Khuất tất quanh vụ ly hôn 54 tỷ đồng

TAND thị xã Tân An (Long An) vừa xử sơ thẩm một vụ ly hôn gây xôn xao dư luận địa phương vì chuyện “một ông ba bà” và tài sản tranh chấp lên tới 54 tỷ đồng.

Một ông ba bà

Năm 1977, ông B. chung sống không đăng ký kết hôn với bà T. tại xã Long Trì (Châu Thành). Mười năm sau, khi đã có với nhau hai mặt con, ông B. bỏ lên thị xã ăn ở với bà K. Hai người sống tại nhà cha mẹ bà K., năm năm sau mới ra ở riêng.

Năm 1995, ông B. cùng một nhóm bạn đi buôn gỗ ở Campuchia. Sau hai năm, ông thành một đại gia ở thị xã Tân An. Cùng năm này, ông và bà K. có với nhau đứa con thứ hai và mua một miếng đất ở một vị trí đẹp để xây khách sạn PN (đặt theo tên hai con chung của ông bà). Một năm trước, hai người đã ra phường làm giấy đăng ký kết hôn.

Việc kinh doanh ngày càng thuận lợi, đến năm 2000 họ tiếp tục xây thêm một khách sạn lớn tên PN 2 đối diện bên kia đường. Năm 2001, họ đã thành lập một công ty TNHH PN đứng tên chung của hai vợ chồng.

Thế rồi cảnh “cơm không lành, canh không ngọt” xuất hiện khi ông B. quan hệ với người phụ nữ khác. Vì chuyện này, bà K. đã nhiều lần gửi đơn tố cáo chồng đến các cơ quan chức năng nhưng không được giải quyết. Cuối năm 2007, do không thể cứu vãn được quan hệ, bà K. đã gửi đơn lên TAND thị xã Tân An để xin ly hôn với ông B.

Sống chung 21 năm chỉ là... “cặp chơi” (!)

Trong vụ này, suốt quá trình tòa hòa giải giữa ông B. và bà K., người vợ trước của ông B. là bà T. hoàn toàn không tham gia nhưng tới khi tòa chuẩn bị đưa vụ án ra xử, bà này lại đột nhiên xuất hiện, gửi đơn lên tòa đòi ông B. chia phần tài sản!

Theo bà T., thời còn chung sống bà dành dụm được 200 cây vàng và đã đưa cho ông B. đi làm ăn, nay biết ông B. và bà K. ly hôn nên muốn lấy lại phần tài sản này. Cạnh đó, bà còn khai rằng biết ông B. có vợ bé (tức bà K.) nhưng vẫn cam chịu cảnh chồng chung bấy lâu nay chứ không hề đoạn tuyệt quan hệ.

Về phần mình, sống với bà K. 21 năm nay và có hai mặt con nhưng tại tòa, ông B. vẫn bảo mình chỉ... “cặp chơi”, còn giấy đăng ký kết hôn thì chẳng qua do cần hộ khẩu thị xã để thuận tiện cho việc làm ăn. Ông còn bổ sung “chứng cứ quan trọng” là giấy xác nhận của UBND xã Long Trì (nơi bà T. sống) trước khi vụ án đưa ra xử 10 ngày, nội dung là ông vẫn còn chung sống như vợ chồng với bà T., thường xuyên về thăm nom, chăm sóc vợ con và vẫn hạnh phúc bình thường.

Trong khi đó, bà K. và gia đình khẳng định những công việc làm ăn của ông B. đều do một tay bà góp sức. Về việc công ty TNHH trước đây đứng tên của hai vợ chồng nhưng hiện chỉ còn một mình ông B. đứng tên thì người con chung của họ khẳng định đã bị ông B. ép ký thay mẹ để làm thủ tục sang tên.

Thế nhưng TAND thị xã Tân An chỉ dựa vào lời khai của ông B. và bà T. để công nhận hôn nhân thực tế giữa họ, tuyên hủy quan hệ hôn nhân giữa ông B. và bà K. Tòa cũng xét rằng khối tài sản hiện nay do một tay ông B. làm ra, bà K. không có đóng góp nào (?). Tài sản chung của ông B. và bà K. chỉ là hơn ba tỷ đồng doanh thu khách sạn từ năm 2001 đến 2007. Do ông B. có chứng cứ chứng minh bà K. giữ số tiền này nên bà K. phải trả lại một nửa...

“Đánh lận con đen”?

Như vậy, với phán quyết trên, bà K. không những phải ra đi tay trắng sau 21 năm làm vợ mà còn “ôm” thêm món nợ hơn 1,5 tỷ đồng cùng khoản án phí trên 200 triệu đồng.

Trong vụ này, một căn cứ để tòa công nhận hôn nhân thực tế giữa ông B. với bà T. là xác nhận của UBND xã Long Trì rằng ông B. vẫn còn chung sống như vợ chồng với bà T., thường xuyên về thăm nom, chăm sóc vợ con. Vậy mà khi phóng viên Pháp Luật TP.HCM làm việc với chủ tịch UBND xã Long Trì là ông Phan Văn Tèo, ông này lại bảo mình có xác nhận nhưng chuyện ông B. có sống chung với bà T. thật hay không thì ông không rõ!? Khi phóng viên trò chuyện với người con trai của ông B. và bà T., anh này khẳng định “ba không hề về ở với má tại nhà riêng”.

Về phần mình, bà T. trả lời là “vợ chồng hiện sống rất hạnh phúc”. Phóng viên chất vấn: “Ông B. sống với bà K. suốt 21 năm có tới hai mặt con, gần đây lại sống chung với người phụ nữ thứ ba mà bà vẫn nghĩ mình hạnh phúc hay sao?”. Bà T. nói: “Tôi an phận chịu đựng, miễn sao ông ấy chăm lo đầy đủ cho con cái và gia đình là hạnh phúc rồi”. Nói thế nhưng trong khi ông B. là đại gia thì theo ghi nhận của chúng tôi, trước đó bà T. vẫn ở trong một căn nhà tồi tàn, đi làm thuê đủ mọi việc để kiếm sống như nhổ cỏ, cấy lúa, ngắt đọt dưa...

Hiện bà K. đã làm đơn kháng cáo, đề nghị TAND tỉnh Long An xem xét lại bản án sơ thẩm. Khi đó, chắc chắn những điểm phi lý và bất thường trong vụ ly hôn này sẽ phải được cấp phúc thẩm làm rõ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc việc giải quyết những khuất tất này trong quá trình xét xử phúc thẩm.

THANH LƯU-TÂM PHÚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm