến phiên xử được công bố thì họ sẽ cố gắng làm rõ các vấn đề đến mức khó có thể rõ hơn. Thông thường, thẩm phán sẽ giải thích cặn kẽ tại sao trường hợp này họ lại áp dụng luật như thế. Nếu có một vấn đề nào đó có ý kiến khác nhau thì thẩm phán nêu quan điểm của mình và cũng giải thích lý do tại sao áp dụng như vậy.

Trong quá trình giải quyết án, thẩm phán không được tiến hành làm việc khi chỉ có một bên đương sự. Thẩm phán không được quyền nói những vấn đề liên quan đến vụ án mà phía bên kia chưa có mặt. Thẩm phán không được gặp riêng bên nào cả. Mọi thứ phải được công khai, phải có mặt đầy đủ các bên liên quan.

Thư ký tòa cũng phải giữ bí mật hồ sơ vụ án, nếu tiết lộ thông tin, tiết lộ hồ sơ thì sẽ bị sa thải hoặc khởi tố. Đã có trường hợp một thư ký bị truy tố vì tiết lộ hồ sơ mật.

. Thưa bà, đã có trường hợp nào thẩm phán cố tình làm sai vì ham lợi hay vì bị ảnh hưởng bởi một thế lực nào đó?

+ Thỉnh thoảng vẫn xảy ra trường hợp này và nó như một liều thuốc độc tiêm vào đội ngũ thẩm phán. Nếu thẩm phán nhận tiền để làm thay đổi nội dung vụ án thì họ sẽ bị truy tố về tội nhận hối lộ và miễn nhiệm chức danh thẩm phán. Người đưa tiền cũng sẽ bị xử lý về tội đưa hối lộ. Đây là điều mà các thẩm phán luôn đau đáu và luôn răn mình bởi nếu “nhúng chàm” thì nó sẽ hủy hoại thanh danh của họ.

. Bà nghĩ sao về vấn đề tiền lương đảm bảo để thẩm phán làm việc mà không bị ảnh hưởng bởi cái xấu?

+ Với tôi, khi bước vào con đường làm thẩm phán phải chấp nhận một thực tế rằng đây không phải là nghề làm giàu mà mang tính chất vinh dự nhiều hơn. Hiện nay, các hiệp hội của các thẩm phán luôn bàn bạc là làm thế nào để tăng lương cho thẩm phán. Theo tôi, các biện pháp nhằm làm cho đội ngũ thẩm phán trong sáng, thanh liêm chỉ là tương đối. Vấn đề là làm thế nào để cho họ hiểu được sự cao quý của nghề nghiệp để tránh những tác động xấu.

Thẩm phán vẫn gặp nguy hiểm

. Thưa bà, nghề thẩm phán ở nước bà có nguy hiểm không?

+ Đã có một số trường hợp thẩm phán bị hành hung, thậm chí bị đe dọa tính mạng. Gần đây nhất là một người bị kết án sau khi được ra tù đã tìm đến nhà thẩm phán để trả thù vì cho rằng thẩm phán ra phán quyết sai. Thẩm phán này không bị gì nhưng hai người thân của cô ấy đã bị giết hại.

. Như vậy việc bảo vệ thẩm phán cũng cần đặt ra?

+ Đúng. Đã có nhiều trường hợp nhà các thẩm phán được gắn thiết bị kỹ thuật để bảo vệ họ. Và một trong những nhiệm vụ quan trọng của cảnh sát là phải bảo vệ an toàn cho thẩm phán, cho tòa án. Đối với những thẩm phán đang thụ lý những vụ án liên quan đến khủng bố thì sẽ được cảnh sát bảo vệ 24/24 giờ...

. Xin cảm ơn bà.

Bà Janet Bond Arterton được Tổng thống Bill Clinton bổ nhiệm ngày 23-1-1995, nhận công tác ngày 15-5-1995 với chức vụ thẩm phán khu vực bang Connecticut. Trước đó, bà hành nghề luật sư từ năm 1978, từng là chủ tịch hãng luật New Haven, chủ tịch Tiểu ban hành nghề liên bang của Luật sư đoàn bang Connecticut..., từng được đưa vào danh sách các luật sư xuất sắc nhất Hoa Kỳ.

Hiện bà phục vụ trong Ủy ban Hội nghị tư pháp Hoa Kỳ về quan hệ tư pháp quốc tế với chức vụ ủy viên liên lạc các chương trình giáo dục tư pháp và quan sát. Trước đó, bà công tác trong Ủy ban Tư vấn nghiên cứu của Quỹ Luật sư đoàn bang Connecticut và là Chủ tịch Ủy ban Tư vấn của Tòa án khu vực. Năm 1996, bà nhận giải thưởng Maria Miller Stewart của Quỹ Pháp lý và giáo dục phụ nữ bang Connecticut. Năm 2000, bà nhận giải thưởng Robert C. Zampano của Công ty Hòa giải cộng đồng vì thành tích xuất sắc trong lĩnh vực hòa giải...

Hàng năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mời một số chuyên gia, diễn giả sang Việt Nam nói chuyện trong lĩnh vực liên quan. Lần này bà Arterton được mời sang với tư cách một diễn giả để diễn thuyết về những vấn đề thuộc lĩnh vực tư pháp, tòa án.

GIA HI - THANH HOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm