Lập ủy ban điều tra cấp nhà nước

Hôm qua (4-10), sau khi rút ngắn chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã về Hà Nội và có buổi làm việc với các bộ ngành giải quyết vụ sập cầu Cần Thơ. Sau khi nghe báo cáo của bộ ngành liên quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận trách nhiệm trước nhân dân cả nước, bất luận sự cố do nguyên nhân gì.

Về giải pháp, Thủ tướng yêu cầu các ban ngành, địa phương tập trung tìm kiếm người còn mất tích; có chính sách, hỗ trợ để những gia đình có thân nhân bị nạn ổn định cuộc sống lâu dài. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm làm đầu mối quản lý các nguồn cứu trợ, đảm bảo công bằng cho các gia đình gặp nạn.

Mời phía Nhật Bản tham gia điều tra

Đặc biệt, Thủ tướng quyết định thành lập ủy ban điều tra cấp nhà nước để trong vòng 30 ngày làm rõ nguyên nhân sự cố, đề ra biện pháp khắc phục. Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân được giao làm trưởng ban, các thành viên là thứ trưởng các bộ Công an, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hội Khoa học cầu đường Việt Nam và một tổ chức khoa học cầu đường độc lập của Nhật Bản. Ủy ban điều tra kết luận một cách khách quan, khoa học về nguyên nhân sự cố, từ đó làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành liên quan.

Thủ tướng nói: “Tôi nghĩ đây là sự cố đặc biệt thì ta phải có cơ chế đặc biệt mới đủ sức làm nhanh, rồi mới xác định trách nhiệm dân sự, hành chính hay hình sự được”. Thủ tướng yêu cầu từ kết luận của ủy ban điều tra cấp nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải tính toán, rà soát lại từ thiết kế đến giám sát thi công cầu Cần Thơ. Khi nào thẩm định xong, chỉnh sửa những thiếu sót, bảo đảm an toàn tuyệt đối mới được tiếp tục thi công.

Thủ tướng đặt vấn đề xem xét lại cơ chế đầu tư, thi công các dự án sử dụng vốn ODA. Chẳng hạn, giám sát thi công phải là do phía Việt Nam trong tư cách chủ đầu tư đứng ra thuê. Ông yêu cầu ủy ban trên cơ sở kết quả điều tra trình Chính phủ phương án sửa đổi chính sách, pháp luật về xây dựng.

Không để ảnh hưởng quan hệ Việt-Nhật

Sau cuộc làm việc với các bộ ngành về sự cố cầu Cần Thơ, Thủ tướng đã tiếp Đại sứ Nhật Bản Norio Hattori. Đại sứ đã gửi lời xin lỗi chân thành của Thủ tướng Yasuo Fukuda và chính phủ Nhật Bản tới gia đình những người bị nạn và nhân dân Việt Nam, đồng thời khẳng định lại chính phủ Nhật sẵn sàng hợp tác với chính phủ Việt Nam khắc phục hậu quả. Đại sứ Hattori khẳng định phía Nhật Bản không để sự cố này ảnh hưởng xấu tới quá trình thực hiện các dự án ODA của Nhật Bản tại Việt Nam và mối tin cậy giữa hai nước.

Thủ tướng đã cảm ơn và hoan nghênh thiện chí của chính phủ và các nhà thầu Nhật Bản và đề nghị chính phủ Nhật Bản cử đại diện một số tổ chức khoa học cầu đường tham gia ủy ban. Ông cũng khẳng định tinh thần của phía Việt Nam là nghiêm túc điều tra một cách khoa học, chính xác. Từ đó mới xem xét trách nhiệm các bên liên quan và xác định công việc thi công tiếp theo. Thủ tướng cũng khẳng định nỗ lực của Việt Nam không để sự cố này ảnh hưởng tới quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Đại sứ Hattori khẳng định phía Nhật Bản sẵn sàng tham gia vào ủy ban điều tra và cho biết đầu tuần tới sẽ cử đặc phái viên tới hiện trường cầu Cần Thơ và tiếp đó sẽ xin gặp chính phủ Việt Nam.

Tập trung tìm người mất tích còn lại

Vào 6 giờ chiều hôm qua (4-10), tại hiện trường, ông Nguyễn Văn Công, Chánh văn phòng Bộ GTVT cho biết mọi nỗ lực đều tập trung cho việc tìm kiếm người mất tích còn lại.

Người nhà anh Hơn đã mỏi mòn chờ đợi suốt mười ngày qua. Ảnh: VĨNH SƠN
Người nhà anh Hơn đã mỏi mòn chờ đợi suốt mười ngày qua. Ảnh: VĨNH SƠN

Đó là anh Trần Văn Hơn (1971), quê ấp Mỹ Thới, xã Mỹ Hòa (Bình Minh, Vĩnh Long). Suốt đêm hôm qua và cả ngày hôm nay, các lực lượng tìm kiếm vẫn chưa có phát hiện gì mới về trường hợp mất tích này. Các cơ quan chức năng đã huy động thêm 40 người ở Công ty Cầu 73 đào bới tìm kiếm xác nạn nhân này, nghi là đang nằm giữa hai trụ số 13 và 14. Về phương án thu dọn hiện trường sắp tới, ông Công cho biết các nhà thầu vẫn tiếp tục bàn bạc, chọn phương án tối ưu nhưng phải chờ sau khi tìm được nạn nhân còn mất tích và cơ quan điều tra thu thập đầy đủ chứng cứ, dữ liệu tại hiện trường.

Bên ngoài hiện trường chỉ còn lại hai thân nhân gia đình anh Hơn. Đôi mắt họ đã thâm quầng vì gần mười ngày ngồi chờ. Anh Trần Văn Tâm (em rể anh Hơn) tâm sự: Con gái anh Hơn mấy ngày nay bỏ học vì sốc quá nặng trước chuyện này. Vợ anh Hơn bỏ đi vì nhà quá nghèo. Con anh hiện đang sống chung với ông bà nội, năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhà cũng rất nghèo. Họ đang rất cần sự giúp đỡ để vượt qua nỗi khốn khó.

Theo ghi nhận của chúng tôi, không có người nào chết trong ngày 4-10.

Còn bảy nạn nhân chưa được cứu trợ

Sáng qua (4-10), trong cuộc họp báo về kết quả vận động giúp đỡ nạn nhân vụ sập cầu Cần Thơ, ông Phan Thanh Sĩ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP Cần Thơ, cho biết đã nhận được hơn 9,6 tỷ đồng cùng 3.584 USD. Số tiền này đã được chi cứu trợ cho các nạn nhân và thăm hỏi người bị thương hơn 4,5 tỷ đồng. Số tiền tồn quỹ hơn 5,1 tỷ đồng, sẽ chuyển về cho tỉnh Vĩnh Long để chi cho tất cả các nạn nhân.

Ông Sĩ cho biết còn bảy gia đình nạn nhân đã chết ở miền Bắc, miền Trung vẫn chưa nhận được số tiền hỗ trợ 30 triệu đồng. Họ chỉ mới nhận năm triệu đồng hỗ trợ khẩn cấp ban đầu. Ông nói “chúng tôi sẽ có cuộc họp với Mặt trận tỉnh Vĩnh Long để thúc đẩy việc này”.

NGHĨA NHÂN - VĨNH SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm