Nát óc xóa quy hoạch “treo”

Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín, đến tháng 6-2008, toàn TP sẽ xóa hết các quy hoạch “treo”. Sau nhiều lần hạ quyết tâm mà vẫn không xong, giờ TP sẽ thực hiện cho bằng được kế hoạch này.

Người dân điêu đứng

Cách đây hơn 18 năm, quận 3 đã công bố việc quy hoạch mở rộng đường song hành ga Sài Gòn. Cũng ngần ấy năm, người có nhà, đất thuộc khu quy hoạch này gần như “ngồi trên đống lửa”. Thế chấp: ngân hàng định giá “bèo”; xây sửa kiên cố: không ai cho; bán: cũng không được do không ai muốn mua hoặc nhà nước không cho phép. Gần đây, khi nhận thấy khả năng thực hiện xa vời vợi, UBND quận 3 đã xin phép UBND TP xóa quy hoạch này. Tuy nhiên, UBND TP không đồng ý xóa và cũng chưa có kế hoạch khởi công. Theo ý kiến của một chuyên viên Sở Quy hoạch-Kiến trúc, do đây là một trục giao thông quan trọng nên chính quyền cần nhanh chóng lên kế hoạch thực hiện chứ không thể xóa bỏ.

Nhiều hộ dân ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức có nhà, đất nằm trong khu quy hoạch ga Bình Triệu cũng đứng ngồi không yên. Quy hoạch này được công bố đã lâu nhưng chưa rõ bao giờ thực hiện. Cần chỗ ở nhưng xin xây nhà tạm thì địa phương không cho và hiện tại thì đã có hàng trăm căn nhà xây dựng trái phép “mọc” lên (!). Nhiều hộ đã đề nghị nhà nước triển khai ngay quy hoạch, còn nếu không thì bỏ hẳn.

Chính quyền cũng “uể oải”

Không chỉ có người dân, các địa phương cũng ngán ngẩm với những quy hoạch “treo”. Trong thời gian dài thăm thẳm chờ thực hiện quy hoạch, chính quyền rất khó quản lý công tác xây dựng trên địa bàn và đã không thể giữ được quỹ đất. Bấy giờ phải tính đến việc điều chỉnh, hủy bỏ, rồi lập quy hoạch mới với những công đoạn, thủ tục hết sức nhiêu khê, phức tạp!

Nhiều người cứ nghĩ xóa quy hoạch “treo” là hủy bỏ hết thảy. Thật ra việc xóa quy hoạch “treo” còn phải được hiểu là chính quyền sẽ điều chỉnh cho khả thi hoặc triển khai thực hiện. Ông Thái Văn Toàn - Phó phòng Quản lý đô thị quận Tân Bình cho hay: Xóa quy hoạch “treo” không có nghĩa là “hô biến” một khu vực đang được quy hoạch là cây xanh hay khu công nghiệp thành khu dân cư. Thay vào đó, UBND cấp quận sẽ phê duyệt và công bố quy hoạch 1/2.000 trên toàn quận. Khi công bố quy hoạch mới, những quy hoạch cũ sẽ hết hiệu lực.

Hiện tại, quận Tân Bình có 48 khu quy hoạch “treo”, trong số đó có những quy hoạch làm cây xanh từ năm 1999 nhưng đến nay vẫn “án binh bất động”. Tới đây, quận sẽ điều chỉnh tất cả những khu quy hoạch “treo” đó theo hướng thu hẹp diện tích, lên kế hoạch thực hiện hoặc thay thế bằng nội dung khác.

Tại quận Gò Vấp, nhiều tuyến đường dự phóng của quận này cũng sẽ được điều chỉnh. Như đường dự phóng C, phường 16 (đoạn từ Nguyễn Văn Lượng đến Lê Đức Thọ) sẽ được thay thế bằng đoạn đường giáp ranh giữa phường 16 và phường 17 mở rộng; đường dự phóng nối từ Quang Trung đến Phạm Văn Chiêu cũng được xóa “treo” theo hướng mở đường chạy theo mương nước giáp ranh giữa phường 16 và phường 17 (sẽ cải tạo mương thành cống hộp và mở rộng đường). Có điều quận này vẫn chưa có quy hoạch 1/5000 nên không dễ gì lập nhanh quy hoạch chi tiết 1/2000. Mà để có quy hoạch 1/5000 thì Sở Quy hoạch-Kiến trúc lại bảo “không làm nổi” (!).

Gian nan việc xóa “treo”

Nhiều nhà quy hoạch vẫn hay nhắc đi nhắc lại: bản chất của quy hoạch là... “treo” chứ không thể khác hơn. Tuy nhiên, theo nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ, việc xóa các quy hoạch “treo” không nằm ngoài khả năng của các địa phương. Bởi lẽ theo Luật Đất đai và Nghị định 181, những diện tích đất thuộc diện phải thu hồi để thực hiện dự án, công trình theo kế hoạch sử dụng đất đã được công bố mà sau ba năm không được thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ và phải công bố. Việc gia hạn chỉ áp dụng đối với những diện tích đất dùng cho các mục đích công ích nhưng chưa đủ kinh phí để thực hiện; hoặc đối với những công trình, dự án phục vụ mục đích phát triển kinh tế mà đến tận năm thứ ba mới xác định được nhà đầu tư.

Trong các khu quy hoạch “treo”, người dân chỉ được phép sửa chữa tạm ngôi nhà xuống cấp của mình. Ảnh chụp tại khu phố 7, phường 14, quận 10 trước khi xóa “treo”. Ảnh: HTD
Trong các khu quy hoạch “treo”, người dân chỉ được phép sửa chữa tạm ngôi nhà xuống cấp của mình. Ảnh chụp tại khu phố 7, phường 14, quận 10 trước khi xóa “treo”. Ảnh: HTD

TP.HCM đã nhiều lần đề ra các mốc thời gian xóa “treo” nhưng đến giờ vẫn chưa xóa xong. Hiện quận Gò Vấp, Tân Bình và nhiều quận, huyện khác đang “chạy ma-ra-tông” để kịp mốc tháng Sáu mà UBND TP đã hạn định với nhiều vướng mắc chưa giải quyết được. Quận Phú Nhuận còn vướng việc kết nối hệ thống giao thông chung; quận 11 đang loay hoay quy hoạch tuyến đường trên cao số hai chưa được cắm mốc; huyện Cần Giờ vướng quy hoạch mương kênh chưa được Sở Giao thông Công chính hoàn thành; huyện Bình Chánh thì còn đang “vật lộn” với việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết do TP mới giao thêm cho huyện này khu y tế và khu làng đại học... Một số quận khác thì đang vướng quy hoạch giao thông.

Trừ các khu quy hoạch làm công ích không thể xóa ngay trong một sớm một chiều, các khu quy hoạch khác vì sao chưa thể xóa “treo”? Theo nhiều chủ tịch UBND quận, huyện, đội ngũ chuyên viên phụ trách công việc này rất non tay, trình độ thấp; các đơn vị tư vấn vừa yếu nghiệp vụ lại vừa thiếu nên không thể hoàn thành công tác quy hoạch theo tiến độ. Chưa kể thời gian để Sở Quy hoạch-Kiến trúc thẩm định đồ án quy hoạch rất lâu. Theo quy định, thời hạn này là 30 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ nhưng thực tế phải mất ba, bốn tháng hay lâu hơn nữa. Ngược lại, các cán bộ thẩm định của Sở Quy hoạch-Kiến trúc cũng than phiền chất lượng đồ án quá kém. Cán bộ Sở phải mời đơn vị tư vấn và cả chuyên viên của quận đến họp đi họp lại nhiều lần mới ra đồ án hoàn chỉnh...

Những lý do này không mới và đã từng “ngáng chân” tiến độ xóa quy hoạch “treo”. Lần này, nếu các cơ quan chức năng tiếp tục “bổn cũ soạn lại”, không chừng kế hoạch xóa “treo” lại “đầu voi, đuôi chuột”.

Tiến sĩ Võ Kim Cương (Chương trình Nghiên cứu khoa học về quản lý đô thị, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM):

Quy hoạch phải khoa học, khả thi... và hợp lòng dân

Lâu nay chúng ta lập quy hoạch theo phương pháp cổ điển, tức quy hoạch được thiết kế cho thời gian dài, có tính định hướng nhưng được pháp lý hóa nên cố định và cứng nhắc. Quy hoạch của ta thiên về kỹ trị hơn chính trị: quy hoạch như là một công cụ kỹ thuật hơn là để điều hành, phát triển; nặng về thiết kế, nhẹ về thực hiện...

Quy hoạch của ta dựa vào quy chuẩn ban hành từ lâu và chung cho cả nước như một khu vực phải có bao nhiêu phần trăm đất làm cây xanh, bao nhiêu phần trăm đất làm khu công nghiệp, văn hóa... Nếu làm quy hoạch theo đúng quy chuẩn thì không phù hợp thực tế, dẫn đến “treo”. Ngược lại, nếu không làm đúng quy chuẩn thì là vi phạm pháp luật.

Một đồ án quy hoạch phải thỏa mãn các yêu cầu nhất định:

- Phải có tính khoa học: Quy hoạch phải dựa trên cơ sở dữ liệu và căn cứ khoa học, phù hợp với quy luật.

- Phải có tính khả thi: Bảo đảm đồ án quy hoạch sau khi được duyệt được thực hiện thuận lợi, tức phải có tính thực tế, phải phù hợp với điều kiện thực tế và thực hiện được.

- Phải có tính ổn định: Quy hoạch đảm bảo sự kế thừa trong quá trình phát triển, tạo điều kiện hoạch định những kế hoạch dài hạn về kinh tế, xã hội.

- Phải có tính tối ưu: Bảo đảm giải pháp được chọn là tốt nhất.

- Phải hợp lòng dân: Tất cả những yêu cầu trên đều phải hướng tới mục tiêu giải quyết hài hòa lợi ích của người dân, tạo được động lực phát triển.

Để chống “treo”, ngoài việc đảm bảo các tiêu chí trên, chính quyền cần tìm nhiều giải pháp và tăng cường quyết tâm thực hiện cho được quy hoạch. Nhà nước có thể giải tỏa ngay khi công bố quy hoạch, nhất là những khu đất nông nghiệp. Nếu nhà nước không đủ vốn thì có thể huy động vốn từ các thành phần kinh tế khác. Cũng có thể huy động các công ty cổ phần, thậm chí cả tư nhân đứng ra bồi thường (có quy chế rõ ràng, phân chia lợi nhuận hợp lý). Điều này sẽ tránh được việc xây dựng trái phép trên đất đã quy hoạch hoặc giá đất tăng cao, gây trở ngại cho nhà nước trong việc bồi thường, giải tỏa.

Chính quyền cũng phải cân đối quyền lợi của các bên trong quá trình thực hiện quy hoạch: người ở lại được gì, người di dời được gì. Ví dụ như khi mở đường, sẽ không công bằng khi người hưởng lợi từ việc mở đường gần như trúng số độc đắc, còn người mất đất thì coi như gặp nạn. Nếu được giải quyết thỏa đáng quyền lợi, người dân sẽ sẵn sàng hợp tác để nhà nước sớm triển khai quy hoạch.

NGỌC HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm