Lừa đảo bằng kho “tiền cổ” triệu đô

Trần Thanh Cao (41 tuổi, quê Ninh Bình), Phùng Thị Minh Thùy (24 tuổi, sống như vợ chồng với Cao), Trần Xuân Ba và Phan Văn Ba đang bị tạm giữ để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đó là thông tin do Công an quận 10 (TP.HCM) cho biết vào ngày 12-1.

Theo điều tra ban đầu, Cao và Thùy lòe với nhiều người mình là thành viên của một tổ chức ngầm đang thực hiện nhiệm vụ bán các loại tiền cổ bảo chứng do Mỹ phát hành vào những năm 1928-1934 nhưng phải có tiền đặt cọc mới có thể đưa ra khỏi kho, mang đi bán. Hai người này còn tung tin là hiện có người muốn mua loại “tiền cổ” này với giá cao hơn 36% giá trị “tiền cổ”, ai môi giới được hưởng 3%.

Bốn nghi can lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại trụ sở công an và tang vật tiền cổ giả. Ảnh: XN

Đầu tháng 7-2013, Cao, Thùy gặp gỡ, thuyết phục anh THA bỏ ra 100 triệu đồng đặt cọc, góp vốn chung để lấy 2 triệu USD “tiền cổ” đi bán sẽ được lời 720.000 USD. Lóa mắt trước lợi nhuận, anh A. nhanh chóng sập bẫy. Giữa tháng 7-2013, tại một quán cà phê trên đường Lê Hồng Phong (quận 10, TP.HCM), anh A. đưa 100 triệu đồng cho Cao, Thùy và nhận lại ba tờ tiền mệnh giá 100 USD, 1.000 USD và 1 triệu USD (dạng scan) để làm tin. Sau đó anh A. mang “tiền cổ” đến ngân hàng kiểm tra, phát hiện tiền giả và thực tế không có tiền mệnh giá như trên nên đã làm đơn tố cáo đến cơ quan công an.

Cùng thời điểm này, Thùy tiếp tục gọi điện thoại cho anh A. nói nếu đưa thêm 700 triệu đồng thì sẽ giao cho anh ba lốc tiền 100 USD và 1 triệu USD. Chiều 9-1, Cao, Thùy, Văn Ba mang ba lô đựng ba lốc “tiền cổ” cùng hợp đồng đến giao cho anh A. thì bị trinh sát ập vào bắt quả tang.

Tang vật thu giữ tại chỗ gồm nhiều tờ đô la giả có mệnh giá 100 USD, 1 triệu USD, nhiều giấy tờ và một máy tính xách tay. Khám xét khẩn cấp chỗ ở của Cao và Thùy, công an phát hiện nhiều tài liệu, giấy tờ cùng các bản hợp đồng liên quan. Qua đấu tranh, Cao khai nhận số tiền đô giả trên của Trần Xuân Ba nên lực lượng chức năng đã bắt khẩn cấp người này.

Cao và Thùy khai nhận bản thân từng là nạn nhân của một nhóm lừa đảo ở Hà Nội nên học được phương pháp này rồi đi lừa người khác. Trước đó, vào năm 2013, Cao, Thùy, Xuân Ba và Văn Ba tham gia vào phi vụ mua một thùng tiền đô ký hiệu K22 với giá 2 tỉ đồng. Theo quảng cáo của nhóm lừa đảo ở Hà Nội, thùng tiền này có giá trị thực lên đến 3.000 tỉ USD. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền cọc, nhóm ở Hà Nội “lặn mất tăm” khiến nhóm của Cao “trắng tay” và quay sang đi lừa đảo những người khác để mong gỡ lại số tiền đã bị mất.

XUÂN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm