Lừa đảo bằng vé số giả

Lừa đảo bằng vé số giả ảnh 1
Vé số giả là nỗi ám ảnh của những người bán, đổi vé số Ảnh: T.Thái

Hai tỉnh có số vụ bị làm giả vé số nhiều nhất đã được cơ quan chức năng phát hiện là Kiên Giang và Vĩnh Long.

Đầu tháng 8-2007, Công an TP Cần Thơ bắt giữ hai đối tượng lừa đảo dùng vé số in giả của nhiều tỉnh ở ĐBSCL để đổi giải thưởng thật, trong đó có 24 tờ vé số của Công ty Xổ số kiến thiết (XSKT) Kiên Giang.

Trước đó, vào ngày 24-4-2007, Công an phường Bình Đức, TP Long Xuyên (An Giang) cũng đã bắt quả tang Vương Hải Âu (sinh 1985) thường trú ở khóm 4, phường Mỹ Long, TP Long Xuyên (An Giang) đang mang vé số giả đổi giải thưởng tại đại lý vé số Bình An.

Phân biệt vé số thật - giả

Theo bà Trương Thị Thu Thủy - phó giám đốc Công ty XSKT Kiên Giang, vé số giả hạt màu in rời rạc, lấm tấm không đều, không chồng khít lên nhau, các chi tiết nhỏ trên tờ vé số giả đường nét không sắc sảo, người dân có thể dùng kính lúp để phân biệt.

Còn vé số thật do Công ty XSKT Kiên Giang phát hành in bằng công nghệ offset, màu mực sắc nét, rõ ràng; vé số thật in bằng mực phản quang ở một số vị trí như: kỳ vé, ngày xổ, hoa văn chìm, hoa văn trên mệnh giá vé 5.000 đồng, ngày xổ; vé số giả không in mực phản quang trên các vị trí này. Vé thật tại vị trí mộc cùi lưu được cắt sát không có khoảng trắng; còn vé số giả tại vị trí này lại có khoảng trắng

Khám xét tại chỗ, cơ quan công an đã thu giữ trong người Âu cất giấu rất nhiều loại vé số kiến thiết của nhiều tỉnh trong khu vực như: Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… Đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ được phát hiện bắt giữ, còn rất nhiều vụ khác do các công ty phát hiện và tự giải quyết.

Kết quả điều tra của Công an TP Cần Thơ cho thấy đường dây làm vé số giả bị phát giác này đã hình thành hơn ba năm nay với 10 đối tượng. Cầm đầu đường dây này là một người tên Tuấn, thường trú ở huyện Thốt Nốt (TP Cần Thơ).

Thủ đoạn của Tuấn và đồng bọn là sau khi biết kết quả xổ số vừa được công bố, họ tổ chức in ấn (in lụa thủ công) ngay các tờ vé số trúng các giải thưởng thấp - chủ yếu là lô đầu và lô thưởng 150.000 đồng - rồi phân phát cho đồng bọn, chia nhau đi đổi thưởng ở khắp các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL.

Tuấn và đồng bọn thường chọn những người hành nghề bán vé số dạo, người già, trẻ em để lừa vì những người này thường ít nhận biết được vé số thật, vé số giả. Rất nhiều người bán vé số dạo đã bị lừa khiến không chỉ trắng tay mà còn lâm cảnh nợ nần. Trong khi đó, một số công ty XSKT thừa biết chuyện vé số giả xuất hiện trên thị trường nhưng chấp nhận "chịu trận" vì sợ khi công bố thông tin khách hàng sẽ ngại, không mua vé số của công ty mình.

H.T. Dũng - T. Thái&nbsp;<EM>&nbsp; ( Theo TTO )</EM>

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm