Ngày đầu theo chân lực lượng xử lý tài xế dùng ma túy

Thực hiện cao điểm xử lý nồng độ cồn kèm test ma túy đối với tài xế xe cơ giới nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước, trong và sau Tết nguyên đán, từ ngày 16-1 đến 15-2, từ 18 giờ đến 2 giờ sáng mỗi ngày, Phòng CSGT TP.HCM sẽ tổ chức kiểm tra các tài xế theo nội dung trên.

Mất bảy phút cho mỗi trường hợp test ma túy

18 giờ ngày 15-1, PVPháp Luật TP.HCM có mặt trên quốc lộ 1 hướng từ vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) về Long An, nơi Đội CSGT An Lạc phối hợp với cảnh sát cơ động tổ chức chốt chặn, kiểm tra các tài xế.

Trong khoảng hai giờ đồng hồ, các chiến sĩ đã chặn khoảng 20 xe, đa số là xe container để test ma túy tài xế. Thiết bị dùng để test ma túy là dạng ống, được sử dụng để test nước bọt của tài xế. Đối với tài xế nghi vấn, họ được đề nghị ngậm một đầu cho thấm nước bọt, nước bọt sau đó được cho tương tác với giấy quỳ. Mỗi trường hợp kiểm tra sẽ mất khoảng bảy phút.

“Trên ống thử có bốn miếng giấy quỳ, tương ứng với từng loại ma túy gồm: ma túy tổng hợp, cocain, ma túy đá, heroin và cỏ, cần sa. Nếu giấy quỳ hiện lên hai vạch tức là không có ma túy, hiện một vạch thì có. Ngoài ra, một dạng que thử khác sau khi ngấm nước bọt sẽ được đưa vào máy để phân tích loại ma túy” - một chiến sĩ giải thích.

Theo quan sát, qua kiểm tra khoảng 20 tài xế thì chưa phát hiện trường hợp nào có sử dụng ma túy khi lái xe.

Đội CSGT An Lạc phối hợp với cảnh sát cơ động, Công an huyện Bình Chánh test tài xế xe container, xe tải... di chuyển trên quốc lộ 1 đoạn từ An Lạc về Long An vào tối 15-1. Trong ảnh: CSGT đưa que thử cho tài xế ngậm... Ảnh: L.THOA

Trọn bộ dụng cụ để test ma túy của CSGT. Ảnh: L.THOA

Tài xế xe container: Dùng ma túy thì không nên cầm vô lăng

Nói với PV Pháp Luật TP.HCM sau khi kiểm tra, tài xế Nguyễn Văn T. (46 tuổi, ngụ quận 8) cho hay dù từng có bảy năm chạy xe container, bạn bè trong nghề từng rủ rê dùng ma túy nhưng ông nhất định từ chối. Ông cho biết chủ yếu chạy xe chở sắt thép nên không gấp gáp, có hàng thì chạy, không thì đậu nghỉ. Mỗi năm công ty sẽ đưa ông và toàn bộ tài xế đi khám sức khỏe, test ma túy.

Tiết lộ những bí mật của cánh xe thường “chơi hàng”, ông T. nói có nhiều lần anh em trong giới tài xế sau khi rủ dùng ma túy và bị ông từ chối thì họ… mượn luôn cabin xe ông để thỏa mãn cơn ghiền, thường là hút, hít. Ai chích là nặng.

“Đặc biệt là mấy tay chạy xe Bắc-Nam đó, toàn ghé vào cây xăng… “làm một phát cho phê” rồi mới chạy. Cái đó nó ghê lắm, nó chống buồn ngủ nên nhiều anh em coi như một biện pháp chống mệt” - ông nói.

Còn tài xế Nguyễn Quốc Bình (ngụ Đồng Nai), thường chạy xe container về Long An, Sa Đéc, Đồng Tháp, Gò Dầu,… cho biết trước đây anh thường chạy xe Bắc-Nam đến 42 tiếng mỗi lần nên việc buồn ngủ là không thể cưỡng lại. “Lúc đó, khi chạy hết một ca, đổi người là tôi ngủ lúc nào không hay, cơn ngủ từ trong ruột ngủ ra luôn” - anh Bình kể.

Theo tài xế Bình, nếu đã dùng chất kích thích thì không nên để tài xế cầm vô lăng. “Chất kích thích chẳng qua chỉ tạo ảo giác, bản thân tôi khi uống rượu đã không ý thức được bản thân chạy như thế nào, chỉ cần gió lùa vào một cái là ngủ lúc nào không hay chứ đừng nói tới ma túy” - anh Bình nói.

“Đồng ý ai cũng muốn kiếm tiền nuôi gia đình nhưng nếu uống rượu bia, chơi ma túy rồi để xảy ra vụ việc như ở Long An hôm trước mà có nạn nhân là người thân của mình thì có đau đớn không?” - anh Bình nói và chia sẻ thêm nếu lái xe đường dài mà buồn ngủ thì nên kiếm cây xăng đậu khoảng 3-4 giờ, chỉ mất khoảng 30.000-50.000 đồng, lại rất an toàn. Còn nếu ngủ ngoài đường, ngoài việc dễ bị trộm cắp dầu, vỏ lốp thì dễ gây nên việc xe máy không thấy sẽ tông vào đít xe rất nguy hiểm.

Được biết cao điểm xử lý nồng độ cồn kèm test ma túy này sẽ thực hiện theo hai cấp độ. Một là phòng phối hợp với công an 24 quận, huyện để chốt chặn tại những điểm nóng phức tạp như quốc lộ, khu vực ra vào cảng trên địa bàn TP để kiểm tra. Hai là phối hợp với các trung tâm y tế dự phòng quận, huyện và các đơn vị doanh nghiệp kiểm tra chất kích thích đối với toàn bộ tài xế xe chuyên nghiệp tại các khu vực trọng điểm.

Ngoài ra, PC08 sẽ phối hợp với Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng để test nồng độ cồn và ma túy cũng như tình trạng sức khỏe của tài xế xe buýt… Những người vi phạm sẽ chịu những biện pháp xử lý thích đáng.

Tài xế “cù nhầy” với cảnh sát

Tại chốt kiểm tra được đặt gần Trạm thu phí xa lộ Hà Nội, Đội CSGT Rạch Chiếc (thuộc Phòng CSGT TP.HCM) gặp một trường hợp dở khóc dở cười. Theo đó, khoảng 21 giờ 30 ngày 15-1, tài xế NQP (ngụ Long An) điều khiển ô tô bảy chỗ bị phát hiện có nồng độ cồn, bị lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ xe và bằng lái. Tài xế P. không chịu ký biên bản vì cho rằng mình chỉ uống tí xíu. “Tôi chỉ vi phạm nồng độ cồn, không chở quá tải, hàng quốc cấm, tại sao các anh lại giữ xe tôi? Trong thời gian giữ xe, thiệt hại về công việc của tôi ai chịu?” - tài xế P. cãi.

Ngày đầu theo chân lực lượng xử lý tài xế dùng ma túy ảnh 3
Tài xế P. “xỉn”, không chịu ký biên bản sau hai giờ CSGT thuyết phục. Ảnh: NGÔ BÌNH

Có mặt tại hiện trường, Trung tá Nguyễn Văn Hội, Đội trưởng Đội CSGT Rạch Chiếc, đã giải thích khá lâu rằng theo quy định, trong hơi thở chỉ cần có nồng độ cồn dù là nhỏ nhất, lực lượng CSGT phải tạm giữ phương tiện. Tuy nhiên, sự kiên nhẫn của vị trung tá không nhận được sự hợp tác, CSGT sau đó buộc phải lập biên bản tạm giữ phương tiện với chữ ký của người làm chứng.

Được biết sau hơn hai giờ kiểm tra, Đội CSGT Rạch Chiếc đã phát hiện năm trường hợp vi phạm nồng độ cồn, không ai bị phát hiện dương tính với ma túy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm