Nghìn lẻ "chiêu độc" của tội phạm ma túy

Ma túy đang được tuồn vào Việt Nam bằng mọi hình thức, với những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Đặc biệt, khi phát hiện bị lực lượng chức năng bắt giữ, bao vây nhiều đối tượng vận chuyển ma túy đã hung hãn chống trả quyết liệt bằng vũ khí, đã không ít cán bộ chiến sỹ công an đã hy sinh hoặc mang thương tích nặng nề trong quá trình phá án… Những tình huống, vụ án mà Thượng tá Lê Tiến Trung - Phó Trưởng phòng nghiệp vụ, pháp luật, Cục Cảnh sát đấu tranh tội phạm ma túy (TPMT), Bộ Công an - đưa ra đều cho thấy cho thấy những diễn biến về TPMT ở nước ta đang ngày càng  phức tạp, khó lường.

Theo cơ quan phòng chống tội phạm ma túy, hiện trên thế giới có ba khu vực được coi là điểm nóng về ma túy gồm Tam giác vàng, Trăng lưỡi liềm vàng và khu vực Nam Mỹ. Trong khi đó, Việt Nam nằm gần hai khu vực là Tam giác vàng và Trăng lưỡi liềm vàng, do vậy TPMT rất phức tạp. Ma túy được thẩm lậu vào Việt Nam bằng nhiều phương thức khác nhau từ phương tiện thô sơ (vác) đến hiện đại (vận chuyển bằng đường hàng không, chuyển phát nhanh).

Trên đường bộ, nguồn ma túy từ nước ngoài thẩm lậu vào Việt Nam chủ yếu qua tuyến biên giới Việt – Lào và tuyến Tây Bắc. Tuyến Tây Bắc nóng bỏng nhất là Sơn La, được mệnh danh là tổng kho heroin, trong đó địa bàn huyện Mộc Châu có tới 11 xã có người dân tham gia vào vận chuyển ma túy. Tuyến biên giới Việt – Trung nóng nhất là địa bàn Lạng Sơn, tuyến này chủ yếu vận chuyển ma túy tổng hợp. Lợi dụng địa thế hiểm trở của hai địa bàn này, TPMT đã dùng tiền mua chuộc người dân vận chuyển.

Nghìn lẻ "chiêu độc" của tội phạm ma túy ảnh 1

Cuộc chiến phòng chống TPMT ngày càng khốc liệt, cam go. (Ảnh: VTV)

Còn trên tuyến hàng không, nổi lên là đối tượng gốc Phi vận chuyển ma túy từ khu vực Tây Á dưới hình thức khách du lịch. Ngoài ra, TPMT còn lợi dụng những sinh viên du học, người giúp việc nước ngoài, thậm chí có sự tham gia của những giáo sư, cán bộ đi công tác ở nước ngoài.

“Để vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam, TPMT không từ thủ đoạn nào. Ma túy được giấu trong bình xăng, trong lốp xe, trong bao hàng, qua chuyển phát nhanh, thậm chí thuê các đối tượng nuốt vào bụng. Còn trên tuyến biên giới, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào dân tộc, TPMT thuê người dân vận chuyển ma túy về Việt Nam. Không chỉ thanh niên trai tráng mà cả phụ nữ, người già và trẻ em, thậm chí phụ nữ đang mang thai cũng tham gia vận chuyển ma túy dưới mọi hình thức như đi chợ, làm rẫy… Ma túy được giấu dưới dép, trong thức ăn, hoa quả - phương thức này tuy đơn giản nhưng rất khó phát hiện. Song đây chỉ là lượng rất nhỏ ma túy được thẩm lậu về Việt Nam, còn phần lớn ma túy được vận chuyển qua cửa khẩu bằng cách giấu trong những chuyến hàng, container. Trong khi, việc tác chiến trên những cung đường này vô cùng khó khăn, bởi do chúng ta đã gia nhập AFTA nên phải chắc chắn có ma túy mới được kiểm tra, nếu không sẽ phải bồi hoàn sản phẩm cũng như danh dự. Dù vậy, việc phá án trên tuyến biên giới vẫn "dễ thở" hơn so với các tuyến khác như hàng không, đường biển...

Trên tuyến hàng không, lợi dụng quan điểm Việt Nam muốn làm bạn với các nước, TPMT đã núp dưới danh nghĩa khách du lịch, nhà khoa học để vận chuyển ma túy. Phần lớn ma túy vận chuyển theo đường hàng không có nguồn gốc từ các nước Tây Á, do một số đối tượng gốc Phi vận chuyển qua sân bay Tân Sơn Nhất và từ tháng 4, 5 năm nay lại chuyển hướng qua Nội Bài. Điều này gây khó khăn cho lực lượng công an vì khi vào Việt Nam, các đối tượng vứt hết giấy tờ tùy thân như hộ chiếu, lang thang cư trú, khi bị bắt không chịu khai báo bằng tiếng Anh, Pháp… mà chỉ dùng tiếng bản địa nên rất khó xử lý. Đây cũng là tuyến vận chuyển lượng lớn ma túy song số vụ bị phát hiện và xử lý rất ít bởi phải dùng máy dò sóng nhưng hiện có loại ma túy mà máy dò không thể phát hiện ra được.

Cùng với diễn biến phức tạp trong công tác phòng chống TPMT, tình trạng gia tăng nhóm đối tượng nghiện ma túy tổng hợp tại các thành phố lớn cũng đang trong tình trạng báo động.

Theo báo của Cục Phòng chống tệ nạn, Bộ LĐ-TB&XH, trong 6 tháng đầu năm 2012, các cơ sở trong cả nước đã tổ chức cai nghiện cho 16.000 lượt trong tổng số 35.000 đối tượng nghiện ma túy. Trong đó, cai tại trung tâm là 9.400 lượt người, cai tại gia đình và cộng đồng là 6.600 lượt người.

Tuy nhiên, theo nhận định của cơ quan công an, trên thực tế hiện nay số người nghiện ma túy vẫn ngang bằng, chưa giảm và có nguy cơ tăng cao. Nếu không có những giải pháp đồng bộ, lâu dài, tệ nạn ma túy có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát.

Đáng lo ngại là thực trạng về loại ma túy tổng có màu sắc, logo bắt mắt rất dễ lôi kéo giới trẻ. Kéo theo đó là số người sử dụng các loại ma túy tổng hợp, tân dược gây nghiện và các loại ma túy mới có xu hướng gia tăng, tập trung vào đối tượng là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên ở khu vực đô thị. Cùng đó. nguy cơ tái trồng cây thuốc phiện và cây cần sa còn tiềm ẩn ở nhiều địa phương. Đây là một trong nguyên nhân dẫn tới TPMT ngày càng gia tăng.

Tại hội thảo về công tác phòng chống ma túy, do Cục Phòng chống tệ nạn vừa tổ chức, ông Trung đóng góp ý kiến về về mặt pháp lý và cho rằng: Dù đã có nhiều quy định pháp luật trong lĩnh vực này, nhưng đến thời điểm này đã có nhiều quy định không còn phù hợp. Như tình trạng TPMT cũng như người nghiện ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng nhưng đến nay trong luật chưa có quy định cụ thể về hàm lượng, khối lượng của nó. Trong khi đó, nếu đưa người nghiện ma túy tổng hợp vào các trại cai nghiện hiện nay sẽ không có kết quả.

Phía cơ quan Công an cũng đưa ra nhận định, hiện tội phạm về ma túy liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, địa bàn hoạt động và mang tính quốc tế cao hơn; gắn kết chặt chẽ với các loại tội phạm tham nhũng, rửa tiền và buôn bán vũ khí. Do đó, cần sửa đổi một số quy định cho phù hợp tạo khung pháp lý đủ sức răn đe với loại tội phạm phức tạp này.

Theo Thanh Trầm (Dân trí)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm