Mái nhà nào cho em?

Người đàn ông lầm lũi bước từng bước trên con đường từ nhà trọ ở quận Tân Bình đến trụ sở TAND quận 3 (TP.HCM). Ông tìm đứa con trai mới 17 tuổi mà đã bỏ nhà đi nhiều năm nay. Thật trớ trêu là ông đã phải tìm con ở chốn pháp đình.

Người may mắn

Ngày nó đi, cả nhà ông đã ngược xuôi khắp nẻo Hà Nội rồi lên tận vùng cao phía Bắc để tìm kiếm mà bóng dáng nó vẫn biệt vô âm tín. Một ngày mới đây, ông nhận được giấy triệu tập từ TAND quận 3. Tòa này sẽ xét xử vụ trộm cắp mà đứa con thơ dại ngày nào của ông là bị cáo. Ông lấy số tiền dành dụm của cả nhà đi xe vào TP.HCM.

phiên tòa đầu tiên, ông đi bộ đến từ rất sớm, ngóng chờ xe trại giam đưa con mình tới. Đôi mắt mỏi mòn vì trông con ngời ngời trên gương mặt mệt mỏi. Nhưng phiên xử bị hoãn, ông lại lầm lũi ra về, chưa thể nắm được tay con mình.

Rồi phiên xử con ông cũng được mở lại. Ngồi phía dưới, lòng ông nóng như lửa đốt. Ông mong muốn hội đồng xét xử cho con ông một mức án nhẹ bởi nó chưa thành niên, tài sản nó trộm không lớn, gia đình ông cũng đã gom góp bồi thường cho người bị hại. Khi được hỏi với tư cách người giám hộ, ông đã nói trong tiếng nấc nghẹn rằng do gia đình thiếu sót mà con ông bỏ nhà đi biệt tích. Cuộc sống đầu đường xó chợ đã làm nó có hành vi sai trái, mong tòa khoan hồng cho nó sớm được về trong vòng tay của gia đình. Ông tha thiết hứa sẽ chăm lo, giáo dục để nó không tái phạm nữa.

Vị chủ tọa ngồi trên thoáng một nụ cười hài lòng. Lúc đọc hồ sơ, ông đã từng dừng lại rất lâu ở phần lời khai của đứa trẻ, một đứa trẻ lang thang nhưng lại nhớ và ghi rất rõ địa chỉ gia đình. Ông đã làm giấy triệu tập gửi về cho gia đình, dù thật lòng ông nghĩ làm cho đúng thủ tục vì nhiều khả năng sẽ không ai đến. Bao nhiêu năm ngồi xét xử, bao nhiêu vụ trộm cắp của trẻ vị thành niên là bấy nhiêu lần nỗi buồn đến với ông sau mỗi lần phiên tòa diễn ra. Ông thường chỉ thấy gia đình của các bị cáo nhỏ bé này phủi sạch trơn trách nhiệm. Khi nghe câu cửa miệng “nó hư thì cho nó chết”, ông thấy cánh cửa nhà họ dường như đã khép chặt với những đứa trẻ dại dột và tội nghiệp ấy.

Sự chân tình của người cha đã thuyết phục được hội đồng xét xử. Thằng bé chỉ bị phạt sáu tháng tù nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 12 tháng. Thế là sau bao nhiêu năm xa cách, gặp lại nhau giữa công đường, họ vẫn còn may mắn là được đón nhau về trong vòng tay. Đứa trẻ đó dù đã phạm pháp nhưng tôi tin với tình yêu thương của người cha đó, tháng năm sẽ gột rửa quá khứ đen tối để nó làm người lương thiện trở lại.

Kẻ bất hạnh

Cô gái nhỏ nhắn đứng co ro trước vành móng ngựa. Cô cũng 17 tuổi, cũng phạm tội trộm cắp. Tội đã quá rõ, trước tòa cô chỉ dúm dó khai báo, cúi đầu thừa nhận. Tôi có cảm tưởng tòa tuyên án thế nào thì cô cũng sẽ cam chịu hết.

Quê em ở tận Tuyên Quang, cha mẹ ly dị mỗi người một nơi. Mẹ đi hợp tác lao động nước ngoài biệt tăm, em về sống với cha. Ít lâu sau thì cha em tái hôn cùng phụ nữ khác và có thêm một con trai. Cái tư tưởng lạc hậu cho con gái học nhiều cũng chẳng ích gì từ ngàn xưa nay được áp đặt lên chính cuộc đời của em. Ông ta quyết định cho em nghỉ học giữa chừng, đưa vào Sài Gòn ở cùng với người dì để học nghề may. Ở được ít lâu thì người dì cũng không còn muốn cưu mang đứa cháu nữa vì còn bao nỗi lo mưu sinh vất vả khác.

Em lang thang tìm chỗ trọ, thuê một cái giường tầng để cố đeo bám lại chốn này tìm việc vì biết rằng có về quê thì cũng sẽ chẳng ai quan tâm, yêu thương mình nữa và cũng chẳng đủ tiền mua vé tàu. Chưa kiếm được việc làm, sống lây lất, khi đồng tiền cuối cùng trong túi đã hết, túng quá hóa liều, em lấy cắp ba chiếc di động rẻ tiền đang để sạc pin của những người cùng thuê trọ. Việc làm của em hôm đó phải trả giá bằng việc ra đứng trước vành móng ngựa.

Luật sư bào chữa chỉ định cho em đã nhiều lần gọi điện thoại về gia đình em nhưng lần nào cũng chỉ nghe nói rằng “nó đã không còn là con trong nhà, muốn xử sao thì xử”. Người luật sư vừa mới ra trường, đầy nhiệt huyết cho vụ án bào chữa đầu tiên của mình đã cố công liên lạc, thuyết phục người nhà nhưng sự nhiệt huyết đó dường như cũng bị phai nhạt dần sau mỗi lần gọi điện thoại mà bị từ chối thẳng thừng.

Phiên tòa - một phiên tòa không có bóng dáng người thân nào của em cuối cùng cũng khép lại bằng bản án tám tháng tù nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 16 tháng. Một bản án hợp tình, hợp lý nhưng người dự khán chẳng thể nhẹ lòng cho em bởi điều lớn hơn còn đọng lại sau phiên tòa này là em sẽ đi đâu, về đâu? Một câu hỏi nhức nhối không dễ trả lời. Gia đình chối bỏ, nghề nghiệp không có, tương lai vô định... Bất hạnh là em đã không có một mái nhà sẵn lòng đón chờ em quay về như cậu bé may mắn ở trên.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm