Khách bay chung với... một tấn rắn!

16 giờ chiều ngày 17-1, Đội đặc nhiệm kiểm lâm (Cục Kiểm lâm Việt Nam) đã phối hợp với hải quan sân bay Nội Bài kiểm tra và phát hiện chuyến bay mang mã hiệu VN830 của Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) có một lô hàng trên một tấn được vận chuyển từ Indonesia qua Thái Lan về Việt Nam là rắn còn sống. Một giờ sáng hôm qua (18-1), toàn bộ số rắn trên được đưa về Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn (Hà Nội) để phân loại.

Chiều qua (18-1), ông Nguyễn Phi Truyền, Đội trưởng Đội đặc nhiệm kiểm lâm, cho biết qua xác minh đã biết tên người nhận lô hàng này là Nguyễn Văn Quân, tại Sóc Sơn, Hà Nội, tuy nhiên không xác định được địa chỉ. Lô hàng có 79 thùng xốp với tổng trọng lượng 1.440 kg. Theo đơn khai báo hàng hóa thì đây là mặt hàng cá nhưng chỉ có 10 thùng đựng cá, 69 thùng còn lại là rắn ráo trâu còn sống. “10 thùng cá được ký hiệu riêng. Đây là một thủ đoạn của bọn buôn lậu đánh lừa hải quan khi kiểm tra lô hàng. Ngoài ra, chúng tôi đã điện thoại nhiều lần vào số điện thoại người nhận nhưng không có tín hiệu” - ông Truyền nói.

Ông Truyền cũng cho biết thêm rắn ráo trâu này có giá khoảng 100.000 đến 200.000 đồng/kg, chủ yếu được dùng làm thực phẩm ở các nhà hàng. “Đây có thể là một đường dây vận chuyển động vật hoang dã xuyên quốc gia. Cách đây một tháng, chúng tôi cũng phát hiện một lô hàng chứa khoảng 700 kg rắn nhập lậu được vận chuyển từ Indonesia về Việt Nam” - ông Truyền cho biết. “Theo nhận định, nếu nhập vào Việt Nam trót lọt, số rắn này có thể sẽ được vận chuyển tiếp sang Trung Quốc, một thị trường rất ưa chuộng món ăn này!”.

Kiện rắn khổng lồ.
Kiện rắn khổng lồ.

Cũng trong chiều hôm qua (18-1), ông Ngô Bá Oanh, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn (Hà Nội), cho biết số rắn thu được vẫn tiếp tục được niêm phong chờ các cơ quan có thẩm quyền đến giải quyết.

Trong khi đó, ông Trịnh Ngọc Thanh, phát ngôn viên VNA, cho biết theo quy định của VNA, các lô hàng vận chuyển trên các chuyến bay quốc tế phải được kiểm tra an ninh, hải quan, kiểm dịch động thực vật trước khi xếp hàng lên chuyến bay. Đối với việc kiểm tra an ninh, VNA ký hợp đồng với các đơn vị tại sân bay để kiểm tra tất cả các kiện hàng. Tại sân bay Bangkok, các kiện hàng sau khi được kiểm tra an ninh sẽ được dán một phiếu kiểm soát an ninh và số kiểm soát này cũng được lưu lại cùng các giấy tờ khác. Đối với các loại hàng vận chuyển phải xuất trình các giấy tờ cần thiết theo quy định của nhà chức trách địa phương và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật.

Số rắn đã được niêm phong.
Số rắn đã được niêm phong.

“Việc gian lận, kê khai trên chứng từ vận chuyển là cá nhưng thực chất phần lớn lô hàng là rắn đã xảy ra trước đây trên chuyến bay về Hà Nội là của một hãng hàng không nước ngoài. Nhằm ngăn chặn việc vi phạm pháp luật, VNA sẽ có công văn kiến nghị nhà chức trách tại sân bay Bangkok tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nội dung hàng hóa, tuân thủ các quy định vận chuyển hàng hóa của VNA” - ông Thành phân trần.

Theo ông Nguyễn Phi Truyền, vì số lượng rắn rất lớn nên có thể Cục Kiểm lâm sẽ thanh lý sung công chứ không tiêu hủy.

Luật sư Phạm Quốc Hưng, Đoàn luật sư TP.HCM:

Làm khách hoảng sợ là phải bồi thường

Về nguyên tắc chung, trong trường hợp tính mạng, sức khỏe, hành lý của hành khách bị thiệt hại, bên vận chuyển phải bồi thường theo quy định, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của hành khách.

Tuy nhiên, máy bay là nguồn nguy hiểm cao độ. Theo Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2005, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra ngay cả khi họ không có lỗi, trừ phi thiệt hại hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại.

Như vậy, nếu khách hàng chứng minh được có sự thiệt hại về vật chất, tinh thần (lo sợ, hoảng loạn, tâm thần bất ổn...), Vietnam Airlines với tư cách là bên vận chuyển, đồng thời là chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho khách hàng trước. Sau đó, nếu Vietnam Airlines chứng minh được các đơn vị mà mình đã ký hợp đồng kiểm tra kiện hàng có lỗi để lọt hàng trái phép thì Vietnam Airlines có quyền yêu cầu đơn vị này bồi hoàn.

Trường hợp không có thiệt hại, Vietnam Airlines vẫn có khả năng bị xem xét trách nhiệm nếu không chứng minh được rằng mình không biết, không có lỗi trong việc vận chuyển hàng trái phép.

Luật sư Trương Thị Cẩm Hòa, Đoàn luật sư TP.HCM:

VNA có thể bị xử lý hành chính

Việc nhập khẩu rắn ráo trâu vào Việt Nam phải thực hiện theo Nghị định số 82/2006/NĐ-CP về quản lý xuất nhập khẩu động vật hoang dã, tức phải có giấy phép của cơ quan quản lý từ nước nhập khẩu.

Tuy nhiên, quy chế vận tải hành khách và hàng hóa hàng không của Vietnam Airlines đương nhiên không cho phép vận tải động vật hoang dã trái phép. Và Vietnam Airlines chỉ là nhà vận chuyển chứ không phải nhà nhập khẩu. Theo Luật Hàng không quốc tế nói chung, người gửi hàng có quyền không kê khai hàng hóa là gì và tự chịu trách nhiệm về hàng hóa.

Do vậy, Vietnam Airlines hoặc cơ quan an ninh mặt đất chỉ có thể bị xử lý hành chính về hành vi vận chuyển động vật quý hiếm trái phép.

Liệu sự việc này có thể do một cá nhân nào đó thực hiện không? Nếu có thì với số lượng rắn lớn như vậy, hành vi của cá nhân này là lỗi cố ý và có dấu hiệu cấu thành tội phạm theo Điều 190 BLHS.

THỤY CHÂU ghi

TIẾN CẦU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm